Hướng tới sản xuất khoai tây hàng hóa

08:36, 25/09/2012

Biến đổi của thời tiết ảnh hưởng không nhỏ tới trồng ngô đông thì từ năm 2011, nhiều hộ dân trong tỉnh đã chuyển sang trồng một số cây màu khác, trong đó có khoai tây.

Biến đổi của thời tiết ảnh hưởng không nhỏ tới trồng ngô đông thì từ năm 2011, nhiều hộ dân trong tỉnh đã chuyển sang trồng một số cây màu khác, trong đó có khoai tây. Tuy nhiên, theo khảo sát của ngành Nông nghiệp thì dù một số hộ dân đã chuyển từ trồng ngô sang trồng khoai tây nhưng hiện nay, sản lượng khoai tây của tỉnh vẫn thấp hơn 10 năm trước, chỉ đạt từ 400-500tấn/năm.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ: Một trong những nguyên nhân khiến sản lượng khoai tây giảm là do giá giống khoai tây vẫn ở mức cao. Trên địa bàn chưa có cơ sở sản xuất giống nên hầu hết khoai tây được trồng tại đây được mua giống từ ngoài tỉnh hoặc Trung Quốc. Thêm vào đó, năng suất khoai tây lại thấp, chỉ dao động từ 8,75-13,8 tấn/ha.

 

Bà Lê Thị Vần, một nông dân ở xóm Hải Kim, xã Tân Kim (Phú Bình) cho biết thêm: Chúng tôi chưa nắm rõ kỹ thuật trồng cũng như cách phòng, chống sâu bệnh hại cho khoai tây. Thị trường tiêu thụ thì không ổn định, trong khi đó, chúng tôi lại không có điều kiện để đầu tư được kho lạnh để bảo quản khoai tây giống.

 

Với đặc thù là một tỉnh trung du miền núi, thời vụ gieo cấy lúa mùa tại một số huyện như Đại Từ, Phú Lương, Định Hoá, Võ Nhai thường muộn hơn so với các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, dẫn đến khi thu hoạch xong lúa mùa thì đã hết thời vụ trồng một số loại cây màu vụ đông như ngô, đậu tương, bí siêu quả... nên nhiều hộ nông dân ở tỉnh ta thường phải bỏ đất trống, không trồng cây màu vụ đông. Vì vậy việc xây dựng và triển khai mô hình sản xuất khoai tây, loại cây trồng có biên độ thời vụ dài, có thể trồng đến hết tháng 10 hàng năm là rất phù hợp với điều kiện canh tác của tỉnh, giúp cho người nông dân có thêm một loại cây trồng để lựa chọn đưa vào sản xuất, góp phần mở rộng diện tích trồng cây màu vụ đông, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

 

Từ thực tế trên, tỉnh đã quyết định triển khai Dự án “Xây mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sản xuất khoai tây giống và thương phẩm”, với thời gian hoạt động và nghiệm thu trong vòng hai năm (từ nay đến cuối năm 2014), nguồn kinh phí thực hiện là trên 7,5 tỷ đồng. Dự án thành công sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu giống khoai tây trên địa bàn, đồng thời cũng là mô hình để khuyến cáo nông dân học tập, nhân rộng nhằm khai thác, phát huy tốt tiềm năng sẵn có của địa phương.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Chúng tôi đa khảo sát một số giống khoai tây có khả năng thích nghi cao đối với thổ nhưỡng và khí hậu của tỉnh và thấy hai giống khoai tây có năng suất cao, khả năng kháng sâu bệnh tốt, phù hợp với vụ đông là Atlantic và Marabel. Hai giống khoai tây này được nông dân trong tỉnh đón nhận một cách tự giác vì sản phẩm làm ra được người tiêu dùng chấp nhận. Để có nguồn khoai tây giống sạch bệnh, phục vụ cho hệ thống nhân giống, chúng tôi sẽ lấy giống của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm. Đơn vị này cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật, tiêu thụ nguồn khoai tây giống và khoai tây thương phẩm trên cơ sở các bên đều có lợi. Đồng thời là cầu nối cho liên doanh, liên kết giữa địa phương và đơn vị thu mua nông sản thông qua các hợp đồng kinh tế hàng năm cũng như giúp đỡ trong việc vận hành, bảo dưỡng 2 kho lạnh (được đầu tư từ kinh phí của Dự án) từ khâu chọn giống, xếp hàng trong kho, quy trình vận hành, bảo quản đến khâu ra kho và chuyển giao giống.

 

Mặc dù là năm đầu thực hiện nhưng với ý nghĩa khoa học và thực tiễn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của  tỉnh, có tính khả thi cao Dự án đang mở ra nhiều triển vọng, trong đó lợi ích nhìn thấy rõ nhất là mở ra hướng sản xuất khoai tây thành sản phẩm hàng hóa; tăng năng suất, sản lượng khoai tây cũng như hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác cho nông dân. Đây cũng là cơ hội để bà con được tiếp cận với các tiến bộ khoa học mới về giống và biện pháp kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, thu hoạch, bảo quản khoai tây hàng hoá; tạo nhiều việc làm, huy động lao động nhàn rỗi trong vùng nông thôn, giúp nông dân có cơ hội sản xuất hàng hóa trong cơ chế kinh tế thị trường như hiện nay.

 

Thông qua Dự án cũng tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ cán bộ, kỹ thuật viên, các hộ nông dân có năng lực, kiến thức sản xuất khoai tây giống, khoai tây thương phẩm; tạo nguồn giống chất lượng cao tại chỗ phục vụ kịp thời cho sản xuất, giúp người dân yên tâm khi mở rộng diện tích trồng khoai tây. Một lợi thế nữa là trong quá trình chuyển giao công nghệ sản xuất khoai tây giống, thương phẩm trên địa bàn, Dự án còn có thể ứng dụng công nghệ này cho các tỉnh khác thuộc khu vực miền núi phía Bắc...

 

Không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân, khi khoai tây được thu hoạch, hiệu quả của nó còn được phát huy tốt cho loại cây trồng sau đó, nhất là cây lúa. Sau khi trồng khoai tây, năng suất lúa sẽ được cải thiện bởi đất đai sẽ tơi xốp, môi trường đất được cải thiện, việc đầu tư phân bón cho cây trồng sau cũng tiết kiệm hơn.