CPI đột ngột tăng cao, lo ngại tái lạm phát

07:51, 25/09/2012

Những e ngại mang tính dự báo cách đây ít lâu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước tháng 9 đã trở thành hiện thực. Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 9 tăng 2,2% so với tháng 8 và tăng 5,13% so với tháng 12 năm ngoái.

 

Nhiều nhóm hàng hóa tăng cao đột biến

 

Mức tăng trên là rất mạnh bởi CPI cả nước liên tiếp giảm hoặc chỉ tăng nhẹ trong vài tháng gần đây. Có nhiều nguyên nhân, yếu tố khách quan dẫn đến thực trạng không mong muốn này. Cụ thể, nhóm hàng hóa tăng cao kỷ lục là thuốc và dịch vụ y tế, với mức tăng 17,02% dưới tác động từ việc đồng loạt điều chỉnh khung giá một số dịch vụ khám chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố, gây ra sự gia tăng đột biến của chỉ số này trong rổ hàng hóa chung. Tiếp đến là nhóm giáo dục, với tốc độ tăng 10,54% do chi phí tăng cao khi học sinh bước vào năm học mới. Tính trung bình, một học sinh phải đóng 5-7 triệu đồng các khoản ngay đầu năm học, cộng hàng loạt chi phí mua sắm đồ dùng, quần áo, thiết bị liên quan đến học tập đã nâng chỉ số giá của nhóm giáo dục tăng. Nhóm giao thông tăng 3,83% chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt tăng giá xăng dầu vừa qua.

  
 

Trong khi đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng 2,18%. Tuy CPI tăng khá nhưng lại được giới chuyên gia nhìn nhận là "đáng khích lệ" bởi nó báo hiệu chút ấm lên của thị trường vật liệu xây dựng vốn đã rơi vào sự đình trệ, tồn đọng trong nhiều tháng qua. Các nhóm còn lại diễn biến bình thường, với mức tăng thấp dưới 1% gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 0,08%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,33%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,61%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,31%; hàng may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,46%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%. Các nhóm này có mức tăng khiêm tốn do nhu cầu đã bão hòa và sức mua của người dân không còn tập trung vào những mục tiêu đó nữa. Kể cả nhóm hàng ăn cũng không có sự thay đổi bởi sự đáp ứng cung - cầu về lương thực, thực phẩm được xác định khá cân bằng.

 

Riêng nhóm bưu chính viễn thông vẫn giữ ổn định với mức tăng gần như tượng trưng là 0,01% so với tháng trước. Thực tế này cho thấy, một khi thiết lập được sự cạnh tranh công bằng giữa nhiều DN hoạt động trong cùng một lĩnh vực sẽ là động lực cho phát triển lành mạnh, trong đó DN phải hạ giá thành và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra trên thị trường viễn thông. Xét rộng hơn, nếu từng bước xóa bỏ được những lĩnh vực hiện còn mang tính chất độc quyền thị trường sẽ lành mạnh và người tiêu dùng sẽ là "thượng đế" một cách thực chất hơn.

 

Cảnh báo về khả năng tái lạm phát

 

Các chuyên gia đang tỏ ra lo ngại và cảnh báo về khả năng lạm phát có thể xuất hiện trở lại bởi những yếu tố bảo đảm cho sự ổn định về giá vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là giá cả đầu vào của nguyên, nhiên liệu cho sản xuất vẫn "đứng" ở mức khá cao, có thể gia tăng trong thời gian tới… Ngoài ra, thị trường bất động sản có những nhúc nhích đáng ghi nhận, nhất là đối với phân khúc căn hộ bình dân, căn hộ mi ni hoặc đất nền loại nhỏ đô thị. Điều này có thể tác động "kéo" chỉ số giá của nhóm này lên cao hơn.

 

 

Câu hỏi đặt ra là liệu CPI tháng 10 và tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào? Thực tế đây là câu hỏi khó trả lời, lại càng không thể trả lời chính xác đối với các cấp điều hành bởi sự phức tạp và bị động trước nhiều tình huống, diễn biến có thể xuất hiện. Tuy vậy, nếu xét ở góc độ thời điểm, CPI tháng 10 và những tháng sau có nhiều khả năng diễn ra khác với tháng 9, theo hướng chậm lại, không thể tăng "sốc" như vậy. Bởi thực tế mức tăng của nhóm giáo dục (chỉ xảy ra ở thời điểm đầu năm học) và nhóm y tế sẽ không thể tăng mạnh hoặc tăng ở mức thấp.

 

Song không cơ quan, tổ chức kinh tế nào có thể dự báo chắc chắn diễn biến về giá của một số loại nguyên, nhiên liệu chiến lược trên thị trường quốc tế, trong khi những yếu tố đó ảnh hưởng trực tiếp và ngay lập tức đối với diễn biến CPI trong nước. Các chuyên gia cho rằng, CPI tháng 10 và dịp cuối năm phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá dầu, gas, than, nông sản... trên thị trường quốc tế.