“cánh đồng” mới của nông dân

08:14, 15/09/2012

Trước năm 2000, nghề trồng nấm đã phát triển khá mạnh trong tỉnh. Nhưng ngay sau đó, nhiều nông dân phải bỏ cuộc vì “Nấm cười người khóc”, do sản phẩm không có thị trường tiêu thụ ổn định.

Từ năm 2010 đến nay, nghề trồng nấm bắt đầu “nở rộ” trở lại, nhưng ở quy mô lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Đó là các trang trại trồng nấm ăn, nấm dược liệu có quy mô đầu tư hàng tỉ đồng, tạo được việc làm cho hàng chục lao động nông thôn với mức thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Với hàng chục sản phẩm nấm như: mỡ, sò, kim tuyên, linh chi, mộc nhĩ, nấm rơm… được cung cấp cho thị trường trong nước, các trang trại và hộ trồng nấm của tỉnh làm ra được tổng sản lượng khoảng 2.000 tấn/năm, tương đương với số tiền trên 40 tỉ đồng.

 

Điển hình trong các mô hình trồng nấm lớn của tỉnh là bà Giang Thị Nga. Bà Nga mạnh dạn đầu tư 2,1 tỉ đồng để thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tân Đô (Hòa Bình, Đồng Hỷ). Số vốn này, bà đã xây dựng được 6.500 m2 lán trại và mua sắm các trang thiết bị sản xuất. Từ trồng nấm ăn, nấm dược liệu, năm 2010 Công ty của bà Nga đã đạt tổng doanh thu gần 1,3 tỉ đồng; năm 2011 đạt gần 1,4 tỉ đồng. 8 tháng năm nay, Công ty đã thu hoạch được 1 tấn nấm linh chi, 8 tấn mộc nhĩ, 35 tấn nấm sò và 4 tấn nấm rơm. Bà Nga cho biết: 30 lao động nông thôn làm việc tại Công ty năm nay đã có mức lương từ 2 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng, cao hơn so với năm 2011 là 500.000 đồng/người/tháng.

 

Với Công ty Cổ phần Tiên Trường (Tiên Hội, Đại Từ), mới thành lập từ cuối năm 2010. Trên diện tích đất 13.500 m2, Công ty đầu tư 4,8 tỉ đồng cho việc xây dựng nhà xưởng và các loại máy móc thiết bị sản xuất nấm. Ngay năm đầu sản xuất (2011), Công ty đã cung cấp cho thị trường 15 tấn nấm sò, đạt doanh thu 300 triệu đồng, 7 lao động làm việc tại Công ty thu nhập từ 1,5 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Ông Vương Văn Quyền, người phụ trách kỹ thuật của Công ty cho biết: Công ty đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng và lắp đặt thiết bị sản xuất. Trong 8 tháng vừa qua, đơn vị đã cung cấp cho thị trường 20 tấn nấm sò, tương đương 300 triệu đồng.

 

Nghề trồng nấm “bén rễ sâu” tại các vùng nông thôn là bởi tỉnh đã có nhiều ưu đãi, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nhân đầu tư vào sản xuất ở quy mô lớn. Đó là việc hằng năm các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm cho nông dân; tổ chức cho nông dân đi tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh; UBND tỉnh cũng đã hỗ trợ hơn 1,3 tỉ đồng cho một số cơ sở sản xuất nấm có quy mô lớn như Công ty Cổ phấn Nhật Sơn (Phú Lương), Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Tân Đô (Hòa Bình, Đồng Hỷ) và Công ty Cổ phần Tiên Trường (Tiên Hội, Đại Từ)… để mua máy móc thiết bị và giống để sản xuất giống các loại. Nhờ vậy nghề trồng nấm ở Thái Nguyên dần đi vào phát triển bền vững, tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định cung cấp cho thị trường và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn.

 

Dù chưa hết khó khăn, nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất nấm vẫn bươn trải, vượt lên và mở rộng nhà xưởng và thị trường. Ngoài các cơ sở vừa kể đến, còn có Hợp tác xã Nấm Thanh Niên (Phổ Yên), Hợp tác xã Nấm Chùa Hang (Đồng Hỷ)… Kết quả năm 2011, các cơ sở sản xuất nấm trên địa bàn của tỉnh đã sản xuất được 1.300 tấn nấm các loại, bằng khoảng trên 32 tỉ đồng. Đến hết tháng 8 năm nay, các cơ sở đã sản xuất được 715 tấn nấm các loại, tương đương với số tiền 17,8 tỉ đồng. Điển hình như Công ty Cổ phần Nhật Sơn (Phú Lương), trên diện tích nhà xưởng 15.000 m2, năm 2010, đã đầu tư lán trại, thiết bị sản xuất với trị giá 3,2 tỉ đồng.

 

Bằng phương châm vừa sản xuất, vừa cung ứng 3 loại nấm linh chi, mộc nhĩ và nấm sò, năm 2011 Công ty đã sản xuất được hàng trăm nghìn bịch nấm. Ngoài cung cấp bịch nấm cho các cơ sở nhỏ trên địa bàn, Công ty còn sản xuất được 270 tấn sản phẩm nấm các loại, đạt doanh thu trên 3,8 tỉ đồng. Đến hết tháng 8 năm nay, Công ty sản xuất được 80 tấn nấm các loại, đạt doanh thu 2 tỉ đồng, tạo việc làm cho 25 lao động với mức thu nhập từ 2,5 đến 3,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Nghề trồng nấm đã mở ra cơ hội việc làm cho nông dân, đặc biệt là những nông dân vùng bị Nhà nước thu hồi ruộng đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội - Họ đã có một cánh đồng mới, người nông dân được làm việc trong nhà có mái che, không phải phơi lưng dưới mưa nắng mà mức thu nhập đạt cao hơn những cánh đồng… bờ xôi, ruộng mật.