Hướng mở mới cho phát triển cây chè ở Bình Sơn

14:46, 14/09/2012

Liền kề với vùng chè Tân Cương nổi tiếng, xã Bình Sơn (T.X Sông Công) cũng có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với phát triển cây chè. Phát huy thế mạnh đó, xã Bình Sơn luôn chú trọng phát triển cây chè, nhất là việc đưa vào trồng các giống chè cành có năng suất và chất lượng cao để giúp người dân nâng cao thu nhập.

Vốn có truyền thống trồng chè trên 70 năm nay, người dân ở xã Bình Sơn quen với giống chè trung du trồng bằng hạt (gọi tắt là chè hạt). Giống chè này tuy dễ chăm sóc nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao so với giống chè cành vì hiện tại, trong khi chè hạt khô ở xã Bình Sơn chỉ bán được khoảng 70 nghìn đồng/kg thì chè cành khô bán được với giá là 120.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, năng suất của chè cành còn cao gấp 2 lần so với chè hạt trên cùng 1 diện tích gieo trồng, cụ thể, 1 sào chè hạt cho thu hoạch 80kg/năm còn 1 sào chè cành cho thu hoạch trên 160 kg/năm. Thấy rõ những lợi ích từ trồng chè cành, Đảng uỷ, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân chuyển đổi từ giống chè hạt cũ sang trồng cây chè giống mới có nhiều ưu điểm như chè lai LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên…

 

Chúng tôi đã đến xóm Kim Long là xóm mà người dân đưa cây chè cành vào trồng sớm nhất ở xã Bình Sơn để tìm hiểu về hiệu quả của chè cành trên vùng đất này. Ông Lý Văn Quang, Trưởng xóm Kim Long chia sẻ: Xóm Kim Long có 50% số hộ gia đình chỉ có thu nhập từ trồng chè. Vào năm 2006, tôi và một số hộ dân trong xóm đã tiên phong trồng chè cành. Sau 2 năm, chè bắt đầu được thu hái, cho năng suất và giá bán cao hơn hẳn giống chè trung du. Gia đình tôi có 3 sào chè, thu được gần 500 kg/năm, doanh thu đạt gần 58 triệu đồng tăng cao hơn gần 40 triệu đồng so với trồng chè hạt.

 

Nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây chè, bà con trong xóm đã cải tạo vườn tạp, đất đồi để đầu tư trồng, chăm sóc và thâm canh chè, trong xóm còn có những gia đình chuyển đổi hoàn toàn chè hạt sang trồng chè cành như gia đình anh Lý Văn Tuấn, Đỗ Văn Sơn... Đến nay, xóm đã có hơn 4ha chè cành trên tổng diện tích 20ha chè. Đời sống của người dân trong xóm cũng đã được cải thiện đáng kể. Xóm chỉ còn 3 hộ nghèo, chiếm 4,7% số hộ trong xóm và giảm 7% so với năm 2009.

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, cây chè cành đã có mặt ở tất cả 12/12 xóm của xã Bình Sơn, ngoài xóm Kim Long, xã còn có những xóm trồng được nhiều chè cành là: Khe Lim, Tiền Tiến, Tân Sơn, Cây Lá…. Ông Dương Hồng Vượng, Bí thư Đảng ủy xã Bình Sơn cho biết: Từ những năm 2006 trở về trước, Bình Sơn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế do trình độ dân trí không đồng đều, người dân chưa chú trọng việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhận thấy những ưu điểm từ cây chè cành, trong các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của Đảng bộ xã đều nêu rõ: ưu tiên tập trung chăm sóc và cải tạo cây chè, cây trồng mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

 

Từ nội dung nghị quyết, xã đã cụ thể hóa bằng các kế hoạch từng năm, từng vụ và giao cụ thể chỉ tiêu. Ban đầu là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu thử nghiệm các giống chè cành mới. Khi thấy hiệu quả thì người dân sẽ từng bước chuyển đổi theo. Xã cũng thực hiện nghiêm những chính sách hỗ trợ cho người dân, cụ thể: Trước năm 2010, nhà nước hỗ trợ 30% giá giống cho hộ nông dân và kinh phí tập huấn kỹ thuật. Giai đoạn từ năm 2010-2015, nhà nước hỗ trợ 100% giá giống cùng kinh phí tập huấn kỹ thuật và kinh phí xây dựng mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn Việt Gap… Cách làm ấy đã được bà con hưởng ứng tích cực, từ chỗ phải vận động các hộ chuyển đổi, nay bà con đã chủ động nhân rộng mô hình trồng chè cành, vi thế, diện tích chè cành đã dần dần được nâng lên. Nếu như năm 2006, diện tích chè cành còn chưa đáng kể thì đến năm 2011, diện tích chè cành đã là 65ha trên tổng số 300ha chè của xã. Riêng năm 2012 này, bà con xã Bình Sơn đã trồng mới được gần 16ha chè trên tổng số 20ha chè cành trồng mới trên toàn thị xã.

 

Bên cạnh đó, để sản phẩm chè đứng được trên thị trường, xã Bình Sơn còn tuyên truyền, phổ biến tới người dân trồng chè việc chế biến theo quy trình sạch bằng cách phối hợp với Phòng Kinh tế thị xã và các doanh nghiệp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và chế biến chè cho bà con. Do đó, đến nay, nhiều người dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất sản phẩm chè, cụ thể, thay vì hái chè búp dài để bán chè tươi, phun thuốc hóa học và không quan tâm tới các quy trình chế biến, bảo quản thì nay bà con ở Bình Sơn đã chuyển sang sử dụng các chế phẩm phân bón sinh học, tuân thủ quy trình thu hái, không để chè bị dập búp và chế biến ngay sau khi thu hái; đảm bảo khu bảo quản, chế biến chè sạch sẽ… Vì thế, sản phẩm chè cành của người dân Bình Sơn đã được người tiêu dùng chấp nhận và bán giá được với giá là 120 nghìn đồng/kg, tương đương với giá trung bình của vùng chè Tân Cương nổi tiếng. Nói về định hướng phát triển cây chè ở xã trong những năm tới, đồng chí Dương Hồng Vượng cho biết thêm: Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để bà con nhân dân mở rộng và thay thế những giống chè cũ bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao và từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm chè ở Bình Sơn.