Còn các Bộ trưởng quản lý chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động, hiệu quả của các tổng công ty…
Trong họp báo Chính phủ thường chiều 31/7, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ cho biết, tại phiên họp tháng 7, Chính phủ thảo luận về Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp
Theo đánh giá, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; quản trị doanh nghiệp chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường. Một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai chưa cao, còn tiêu cực, vi phạm pháp luật.
Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”.
Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, Nghị định phân cấp, phân công nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn DNNN là nội dung quan trọng trong đề án tái cấu trúc DNNN. Việc chuẩn bị Nghị định này đã được bàn nhiều lần, từ năm 2009. Nghị định này sẽ tập trung vào việc bỏ cơ chế chủ quản, tách quản lý Nhà nước ra khỏi quản lý DN.
Tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận về Nghị định phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp nhằm phân định rõ hơn quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cấp, từng cơ quan trong thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, gồm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các Bộ kinh tế tổng hợp (Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội), Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Xác định rõ cơ quan đầu mối trong thực hiện quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước là Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thực tế hiện nay, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, vai trò của Bộ quản lý chuyên ngành không rõ ràng. Hội đồng quản trị lại được giao nhiều quyền, dẫn tới một số vụ việc, một số khâu khi có việc xảy ra, khi kiểm tra thì không thấy bóng dáng cá nhân đâu.
“Chính vì thế, Nghị định sẽ phân định rõ trách nhiệm của Thủ tướng với những DN lớn, DN đặc biệt, DN chủ lực của NN. Còn với các TCT thì nhấn mạnh vai trò của các Bộ trưởng quản lý chuyên ngành” – Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao; quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn. Bộ quản lý ngành kinh doanh chính thực hiện giám sát, kiểm tra và thanh tra với vai trò là cấp trên trực tiếp của chủ sở hữu tại doanh nghiệp. Các Bộ tổng hợp giám sát, kiểm tra, thanh tra và tổng hợp chung về DNNN và việc sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Mở rộng đối tượng áp dụng là doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý của chủ sở hữu nhà nước với tư cách là cổ đông, khắc phục được bất cập trong việc thực hiện quyền của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp sau cổ phần hóa, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Trên cơ sở Nghị định này, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn chỉnh Nghị định về quản lý tài chính, quản lý sử dụng vốn của Nhà nước tại các doanh nghiệp; quy chế giám sát tài chính doanh nghiệp; cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp, thuê Tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên./.