Tiền kim loại bắt đầu đi vào lưu thông từ cuối năm 2003 với mong muốn có phương tiện thanh toán tự động như máy bán nước giải khát vệ đường, mua vé đi tàu, xe buýt. Tuy nhiên, sau vài năm, người dân bắt đầu “ngán” bởi vô vàn những lý do như không bền, kích thước lại nhỏ, khó bảo quản và lưu giữ trong ví.
Anh Phi, quận Ba Đình phàn nàn: “Tôi thấy tiền xu rất khó bảo quản, để một thời gian bên ngoài không khí là chúng đã xỉn màu, không còn nhìn rõ chữ hay các dấu hiệu khác.”
Ngoài ra, việc cơ sở hạ tầng chưa phát triển kịp để thích ứng với sử dụng tiền xu cũng là vấn đề lớn. Chị Phương, quận Long Biên giãi bày: “Ở nước ngoài, người dân phải trả tiền xu khi đi tàu điện ngầm hoặc một số dịch vụ công cộng bắt buộc khác. Nhưng ở Việt Nam, những dịch vụ này đều chưa triển khai, hoặc đã có nhưng hoạt động không hiệu quả”.
Tháng 4/2011, Ngân hàng Nhà nước chính thức thông báo ngừng phát hành tiền xu sau 8 năm. Tuy nhiên, tiền xu gần như đã biến mất từ trước đó vài năm. Sư trụ trì tại một ngôi chùa ở huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết: “Hai năm trở lại đây, nhà chùa không còn nhận được khoản công đức là tiền xu như trước. Kể cả trước đây khi tiền xu vẫn được người dân sử dụng lễ chùa đều đặn thì việc kiểm đếm cũng khá vất vả”.
Tại các chợ, hầu hết tiểu thương đều từ chối tiền xu. Lý do họ đưa ra là tiền xu quá nhỏ và dễ rơi. Tâm sự với VnExpress.net, độc giả Võ Minh Phúc (sống tại TP HCM) bức xúc kể: “Tôi trả tiền vé xe bus được nhân viên thối lại 3 đồng xu 5.000 đồng. Khi tôi mang đi mua đồ thì bà chủ tiệm tạp hóa không chịu và nói rằng tiền xu không xài nữa. Ra chợ hay kể cả khi tôi vào bưu điện quận, nhà sách, siêu thị... họ đều nói tiền xu không xài nữa”.
Giờ đây, tuy không xuất hiện trong lưu thông, những đồng xu vẫn tồn tại trong nhiều gia đình với mục đích khác với ý tưởng ban đầu. Cô Thu, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Tôi vẫn giữ một vài xu 1.000 đồng nhưng chỉ dùng để cạo gió khi trong nhà có người bị cảm. Hầu hết các dịch vụ ngoài phố bây giờ đều không chấp nhận thanh toán tiền xu”.
Tiền xu giờ chỉ còn được tìm thấy trong một số gia đình ưa thích sưu tập… đồ cổ. Chị Thu Trang (Kim Ngưu, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Đứa em tôi giờ không coi tiền xu là vật để tiết kiệm như trước vì sau này rất khó quy đổi ra tiền mệnh giá lớn. Gia đình tôi đành đưa những đồng tiền xu còn lại vào bộ sưu tập các đồng xu cổ”.
Lý giải với VnExpress.net về việc tiền xu “mất hút” trong lưu thông, Chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định: “Việc tiền xu không còn xuất hiện nhiều trong lưu thông phần lớn xuất phát từ chất lượng đồng tiền quá kém, trong đó, loại xu 1.000-2.000 đồng có thể coi là tệ nhất”. Không chỉ về chất lượng, thói quen tiêu dùng của người dân cũng là vấn đề lớn khi áp dụng tiền xu vào lưu thông. Một thời gian dài người dân đã quen sử dụng tiền giấy, giờ đây khôi phục thói quen dùng tiền xu cũng không hẳn là dễ, ông Ánh phân tích.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn cho rằng, dân chúng không được phép từ chối những đồng tiền đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành. Theo ông, tiền xu do có mệnh giá quá nhỏ nên không được người dân coi trọng về giá trị. “Tại Mỹ, tiền xu được sử dụng khá phổ biến bởi nó có cả những mệnh giá cao như 5 USD. Hơn nữa, người dân dùng nhiều tiền xu tại các máy bán hàng tự động còn tại Việt Nam những dịch vụ này chưa có”, ông Hiếu nói.
Về việc giải pháp với những đồng xu ít ỏi còn lại trên thị trường, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, các nhà băng cần vào cuộc và phải có kế hoạch chấp nhận thu hồi loại tiền này nhằm hút chúng ra khỏi thị trường.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ công bố dừng phát hành mới và chưa có kế hoạch thu hồi đồng tiền kim loại. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, nếu không thu hồi hoàn toàn những đồng tiền kim loại này thì Ngân hàng Nhà nước nên nâng giá trị của tiền xu để người dân năng trao đổi và coi nó là phương tiện thanh toán. “Quan trọng hơn là phải cho tiền xu có chỗ để sử dụng như phát triển hệ thống bán hàng tự động tại các nơi công cộng”, ông Hiếu nói thêm.