Về Đông Cao nghe chuyện làm giàu

08:19, 22/08/2012

Đông Cao (Phổ Yên), một miền quê thanh bình nằm bên dòng sông Cầu. Từ hơn 50 năm trước, vùng quê này được nhiều người dân trong tỉnh biết đến bởi phong trào “Xây dựng nếp sống văn hóa mới”. Còn những năm gần đây, Đông Cao nổi lên bởi phong trào nông dân làm giàu. Từ cấy lúa, trồng rau và chăn nuôi gà, lợn... nhiều hộ trong xã đạt thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Gia đình bà Ngô Thị Loan, xóm Dỏ, nhà có 5 nhân khẩu là một điển hình trong phong trào làm giàu của xã. Từ mô hình chăn nuôi hơn 3.000 con gà/lứa, kết hợp kinh doanh thức ăn chăn nuôi (khoảng 700 tấn/năm) và thâm canh trên 8 sào đất ruộng, năm 2011 gia đình bà Loan đạt tổng thu hơn 11,5 tỉ đồng. Cùng ở xóm Dỏ, gia đình ông Tạ Văn Minh, một nông hộ làm giàu từ chăn nuôi lợn. Với quy mô chăn nuôi 100 con lợn thịt/lứa, 1 năm xuất bán 3 lứa được gần 30 tấn, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông Minh còn có lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

 

Ông Hoàng Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Trong 5 năm gần đây, 1.290 hội viên nông dân của xã đã tham gia đóng góp được hơn 1,5 tỉ đồng và hàng nghìn ngày công lao động để làm mới hơn 5 km đường nông thôn... Nhờ vậy, việc vận chuyển hàng hóa nông sản của người dân được thuận lợi hơn so với trước đây.

Qua trao đổi lãnh đạo xã, chúng tôi còn được biết: Xã Đông Cao có hơn 2.000 hộ, hơn 8.000 nhân khẩu, trên 70% số hộ làm nông nghiệp. Trong sản xuất, Đông Cao có thuận lợi là hầu hết các khu đồng đều bảo đảm được nước tưới nhờ dòng sông Cầu; người dân năng động trong sản xuất, nhưng để phát huy thế mạnh, đưa vùng đất Đông Cao ngày một trù phú hơn, các thế hệ cán bộ của xã đã tích cực vào cuộc bằng những việc làm cụ thể, như việc Hội Nông dân và Ban Chỉ đạo sản xuất xã đã về Viện Nghiên cứu cây lương thực Trung ương để xin dự án trồng bí xanh năm 2009; dự án mô hình trồng cà chua năm 2010 và dự án táo Gia Lộc mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Hiện các mô hình cà chua, bí xanh và táo Gia Lộc dang tiếp tục được nông dân nhân ra diện rộng. Đặc biệt 5 năm gần đây, Hội Nông dân xã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện mở được 10 lớp tập huấn về kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc giống lúa lai có năng suất cao cho hơn 500 lượt hội viên; mở 10 lớp tập huấn về chăn nuôi thú y cho hơn 400 lượt hội viên, đồng thời mở 1 lớp sơ cấp nghề chăn nuôi thú y cho 30 lượt hội viên. Nhờ được tập huấn, hội viên nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, tích cực đưa các loại giống cây trồng mới vào sản xuất trên diện rộng và mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện ở xã đã xây dựng được cánh đồng lúa lai GS9 cho năng suất 51 tạ/ha, cao hơn 2 tạ/ha so với các giống lúa được gieo cấy trước đây tại xóm Me và xóm Trung. Cùng với đó là hơn 60 mô hình chăn nuôi cho thu nhập từ 30 triệu đồng trở lên/hộ/năm.

 

Theo ông Hùng: Để chuyển đổi được tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, quan trọng với người nông dân là vốn đầu tư cho sản xuất. Chính vì thế mà từ nhiều năm nay, Hội đứng ra nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách - Xã hội để vay vốn cho hội viên đầu tư phát triển kinh tế. Tại thời điểm tháng 8-2012, Hội Nông dân xã có 260 gia đình hội viên vay với tổng vốn 4,1 tỉ đồng để đầu tư cho chăn nuôi gà, lợn và trồng cây ăn quả. Cùng với nguồn vốn Ngân hàng Chính sách - Xã hội, Hội vận động hội viên tích cực tham gia đóng góp xây dựng quỹ, từ đó có vốn tại chỗ để giúp nhau khi cần thiết. Đến nay, tổng quỹ Hội có gần 129 triệu đồng, hơn 100 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả. Nhờ vậy mà hằng năm số gia đình hội viên nông dân xã Đông Cao thoát nghèo đạt cao, riêng năm 2011 có 38 gia đình hội viên thoát nghèo.

 

Gia đình ông Hoàng Văn Phượng, xóm Trại Đông Hạ là một trong những gia đình hội viên nông dân thoát nghèo từ nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Hội. Ông Phượng cho biết: Vì thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư, thiếu kinh nghiệm sản xuất nên gia đình tôi là hộ nghèo của xã. Song nhờ được Hội giúp đỡ cho vay vốn, cán bộ Hội bày cho cách chăn nuôi gà, từ năm 2006 tôi bắt đầu nuôi 500 con gà bố mẹ, hằng năm trừ chi phí, trả dần vốn vay, đến năm 2012 này tôi đầu tư chăn nuôi 1.000 con gà bố mẹ. Dự kiến trong năm nay, tôi có lãi khoảng 50 triệu đồng.

 

Về Đông Cao, đến đâu chúng tôi cũng được nghe nông dân kể chuyện làm giàu. Như gia đình bà Hoàng Thị Hoa, xóm Đông, trên diện tích đất 450 m2 xây dựng chuồng trại, gia đình bà chăn nuôi với số lượng 2.000 con gà bố mẹ. Từ 3 năm gần đây, mỗi năm gia đình bà xuất bán được 340 nghìn quả trứng, thu được hơn 1 tỉ đồng/năm. Không riêng gia đình bà Hoa, trong xã hằng năm có hơn 100 hộ đăng ký tham gia phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Ông Hùng khẳng định: Hầu hết các hộ đăng ký đều đạt các tiêu chí của phong trào, nhưng “bó đũa chọn cột cờ”, giai đoạn từ năm 2007 đến hết năm 2011, Hội Nông dân xã bình chọn 8 hộ đề nghị khen thưởng cấp huyện, 2 hộ đề nghị khen thưởng cấp tỉnh. Đặc biệt là gia đình ông Nguyễn Văn Mến, xóm Dỏ được Hội đề nghị Thủ tưởng Chính phủ tặng Bằng khen.