Sinh ra và lớn lên ở vùng đất bạc màu, còn nhiều khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nên nhiều đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của xã Đồng Liên (Phú Bình) đã từng xa quê để tìm cơ hội lập nghiệp. Nhưng cuối cùng, họ nhận ra rằng quê hương vẫn là mảnh đất yên bình nhất để họ gắn bó, làm giàu.
Một trong những thanh niên tiêu biểu mà chúng tôi được gặp gỡ đó chính là đồng chí Phó Bí thư Đoàn xã, anh Nguyễn Mạnh Tưởng. Trước năm 2009, anh đã từng đi làm thuê cho nhiều công ty xây dựng trong và ngoài tỉnh. Công việc nay đây mai đó vất vả, tiền kiếm được bao nhiêu cũng không dành dụm được. May thay, trong một lần đến làm công trình tại tỉnh Bắc Ninh, anh đã vô tình thấy mô hình trồng hoa ly, hoa cúc của người dân nơi đây khá đơn giản mà đem lại thu nhập khá. Vốn mê cây cảnh và yêu hoa hoa từ nhỏ, anh tìm cách lân la, học hỏi kinh nghiệm trồng hoa. Sau đó, anh tìm mua sách, báo, tài liệu, nhiều lần về Viện Rau, quả (Hà Nội), rồi lên Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) học cách trồng và chăm sóc hoa. Khi đã trang bị khá đầy đủ các kiến thức, đến năm 2009, anh quyết định về quê mong tìm hương đổi đời từ hoa cúc và hoa ly. Sẵn gia đình có đất ruộng, vườn, anh trồng thử 2 nghìn cây hoa ly và 1 vạn hoa cúc. Anh lấy tre, nứa để làm nhà (rộng 150m2) trồng ly.
Năm đầu thành công, nhưng năm tiếp theo do mưa gió nhiều mà nhà trồng hoa bằng tre nứa không dảm bảo nên anh bị hỏng hàng trăm gốc ly. Do đó, đến năm 2011, anh quyết định dồn vốn, vay thêm 20 triệu đồng từ Ngân hành Chính sách, xã hội huyện đầu tư dựng nhà trồng hoa bằng khung sắt, mái nilon với diện tích 360m2. Từ đó đến nay, mỗi vụ anh trồng được từ 1 đến 3 vạn cây ly ngoài ra anh vẫn trồng hoa cúc, mỗi năm thu lãi trên 100 triệu đồng. Mô hình trồng hoa của anh đã được các đoàn của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… trong và ngoài huyện đến tham quan học hỏi. Anh cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm của mình cho những người khác. Đến nay, đã có 5 ĐVTN của xã đã học tập mô hình trồng hoa của anh.
Anh Tưởng cho biết: Trồng hoa không mất nhiều công chăm sóc, nhưng để thành công cần hiểu về đặc tính của từng loài, khi trồng phải căn cứ vào thời tiết, hoa mới nở đúng dịp (thường trồng trước 3 tháng). Nếu chăm sóc tốt, mỗi cây hoa ly có thể cho thu lãi từ 4 đến 6 nghìn đồng. Đây là mô hình rất phù hợp với thanh niên và có thể nhân rộng.
Khác với anh Tưởng, anh Nguyễn Thanh Tùng ở xóm Đồng Vạn lại chọn việc mở xưởng cơ khí, nhôm kính, inox phục vụ nhu cầu của người dân địa phương làm nền móng lập nghiệp. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cơ khí - Luyện kim (năm 2003), anh từng xuôi ngược đi làm thuê ở nhiều tỉnh thành. Cuối cùng, anh nhận ra rằng quê hương vẫn là mảnh đất “lành” để anh neo đậu và phát triển. Với tay nghề trong tay, năm 2010, anh quyết định dồn tiền, vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện đầu tư mở xưởng cơ khí. Từ đó đến nay, xưởng cơ khí của anh không chỉ giúp hai vợ chồng anh có việc làm ổn định với thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho 1 lao động khác với mức lương 150 nghìn đồng/ngày công. Sắp tới, anh Tùng còn có kế hoạch mở thêm của hàng bán sắt thép để cung ứng cho người dân trong vùng. Anh không chỉ có khao khát làm giàu cho bản thân mà mong muốn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong xã, nhất là ĐVTN.
Anh Nguyễn Văn Tùng, Bí thư Đoàn xã cho biết: Những năm trước, rất nhiều các ĐVTN của xã thường đi xa quê lên thành phố hoặc các tỉnh khác làm ăn, hiếm người có chí ở lại địa phương phát triển kinh tế. Thế nhưng, trong khoảng 3 năm trở lại đây, số lượng ĐVTN ở lại quê hương lập nghiệp ngày càng được tăng lên. Hiện nay, ở Đồng Liên đã có gần 20 mô hình kinh tế của thanh niên đem lại hiệu quả khá cao. Điển hình như: xưởng cơ khí, sửa chữa xe máy của các anh Nguyễn Tuấn Hà, Nguyễn Văn Tô, Nguyễn Văn Toản (xóm Đồng Ao); trang trại nuôi 600 con vịt siêu trứng của anh Phan Văn Hổ (xóm Thùng Ong); trang trại nuôi gà thịt (3.000 con) của anh Trần Văn Tùng (xóm Bo)… Những mô hình kinh tế còn giúp tạo việc làm cho trên 30 lao động tại địa phương. Các mô hình kinh tế như vậy vẫn đang tiếp tục được nhân rộng.
Được biết, để khuyến khích, giúp đỡ các thanh niên phát triển kinh tế tại địa phương, Ban Chấp hành Đoàn xã đã tạo mọi điều kiện cho các ĐV vay vốn tín chấp từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội. Tính đến thời điểm này, Đoàn TN xã đã đứng ra tín chấp cho hàng chục TN vay vốn với tổng số tiền trên 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn còn kết hợp với Hội Nông dân xã mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng hoa cây cảnh, may công nghiệp Từ đây, hàng chục thanh niên đã học được nghề từ các lớp học này và yên tâm lập nghiệp tại địa phương.