Xã Phú Thịnh hiện có gần 200ha chè, trong đó có trên 40% diện tích là chè cành với các giống chủ yếu như Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, LDP1, TRI777... Những năm gần đây, ngoài việc khuyến khích người dân trồng mới, chính quyền địa phương còn tạo điều kiện giúp họ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để chuyển đổi những diện tích chè trung du đã cằn cỗi, kém hiệu quả sang trồng các giống chè cành. Nhờ đó, sản lượng chè của Phú Thịnh hiện đạt trên 1.500tấn/năm, năng suất đạt trên 80tạ/ha.
Chị Lương Thị Cảnh, xóm Làng Thượng là một trong những hộ dân đi đầu trong việc đưa cây chè cành vào sản xuất cho biết: Gia đình tôi có 6 ha đất trồng cây lâm nghiệp, trước đây chỉ có 0,3 ha trồng chè giống trung du. Để cây chè cho năng suất cao, tôi đã đọc các sách tham khảo, nghe đài, xem ti vi, tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến, tuy nhiên cây chè trung du cũng chỉ cho năng suất đạt 7-8 tấn/ha, giá bán trung bình là 20 nghìn đồng/kg búp khô, đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2001, được Viện Khoa học kỹ thuật Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc giới thiệu một số giống chè mới cho hiệu quả kinh tế cao, tôi đã đi tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm với một số mô hình trồng những giống này và quyết định mở rộng diện tích chè hiện có của gia đình bằng việc trồng chè giống mới. Đến nay, gia đình tôi có tổng số diện tích chè là 2,5 ha, trong đó chủ yếu là LDP1 và chè PH8, PH9, năng suất chè của gia đình tăng lên đáng kể, hiện đạt bình quân 12-15 tấn/ha, giá bán từ 80 đến 100 nghìn đồng/kg, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm. Không chỉ trồng chè, gia đình chị Cảnh còn thực hiện ươm những giống chè mới này bán cho người dân địa phương...
Ngoài việc tích cực mở rộng diện tích chè, chuyển đổi các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, xã còn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc chè. Đồng chí Lâm Văn Cầu, Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh cho biết: Từ năm 2003, xã đã thành lập Câu lạc bộ chè sạch gồm 60 hộ dân tham gia với tổng diện tích trên 40ha. Ngoài ra, xã còn thường xuyên tổ chức đưa các hộ dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất tại các vùng chè nổi tiếng như: Tân Cương, La Bằng để về áp dụng tại địa phương như quy trình sản xuất chè sử dụng chế phẩm IPM, quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap.
Dẫn chúng tôi len lỏi giữa diện tích chè đang tủa búp xanh non của gia đình anh Lý Văn Cương, xóm Phố, đồng chí Chủ tịch UBND xã giới thiệu đây là một trong những diện tích chè thuộc câu lạc bộ chè sạch của xã được sử dụng chế phẩm IPM để chăm bón. Trong câu chuyện với chúng tôi, anh Lý Văn Cương cho biết thêm: Gia đình tôi có khoảng 7 sào đất trong đó 4 sào là đất bãi và đồi thấp thì năm 2003 tôi đã trồng chè, từ 4 sào chè này mỗi năm cho thu 7 lứa, mỗi lứa trên 20kg búp khô, bán được khoảng 1,5 triệu đồng. Nhờ đó kinh tế gia đình đã ổn định hơn trước. Diện tích còn lại đều là ruộng úng, trước đây tôi vẫn cấy 1 vụ lúa, nhưng do năng suất kém nhiều năm mất mùa nên vài năm trở lại đây tôi đã bỏ không canh tác. Được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn làm chè sạch, tôi đã đổ đất cao lên để trồng chè. Đến nay, chè đã bắt đầu lên xanh, phát triển tốt hơn cả diện tích chè trồng trước trên đồi…
Có thể nói, cây chè đã thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo đối với bà con ở đây, nhờ chè, đời sống của bà con trong xã đã khá hơn nhiều. Toàn xã có trên 1.000 hộ với gần 4.000 nhân khẩu, mỗi năm số hộ nghèo ở xã giảm từ 2-3%, theo số liệu điều tra mới nhất, hiện xã còn 400 hộ nghèo và 173 hộ cận nghèo.
Tiềm năng là vậy nhưng hiện nay việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè của các hộ nông dân xã Phú Thịnh còn nhỏ lẻ, chủ yếu là do các hộ dân chế biến theo phương pháp thủ công và tự tiêu thụ, sản phẩm thì hạn chế về mẫu mã nên sản phẩm chè ở đây vẫn còn khá mờ nhạt trên thị trường. Bên cạnh đó, sản phẩm chè Phú Thịnh cũng chưa xây dựng được thương hiệu riêng, chưa được nhiều người biết đến nên giá bán còn ở mức thấp. Tại thời điểm này, giá 1kg chè búp khô của địa phương đạt khoảng 70-75 nghìn đồng, trong khi cùng cách thức trồng và chăm sóc như nhau như: Tân Cương, La Bằng lại có giá bán trung bình từ 120-150 nghìn đồng/kg. Xác định để tiếp tục đưa cây chè Phú Thịnh phát triển, địa phương đang làm các thủ tục cần thiết để xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm chè Phú Thịnh. Đồng thời mong muốn, các cấp, ngành quan tâm, tạo điều kiện hợp tác giúp đỡ người làm chè để sự nghiệp phát triển cây chè của địa phương ngày càng bền vững.