Toàn xã La Bằng (Đại Từ) có 10 xóm thì cả 10 xóm đều được công nhận là làng nghề sản xuất, chế biến chè truyền thống. Cây chè đã thực sự trở thành cây làm giàu cho người dân vùng đất này…
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 nằm ẩn mình dưới chân dãy núi Tam Đảo, ông Lại Văn Hải, xóm Tiến Thành thể hiện lòng hiếu khách bằng việc pha một ấm trà ngon. Thú vị nâng nhẹ trên tay chén trà bốc hương, ông Hải cho biết đây là giống chè Long Vân mới được gia đình ông đưa vào chuyển đổi được 2-3 năm nay. Đây cũng là loại chè có giá đắt nhất trên thị trường hiện nay với giá bán từ 250 nghìn đồng/kg trở lên. Với những giống chè cành cho thu nhập cao này, người dân trong vùng đang tập trung thu hoạch nốt lứa đến khoảng tháng 9 (âm lịch). Rồi từ đó chè cành bước vào giai đoạn ngủ đông (trời rét búp chè không lên được), chỉ còn chè trung du là phát triển mạnh trong mùa đông lạnh giá.
Làm chè đông khác với chè chính vụ ở chỗ cần có nguồn nước tưới. Thông thường, người trồng chè thu hái được 8 lứa chè chính vụ/năm, còn nếu làm chè vụ đông sẽ thu thêm được 2 lứa nữa. Điều này không chỉ góp phần tăng sản lượng chè mà còn tăng thu nhập cho người dân. Riêng xóm Tiến Thành có 52 hộ dân với tổng diện tích chè trên 35ha thì có đến 60-70% diện tích làm chè đông. Người làm chè ở đây có thuận lợi hơn các địa phương khác là nhờ có dãy núi Tam Đảo bao quanh, nước chảy từ các khe núi ra quanh năm và đây cũng chính là yếu tố thuận lợi để làm chè vụ đông. Tuy sản lượng chè vụ đông chỉ đạt khoảng 30% so với chè chính vụ nhưng giá bán lại cao gấp 2-3 lần chính vụ, nên nhiều hộ làm chè rất mặn mà trong việc sản xuất chè đông, thậm chí gấp 3 lần. Như dịp Tết năm vừa rồi, sau thành công của Liên hoan Trà Quốc tế, chè La Bằng được tiêu thụ khá mạnh, giá bán cao nhưng không có chè để bán. Người trồng chè hồ hởi, ăn một cái Tết ra trò.
Nghệ nhân Trần Trọng Bình, làng chè Đồng Đình cho biết: Chỉ có cây chè trung du mới làm được chè vụ đông. Bởi đây là giống chè có sức sống mãnh liệt, chống chịu được thời tiết khắc nghiệt. Chỉ cần có nguồn nước tưới thì dù trong mùa đông lạnh giá, chè vẫn vươn mình trổ búp. Mặc dù chính quyền địa phương khuyến khích người dân chúng tôi chuyển đổi sang trồng chè cành, nhưng mỗi hộ dân cũng chỉ chuyển đổi khoảng 40% diện tích sang chè cành, còn lại vẫn phải giữ chè trung du để còn làm chè vụ đông. Nếu như làm chè chính vụ thì cứ sau 30 ngày là người dân chúng tôi lại có một lứa hái. Còn làm chè vụ đông thì thời gian này lâu hơn, khoảng 40-45 ngày. Cho nên, ngoài 8 lứa chè chính vụ, ở đây người dân còn làm thêm được 2 lứa chè vụ đông. Không chỉ cho thu nhập cao, so với làm chè chính vụ thì làm chè đông giúp người dân giảm chi phí, sâu bệnh hầu như không có nên gần như không phải đầu tư gì nhiều. Tính riêng tiền chi phí cho phân bón, nhân công, thuốc bảo vệ thực vật thì làm chè chính vụ cao gấp 3 lần làm chè đông.
Có lẽ chính vì những ưu điểm trên mà người dân La Bằng vẫn muốn giữ lại diện tích chè trung du để phục vụ sản xuất chè đông. Đồng chí Nguyễn Ngọc Thép, Chủ tịch UBND xã La Bằng cho biết: Toàn xã hiện nay có 225ha chè, trong đó 30% diện tích đã được người dân chuyển sang trồng chè cành với các giống như Kim Tuyên, LDP1, TRI777, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Keo Am Tích... Trong định hướng quy hoạch và phát triển vùng chè nguyên liệu gắn với du lịch đến năm 2015, Đảng bộ xã đã đề ra nghị quyết chỉ đạo người dân giữ lại 40% diện tích chè trung du, còn lại 60% trồng chè cành. Những diện tích chè trung du được giữ lại phần lớn nằm ở ven sườn núi Tam Đảo, thuận lợi cho sản xuất chè đông. Đối với diện tích chè cành, chúng tôi cũng chỉ lựa chọn một số giống chủ lực để tạo ra vùng nguyên liệu, tránh việc người dân trồng manh mún, dàn trải, nhiều giống chè...
Còn gì thú vị hơn trong tiết trời mùa thu, pha ấm trà La Bằng với nước suối nguồn Tam Đảo, nâng nhẹ trên tay chén trà hương thơm ngát thấy lòng thư thái, tĩnh lặng, đất trời như mở rộng, tình người ấm lại thân thiết…