Thuế thu nhập cá nhân: Vẫn băn khoăn giảm trừ gia cảnh

10:57, 11/09/2012

Theo Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng tương đương 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014, đảm bảo tỷ lệ tương quan như khi Luật có hiệu lực thi hành năm 2009.

Theo tờ trình chính thức của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân người nộp thuế được đề nghị nâng từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng. Người phụ thuộc được nâng từ mức 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/tháng.

 

 Như vậy, những người chưa phải nộp thuế gồm người độc thân có thu nhập 9 triệu đồng/tháng, người có hai người phụ thuộc có thu nhập 16,2 triệu đồng/ tháng. Còn nếu có thu nhập 20 triệu đồng/tháng mà có một người phụ thuộc thì chỉ nộp 490 nghìn đồng/tháng (bằng 2,45% thu nhập chịu thuế).

 

 Đồng thời với việc nâng mức giảm trừ gia cảnh, dự thảo luật cũng bổ sung quy định mở để khi giá cả thị trường biến động trên 20% thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với biến động của giá cả.

 

Theo Chính phủ, mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng tương đương 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người năm 2014, đảm bảo tỷ lệ tương quan như khi Luật có hiệu lực thi hành năm 2009.

 

Còn khá nhiều phân tích khác được đưa ra để chứng minh cho sự cần thiết phải nâng mức giảm trừ gia cảnh khi sửa luật, song dường như vẫn chưa đủ thuyết phục.

 

 

Báo cáo ý kiến về dự án luật này của Tiểu ban Chính sách và thu ngân sách thuộc Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho hay, một số ý kiến cho rằng, việc nâng mức giảm trừ như vậy là cao, chưa đảm bảo tính hợp lý xét dưới cả góc độ kinh tế cũng như xã hội. Vì, sẽ thu hẹp số lượng người nộp thuế, làm sai lệch bản chất của thuế thu nhập cá nhân, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, không duy trì và phát huy kết quả đạt được trong quá trình thực thi luật thời gian qua.

 

Cụ thể hơn, sẽ chỉ còn khoảng 1 triệu người phải nộp thuế thu nhập cá nhân (hiện nay là 3,87 triệu người), như vậy bản chất của thuế thu nhập cá nhân sẽ chuyển thành thuế thu nhập cao. Và đây sẽ là bước lùi trong việc thực hiện và ban hành chính sách. Đặc biệt là sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu ngân sách.

 

Các phản biện tiếp theo được đưa ra là việc áp dụng giảm trừ gia cảnh cao sẽ làm mất ý nghĩa điều tiết thu nhập từ người có thu nhập cao. Bởi những người thuộc đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân theo luật hiện hành xét trên mặt bằng chung hiện nay đang là những người có thu nhập cao trong xã hội. Nếu giảm thuế đáng kể với những đối tượng này sẽ không mang nhiều ý nghĩa giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế nhưng lại dẫn đến giảm thu ngân sách.

 

Bên cạnh đó, mức giảm trừ mới cũng chưa phù hợp với thông lệ quốc tế và chưa đảm bảo tương quan với các nước trong khu vực. Khi quy mô các khoản trừ cho người nộp thuế và người phụ thuộc ở một số nước nhìn chung đều ở mức xung quanh một lần mức GDP bình quân đầu người, theo phân tích tại báo cáo của tiểu ban.

 

 Những ý kiến chưa đồng thuận cũng cho rằng, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc chưa đảm bảo công bằng, hợp lý. Bởi thực tế cho thấy, có một bộ phận cán bộ công chức đang hưởng mức lương thấp hơn mức giảm trừ gia cảnh (3,6 triệu đồng). Do vậy, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định mức giảm trừ gia cảnh thấp hơn mức đề xuất của dự thảo luật.

 

Về cách tính, đa số ý kiến của tiểu ban này tán thành với quy định mức giảm trừ gia cảnh theo số tuyệt đối như quy định hiện hành. Đồng thời cũng cho rằng quy định điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo biến động giá cả là hợp lý, song Chính phủ cần nói rõ hơn căn cứ để đưa ra mức 20%.

 

Tại cuộc họp thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án luật mới đây, đa số ý kiến cho rằng mức giảm trừ gia cảnh như đề nghị của Chính phủ là cao. 7 triệu đồng cho người nộp thuế và 2,8 triệu cho người phụ thuộc là các con số nhận được sự đồng tình ở cuộc họp này.

 

Trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay, dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi) sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp thứ 11, bắt đầu từ sáng 12/9 tới đây.