Đồng bằng sông Cửu Long cần có quy hoạch rải vụ và cụ thể mùa vụ cho từng loại cây.
Nhằm tránh tình trạng được mùa rớt giá, nhiều nhà vườn đồng bằng sông Cửu Long tiến hành xử lý để trái cây ra hoa nghịch vụ. Tuy nhiên, nếu không sớm có quy hoạch cụ thể, trái cây vụ nghịch cũng sẽ rơi vào tình trạng bế tắc.
Thời điểm từ tháng 6 – 8, trái cây trong nước liên tục giảm giá do nhiều loại cùng vào vụ thu hoạch như vải của miền Bắc, thanh long, xoài ở miền Trung, miền Nam... Ngoài ra, đây cũng là thời điểm thu hoạch chính của một số trái cây ôn đới Trung Quốc như nho, lê, táo Tây… Do đó, nhiều người làm vườn tỉnh Tiền Giang quyết định chuyển sang đầu tư xử lý để chôm chôm cho quả vụ nghịch để có giá bán cao hơn và tránh được tình trạng đụng hàng với chôm chôm của các tỉnh Đông Nam Bộ, chôm chôm Thái Lan, Trung Quốc... Tại Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang…, nhiều nhà vườn trồng nhãn, thanh long, xoài… cũng bắt đầu tìm hướng xử lý ra hoa nghịch vụ, tránh điệp khúc “được mùa rớt giá”.
Theo các chuyên gia Viện cây ăn quả miền Nam, Hội làm vườn Việt Nam, Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) do công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch ngành trái cây của nước ta còn quá yếu, để tránh tình trạng “được mùa rớt giá” của sản phẩm trái cây hiện nay, bên cạnh việc quy hoạch diện tích vườn, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng nên quy hoạch rải vụ và cụ thể mùa vụ cho từng loại cây.
Tuy nhiên, do hầu hết nông dân tự mày mò, phát triển theo kinh nghiệm dân gian nên cần sớm có những khuyến cáo cụ thể về quy mô, mùa vụ cũng như khoa học kỹ thuật… để đảm bảo việc phát triển trái cây vụ nghịch./.