Lạm phát tháng 9 khiến chuyên gia lo ngại

07:54, 26/09/2012

Mức tăng lạm phát tháng 9 bằng cả 7 tháng của năm 2012 khiến nhiều chuyên gia lo lắng cho những tháng còn lại của năm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 chính thức được Tổng cục Thống kê công bố tăng cao hơn dự kiến, ở mức 2,2%. Trao đổi với VOV về những vấn đề liên quan đến mức CPI này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền bày tỏ: “Mức tăng này là quá cao. Tôi thấy lo ngại. Bây giờ phải có những biện pháp để kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm chứ không thể thả lỏng được. CPI sẽ tiếp tục tăng cao”.

 

Chia sẻ lo ngại về mức tăng CPI tháng 9, Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là mức tăng lịch sử, chưa bao giờ chứng kiến trong tháng 9 lại có một mức tăng cao như tháng này. Mức tăng một tháng bằng 7 tháng (hết 8 tháng năm 2012 ở mức 2,86%).

 

Phân tích về nguyên nhân gây tăng CPI cao, bà Hiền khẳng định: Đầu tư không hiệu quả ảnh hưởng trực tiếp đến CPI. Trong khi đó, hiệu quả đầu tư của Việt Nam không hy vọng có thể cải thiện sớm được. Với một cơ cấu kinh tế chưa có gì thay đổi cộng với cơ cấu DNNN chưa có những tiến bộ đáng kể thì hiệu quả đầu tư đương nhiên không thể cải thiện nhanh.

 
Tốc độ tăng lạm phát tháng 9/2012 phần nhiều do là chi phí đẩy (tăng phí y tế, giáo dục, giá xăng…). “Việc tăng chi phí y tế trong tầm kiểm soát của Nhà nước. Chính vì thế, những tháng tới, Nhà nước phải có điều chỉnh, kiểm soát việc tăng giá dịch vụ y tế của địa phương để đừng tăng quá đà” – bà Hiền khuyến cáo.

 

Bà Hiền kiên quyết cho rằng, CPI năm nay không thể để tăng lên 2 con số được, thậm chí là 9% cũng không nên. Cố gắng kiềm ở mức 8 hoặc trên 8%. Nếu để 9% thì sẽ ảnh hưởng đến lạm phát năm 2013. Lạm phát có độ trễ, nếu có yếu tố tăng của quý IV thì sẽ tăng sang năm sau. Như vậy, lạm phát năm 2013 sẽ tăng cao.

 

Chính vì vậy, giải pháp cho các tháng tiếp theo nhằm giảm CPI được bà Nguyễn Thị Hiền đưa ra là phải giảm tăng trưởng tín dụng. Bởi “không thể kiềm chế được nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm. Những tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng thấp nên muốn thúc đẩy cho tăng lên nhưng bây giờ tăng trưởng phải kiềm chế để hỗ trợ cho CPI”.

 

Thực phẩm - nhóm tăng CPI mạnh

 

Thông thường vào những tháng cuối năm nhóm thực phẩm sẽ tăng mạnh. Vừa qua, nhóm y tế, giáo dục tăng thì sắp tới sẽ không còn tăng nhiều. Nhưng lo ngại về thực phẩm vẫn đang còn vì dịch cúm gia cầm, khó khăn về tăng giá thức ăn chăn nuôi… “Lo ngại vẫn đặt nặng lên nhóm thực phẩm có nguồn gốc thịt. Năm 2011, các nhóm thịt tăng giá đột biến do người chăn nuôi không tiếp cận được tín dụng để tái đàn, phát triển đàn. Năm nay tín dụng không phải là ghê gớm nhưng tăng giá đầu vào thức ăn chăn nuôi và dịch cúm gia cầm cũng là quan ngại. Đây là nhóm phải cảnh giác và mọi biện pháp để kích thích bây giờ đã là chậm vì chỉ còn mấy tháng nữa là hết năm, đến Tết nguyên đán” – bà Hiền nói.

 

Gần đây, tại một diễn đàn của doanh nghiệp, ông Đoàn Trọng Lý -  Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (APROCIMEX) cho biết và khuyến cáo: Hiện tại với ngành chăn nuôi, giá đầu vào đang cao hơn đầu ra. Một kg lợn hơi giá khoảng 40-45.000 đồng. Nếu bây giờ người dân bỏ chuồng hết thì cuối năm sẽ là 100.000 đồng/kg lợn hơi. “Lúc này, thịt nhập khẩu sẽ tràn vào, an sinh nông thôn sẽ bị đe dọa. Câu chuyện bây giờ là việc chia lỗ chứ không còn tính toán có lãi và an toàn nữa” – ông Lý nhấn mạnh.

 

Các loại thực phẩm nằm trong nhóm sẽ tăng giá mạnh trong những tháng tới.

 

TS Vũ Đình Ánh cũng đưa ra hàng loạt các yếu tố “rình rập” tăng CPI các tháng cuối năm, đó là việc nới lỏng chính sách tiền tệ, đòi tăng tín dụng lên (tất nhiên còn phụ thuộc vào việc nền kinh tế có ngấm được tín dụng không), giảm lãi suất, tăng chi tiêu chính phủ, giải ngân vốn đầu tư, ứng trước vốn của năm trước trong năm nay; Nhóm thứ hai là điều chỉnh giá cả một số mặt hàng (xăng dầu, gas…).

 

“Đơn giản, giá dịch vụ y tế chưa phải tất cả các địa phương đã tăng và mức độ tăng khác nhau mà đã khủng khiếp như vậy. Những tháng tới đây, một số tỉnh lại chuẩn bị tăng nữa” – ông Ánh đưa dẫn chứng để củng cố thêm quan điểm của mình.

 

Ngoài ra, theo ông Ánh, diễn biến của tình hình giá lương thực thế giới cũng chưa rõ ràng nhưng cũng đặt ra phương án biến động tăng; trong nước thì thiên tai, dịch bệnh… Giá xăng dầu thế giới đang trong xu thế xuống nhưng cũng chưa chắc chắn lắm vì còn liên quan đến yếu tố địa chính trị. Bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11 nhưng sau đấy còn chưa biết sẽ còn quyết định gì mới, sốc hay không…

 

Theo quan điểm của ông Ánh, chính sách tiền tệ những tháng cuối năm có thể duy trì nới lỏng cũng được để cứu các doanh nghiệp. Nhưng khi đã có chủ trương nới tiền tệ thì phải siết tài khóa (mục tiêu kiềm chế lạm phát). “Nếu có nới lỏng chính sách tiền tệ thì sẽ ảnh hưởng tới lạm phát năm sau còn năm nay chưa thể gây lạm phát được” – ông Ánh khẳng định.

 

Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2013, theo bà Hiền, chưa có gì sáng sủa  hơn 2012. Chính vì thế điều hành phải rất thận trọng, đặc biệt là không thể chủ quan với lạm phát. “Nền kinh tế Việt Nam chưa bao giờ đứng trước lo ngại giảm phát, luôn là cuộc chiến chống lạm phát do những mất cân đối mang tính dài hạn nên nỗi lo lạm phát thường trực”- bà Hiền khuyến cáo./.