Giảm thuế thu nhập sẽ tăng kích thích tiêu dùng?

08:34, 25/09/2012

Mặc dù không nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (UBTCNS) của Quốc hội (QH), Ban Soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (Bộ Tài chính) vẫn kiên quyết bảo lưu quan điểm: Mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho bản thân người nộp thuế cần nâng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc nâng từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2013. Với thông điệp đưa ra là: "Đừng để người dân vì ngại đóng thuế mà mất động lực cống hiến, đầu tư và tiêu dùng'' đã nhận được sự quan tâm, đồng tình của dư luận.

Thu nhập 9 triệu đồng - chỉ đủ sống

 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, các con số 9 triệu đồng và 3,6 triệu đồng được xây dựng trên cơ sở tham chiếu các chỉ tiêu GDP (tổng sản phẩm quốc nội) bình quân đầu người, mức thu nhập, chi tiêu trung bình của xã hội, tiền lương tối thiểu khi luật có hiệu lực (1-7-2013). Hiện do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến lương tăng không đủ bù lạm phát, làm ảnh hưởng đến đời sống đại bộ phận nhân dân. Nếu theo phương án này, Chính phủ sẽ chia sẻ được một phần khó khăn đối với người nộp thuế. Bởi so với một số quốc gia thì mức GTGC của Việt Nam tuy có tỷ lệ cao hơn nhưng do thu nhập bình quân đầu người ở nước ta thấp nên mức GTGC về số tuyệt đối còn thấp. Những cá nhân chưa phải nộp thuế sẽ gồm người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng, người có 2 người phụ thuộc có thu nhập 16,2 triệu đồng/tháng. Còn nếu có thu nhập 20 triệu đồng/tháng mà có 1 người phụ thuộc thì chỉ nộp 490 nghìn đồng/tháng. Tương tự, nếu có 2 người phụ thuộc thì số thuế nộp chỉ 190 nghìn đồng/tháng. Với mức điều chỉnh GTGC này, mức điều tiết thuế được giảm ở tất cả các bậc, số giảm thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng.

 

Thế nhưng UBTCNS của QH (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho rằng, việc nâng mức giảm trừ như vậy là cao và quá nhanh, chưa bảo đảm tính hợp lý xét dưới cả góc độ kinh tế cũng như xã hội. Cụ thể hơn, sẽ chỉ còn khoảng 1 triệu người phải nộp thuế thu nhập cá nhân thay vì 3,87 triệu người hiện nay. Như vậy, bản chất của thuế thu nhập cá nhân sẽ chuyển thành thuế thu nhập cao.

 

Chủ nhiệm UBTCNS của QH Phùng Quốc Hiển lý giải: "Hiện trong bộ máy Nhà nước có một bộ phận CBCC đang hưởng mức lương thấp hơn mức GTGC 3,6 triệu đồng/người/tháng. Do đó nếu quy định mức GTGC 3,6 triệu là chưa bảo đảm công bằng; không khuyến khích người dân tham gia lao động. Chúng ta sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách, trong khi còn bao nhiêu vấn đề xã hội phải giải quyết. Cần hạ mức GTGC đối với người nộp thuế và người phụ thuộc lần lượt từ 9 triệu xuống còn 7 triệu và từ 3,6 triệu xuống còn 2,8 triệu".

 

Liệu có tận thu?

 

Quan điểm của UBTCNS của QH đã khiến các chuyên gia tài chính, pháp luật bất ngờ. Trao đổi với báo chí, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - người từng là Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng tỏ ra ngỡ ngàng và không đồng tình. Bà Phạm Chi Lan phân tích: "Từ năm 2007 đến năm 2011, với các mức lạm phát cộng dồn thì đồng tiền Việt Nam đã mất giá khoảng 70%. Như vậy, mức thu nhập thực tế của người dân giảm xuống rất nhiều.

 

Về phản biện của UBTCNS của QH cho rằng, nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ bị ảnh hưởng nếu áp dụng phương án của Bộ Tài chính, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ khẳng định: Lo lắng này là không cần thiết. Bởi số người chịu thuế thu nhập tính từ bậc 1 tuy nhiều nhưng chiếm tỷ trọng không cao nên khoản đóng góp thuế cũng không nhiều.

 

Luật sư Nguyễn Ngọc Thanh - Đoàn Luật sư Hà Nội đặt câu hỏi: "Làm vậy có tận thu?". Ông phân tích, theo luật hiện hành, người dân đang phải "cõng" nhiều thứ thuế từ VAT, thu nhập doanh nghiệp đến phí, lệ phí chồng chất. Căn cứ cho đề xuất của Bộ Tài chính là để bảo đảm đời sống của bà con bớt gặp khó khăn khi kinh tế biến động, lạm phát, UBTCNS của QH không tính đến vấn đề này tức chưa đặt mình vào hoàn cảnh của người dân. Kinh nghiệm cho thấy chỉ khi có những mức thuế suất thấp nhất thì nền kinh tế mới thu được nhiều thuế nhất, khuyến khích được mọi người hăng hái đầu tư. Đây là chính sách nuôi dưỡng nguồn thu và khoan sức dân nhiều nước đang áp dụng.