Triển vọng từ mùa quả ngọt

08:17, 07/09/2012

Gần 2 năm sau khi trồng, vườn thanh long ruột đỏ của gia đình ông  Dương Đình Bộ, xóm Pha, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên) đang cho thu hoạch  hứa hẹn nhiều triển vọng…

Là người đầu tiên đưa giống thanh long ruột đỏ về trồng trên vùng đất cằn của xã Lương Sơn, ông Dương Đình Bộ luôn vững vàng một niềm tin vào sự thành công của mình, vì: Thanh long ruột đỏ cho thu hoạch trong thời gian dài, từ tháng 5 đến tháng 11 nên áp lực về đầu ra là không đáng kể, sản phẩm có thể bảo quản tương đối dễ dàng, để được lâu; loại quả này rất được ưa chuộng trên thị trường bởi màu sắc, mẫu mã đẹp, ăn có vị ngọt đậm, thơm hơn thanh long ruột trắng nên giá bán thường cao gấp 1,5 lần và hiện nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường… Mặt khác, cây thanh long ruột đỏ không kén đất trồng, chịu được hạn, kỹ thuật chăm sóc không đòi hỏi quá khắt khe, lại ít bị sâu bệnh hại. Sau khi đã tìm hiểu thông tin kỹ càng, kiên quyết vượt qua sự ngăn cản của những người thân trong gia đình, ông Bộ đã tự tay thanh lý hơn 100 cây vải đã trên 20 năm tuổi để lấy đất trồng thanh long.

 

Suốt 4 tháng ròng rã, bố con ông Bộ hì hục đào hố, mua vật liệu làm trụ bê tông, tích lũy phân chuồng và mua giống thanh long ruột đỏ về trồng. Dù biết rằng phải gần 2 năm sau khi trồng, thanh long mới cho thu hoạch lứa quả thương phẩm đầu tiên nhưng ông Bộ vẫn mạnh dạn vay vốn ngân hàng, tập trung nguồn lực của gia đình để đầu tư. Tháng 10-2010, ông trồng đợt đầu được 150 trụ thanh long (chi phí trên 40 triệu đồng) và sau đó trồng thêm 2 đợt, đưa tổng số trụ hiện nay lên trên 300, dự định của ông Bộ là sang đầu năm tới sẽ trồng thanh long vào hết diện tích đất vườn còn lại của gia đình, với khoảng 200 trụ nữa. Hằng ngày, cứ khi rảnh là ông lại có mặt ở vườn thanh long, theo dõi, chăm bón từng mầm cây. Theo ông thì tuy kỹ thuật chăm sóc thanh long không phức tạp nhưng phải để ý thường xuyên, tưới nước đúng thời điểm và đủ lượng, chú ý diệt ốc sên và sâu cắn phá mầm non, khoảng 2 tháng 1 lần cần phun thuốc phòng nấm…

 

Đúng với nhận định và những kiến thức học hỏi được của ông Bộ, bước sang năm thứ 2 sau khi trồng, 150 trụ thanh long ruột đỏ được trồng đợt đầu của gia đình ông bắt đầu bói quả (từ tháng 5-2012 đến nay đã cho thu hoạch 6 lứa quả thương phẩm đầu tiên, với trọng lượng trung bình mỗi quả khoảng từ 300 đến 500gam). Giá bán buôn loại quả này hiện vào khoảng 40.000 đồng/kg, với tổng khối lượng 6 lứa quả đã xuất bán vào khoảng 300kg, gia đình ông thu về trên 10 triệu đồng và trong năm nay có thể sẽ thu hoạch thêm 3 lứa nữa, đó là chưa kể khoản tiền thu được do bán giống. Các thương lái thường đặt hàng trước và đến tận nhà ông tìm mua. Vừa tự tay lựa một vài quả mời khách, ông Bộ vừa phấn khởi nói: “Dù giá trị kinh tế chưa lớn nhưng những lứa quả đầu tiên này giúp tôi có thêm niềm tin vào sự thành công trong hướng đi mới của mình. Từ năm thứ 3 trở đi, trên cùng một diện tích, giá trị kinh tế có thể sẽ tăng gấp đôi do cây bắt đầu vào giai đoạn cho thu hoạch rộ”.

 

Nhận thấy tiềm năng của loại cây trồng mới này, tháng 10-2011, Trạm Khuyến nông thành phố Thái Nguyên đã hỗ trợ 60% giá giống và 40% giá trị phân bón cho vườn thanh long của gia đình ông Bộ, thường xuyên cử cán bộ xuống tham quan và tư vấn kỹ thuật. Ông Mã Quốc Hùng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thành phố cho biết: Đây là mô hình thanh long ruột đỏ vào loại sớm nhất và có quy mô lớn nhất Thành phố tính đến thời điểm này, là địa chỉ rất đáng để những người quan tâm đến tham quan, học hỏi. Theo đánh giá của chúng tôi thì thanh long ruột đỏ rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở khu vực Thái Nguyên nói chung và Thành phố nói riêng nên Trạm đang tiếp tục triển khai các mô hình tương tự để làm cơ sở nhân rộng ra địa bàn.

 

Kiến thức và kinh nghiệm không bao giờ đủ, từ suy nghĩ như vậy, ông Bộ vẫn thường xuyên thu thập kiến thức về thanh long ruột đỏ qua các kênh khác nhau. Khách đến tham quan mô hình của ông ngày một nhiều, và ông khẳng định luôn sẵn sàng chia sẻ những gì mình biết với những người quan tâm, muốn học hỏi và làm theo mô hình này, theo địa chỉ: Dương Đình Bộ, xóm Pha, xã Lương Sơn (T.P Thái Nguyên), hoặc qua số điện thoại 0988 352 285.