Chủ động ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng

07:26, 13/09/2012

Được lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh giới thiệu, chúng tôi đã về huyện Phổ Yên tìm hiểu công tác ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn thời gian gần đây.

Được biết, từ đầu năm đến nay, Đội QLTT huyện đã xử lý 58 vụ việc về buôn lậu, hàng giả, vi phạm nhãn mác hàng hóa, hàng cấm, gian lận thương mại… Điển hình là vụ: Ngày 9-7-2012, nhận được tin báo của nhân dân về việc có đối tượng tiêu thụ hàng giả, Đội QLTT huyện đã có mặt tại dốc Cầu Nhái, xã Vạn Phái (Phổ Yên) để kiểm tra. Qua đó phát hiện xe ô tô mang biển kiểm soát 88C-01606 do Nguyễn Văn Hưng (ở Vĩnh Phúc) điều khiển, chủ hàng là Nguyễn Thị Hải, ở xóm Thượng, Khu 2, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) đang giao hàng. Đội QLTT đã thu giữ 155,2kg bột giặt Omo giả, 300 đôi dép nhựa không rõ nguồn gốc. Đội đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định xử phạt 11,9 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước. Hay vụ thứ hai: Ngày 20-7-2012, tại xóm Thông Hạ, xã Đắc Sơn, người dân báo tin phát hiện đối tượng giao bán hàng giả. Đó là Nguyễn Thị Hương, ở thôn Nội Thôn, Thạch Thất (Hà Nội) chở 120kg bột giặt Omo giả, gần 4 nghìn gói dầu gội đầu, dầu xả giả nhãn hiệu Sunsilk, Clear, Dove… trên xe ô tô mang biển kiểm soát 29T-2117 (do Cấn Kim Tiến, ở Phù Kim, Thạch Thất điều khiển). Đội QLTT huyện đã kiểm tra, lập biên bản thu giữ hàng hóa và xử phạt, nộp ngân sách Nhà nước 11,5 triệu đồng.

 

Trên đây cũng là 2 vụ điển hình trong vi phạm nhãn mác hàng hóa mà Đội QLTT huyện đã xử lý. Đối với sản phẩm đóng gói thì nhãn mác là yếu tố rất quan trọng, qua nhãn mác người tiêu dùng có thể biết được nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu, hạn sử dụng, tên gọi của sản phẩm... Do vậy khi mua hàng, người tiêu dùng phải xem kỹ nhãn mác mặt hàng và không nên mua hàng hoá không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Đội QLTT Phổ Yên đã tích cực tham mưu cho UBND huyện tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trong việc chấp hành các quy định về nhãn mác hàng hóa, giá niêm yết... Đồng thời tăng cường nắm bắt thông tin, đấu tranh theo hướng phòng ngừa, cảnh báo tới các địa lý bán lẻ, tuyên truyền cho nhân dân biết cách nhận biết hàng giả, hàng thật đối với một số mặt hàng tiêu dùng (như: mì chính, bột giặt, dầu gội đầu, dầu xả…).

Ông Tạ Ngọc Dần, Đội phó Đội QLTT huyện cho biết: Để góp phần đắc lực vào công tác này, Đội đã xây dựng mạng lưới chống hàng giả ở cơ sở chính là các hộ kinh doanh, bởi họ là người trực tiếp nhập hàng, bán hàng và tiếp xúc nhiều với đội ngũ tiếp thị của các hãng sản xuất. Đội còn phối hợp với các hãng sản xuất như Công ty Unilever Việt Nam, Công ty GUNSUN, AJINOMOTO… tiến hành khảo sát thị trường, tổ chức tuyên truyền tại các chợ nông thôn về cách nhận biết hàng thật, hàng giả cho nhân dân và những hộ kinh doanh. Cùng với đó, Đội phối hợp với lực lượng Công an, Ban Chỉ đạo 127 của huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường... Bằng những cách làm này, trong 7 tháng đầu năm nay, Đội QLTT Phổ Yên đã phát hiện, xử lý được 13 vụ buôn lậu, 8 vụ hàng giả, 23 vụ vi phạm nhãn mác hàng hóa, 8 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá… với tổng số tiền thu phạt, bán hàng tịch thu là trên 232 triệu đồng.

 

Trên thực tế, công nghệ sản xuất hàng giả ngày càng tinh vi, khó phát hiện; nhiều đối tượng giao bán, chào hàng lại lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân nên đã mang hàng hóa bán ở khắp các ngõ ngách… Vì thế công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng của các cơ quan chức năng càng trở nên khó khăn. Hiện, Đội QLTT huyện chỉ có 10 cán bộ phụ trách địa bàn rộng với 18 xã, thị trấn nên khi nhận được thông tin có thể phải mất hàng giờ mới đến được hiện trường, do đó tính kịp thời trong việc kiểm soát, kiểm tra cũng bị hạn chế… Trong thời gian tới, Đội xác định cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống sản xuất, lưu thông, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Kiểm tra việc chấp hành thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh về sổ sách, hóa đơn chứng từ và các tài liệu liên quan đến nguồn gốc xuất xứ của các loại sản phẩm hàng hóa. Đồng thời, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trực tiếp hướng dẫn các quy định về hàng giả, về sở hữu trí tuệ, về tác hại nhiều mặt của tệ nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng… để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình...