Thanh long ruột đỏ trên đất Sông Công

09:26, 16/08/2012

Qua hơn 3 năm trồng thử nghiệm tại phường Lương Châu, T.X Sông Công, cây thanh long ruột đỏ đã thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương và bước đầu cho thấy những ưu điểm nổi bật là dễ trồng, chăm sóc, cho hiệu quả kinh tế cao gấp 5 lần so với các cây trồng khác.

Năm 2009, UBND phường Lương Châu đã đưa cây thanh long ruột đỏ vào trồng thử nghiệm với mục đích chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tăng thu nhập trên cùng diện tích đất sản xuất cho người dân. Sau 3 năm trồng thử nghiệm, thấy được lợi ích của việc trồng cây thanh long ruột đỏ nên nhiều người dân của phường đã mạnh dạn đưa cây thanh long về trồng tại vườn nhà. Từ 10 hộ ban đầu trồng thanh long ruột đỏ với diện tích 7 sào đất, đến nay đã có 30 hộ dân của phường tham gia trồng với diện tích gần 50 sào.

 

Để tìm hiểu về cây trồng này, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Hồng tổ dân phố 6, là một trong 10 hộ dân đầu tiên tham gia trồng thanh long của phường. Bước vào khu vườn của nhà chị Hồng, chúng tôi choáng ngợp bởi hàng trăm cây thanh long được trồng thành những hàng dài thẳng tắp bám chặt lên trụ cột bê tông, lúc lỉu quả hình bầu dục màu đỏ tía. Chị Hồng cho biết, trước đây diện tích vườn này chúng tôi trồng đỗ tương, sắn nhưng hiện quả kinh tế không cao. Đến năm 2009, gia đình chuyển 1 sào đất vườn sang trồng cây thanh long ruột đỏ và giống cây này đã cho chúng tôi lợi nhuận gấp 5 lần trồng các cây trồng cũ. Cây thanh long cho thu hoạch từ tháng 4 đến tháng 10 âm lịch, và cứ 20 ngày là được thu hoạch 1 đợt quả, nên không sợ mất mùa. Từ tháng 4 đến nay, gia đình tôi đã thu được 300 kg quả với giá bán 40 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, còn được lãi là 10 triệu đồng. Dự kiến, đến hết vụ chúng tôi còn thu khoảng 300kg quả nữa.

 

Thấy được lợi nhuận như thế, nên năm 2011, gia đình chị Hồng đã mở rộng thêm 6 sào thanh long nữa. Chị Hồng cho biết, cây thanh long từ mùa quả thứ 4 trở đi sẽ cho năng suất 40 kg quả/trụ trở lên, tức là gấp 4 lần năng suất của các năm đầu và được thu hoạch liên tục trong 40 năm mới phải trồng lại. Như vậy, rõ ràng trồng thanh long chỉ cần đầu tư 1 lần là được hưởng dài lâu. Bên cạnh đó, quả thanh long lại có hình thức rất đẹp, bên ngoài màu đỏ đậm tươi, bên trong màu đỏ thắm lạ mắt và có vị ngọt dịu đang được người tiêu dùng rất ưa chuộng nên rất dễ tiêu thụ, quả chín đến đâu, người buôn đến mua hết đến đó.

Còn ông Dương Văn Vững ở tổ dân phố 1 thì không giấu được vẻ mặt phấn khởi khi dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây thanh long đã cho được 2 mùa quả đẹp không khác gì vườn cây cảnh của gia đình. Với hơn 1 sào vườn, ông đã trồng được 50 trụ thanh long theo đúng tiêu chuẩn. Ông cho biết: Năm 2009, gia đình tôi đầu tư hết 140 nghìn đồng/1 trụ thanh long, tính ra cả vườn hết 7 triệu đồng. Đến mùa quả năm 2011, tôi đã thu được hết tiền đầu tư ban đầu và còn để ra được 10 triệu đồng. Từ năm thứ hai trở đi, vườn thanh long này chỉ cần chi phí khoảng 3 triệu đồng cho một mùa quả, như vậy gia đình ông thu được lợi nhuận khoảng 18 triệu đồng/sào.

Nói về hiệu quả kinh tế mang lại từ cây thanh long ruột đỏ, ông Dương Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND phường Lương Châu cho biết: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ đã cho thành công ngoài mong đợi. 7 sào thanh long trồng năm 2009, đến nay cho thu hoạch gần 7 nghìn kg quả với giá bán trung bình 35 nghìn đồng/kg cho doanh thu là 245 triệu đồng. Chi phí cho sản xuất 7 sào là 50 triệu đồng. Như vậy, 7 sào thanh long ruột đỏ ban đầu đã có thể thu lãi được gần 200 triệu đồng. Rõ ràng, cây thanh long ruột đỏ hoàn toàn có thể phát triển trồng thương phẩm trên diện tích lớn để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực tham mưu cho UBND thị xã triển khai trồng rộng rãi theo một quy hoạch và lộ trình chuyển đổi cây trồng khoa học, phù hợp với địa phương.