Trồng rau mầm: Hướng mở cho nông dân ở đô thị

08:46, 10/09/2012

Nhiều thông tin cho thấy giá trị dinh dưỡng ở loại rau này cao gấp 5 lần rau thường, lại dễ trồng, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Khi đến chơi nhà người bạn ở phường Quang Vinh (T.P Thái Nguyên) tôi vô tình nhìn thấy những mảng rau đang nảy mầm, trông rất thích mắt. Thấy tôi tò mò, cô bạn xởi lởi: Rau mầm đấy, muốn thưởng thức thì trưa nay ở lại đây ăn thử.

 

Vậy là buổi trưa hôm đó, tôi đã được thưởng thức một bữa lẩu ngon tuyệt với thịt gà, thịt bò và rau mầm củ cải… Bữa ăn đó đã khiến tôi thắc mắc, không biết rau mầm có được nhiều hộ dân trong tỉnh trồng nhiều không, giá trị dinh dưỡng của chúng ra sao và làm thế nào để học được quy trình trồng loại rau này… Để giải đáp một phần thắc mắc, tôi vào mạng tìm đọc tư liệu. Nhiều thông tin cho thấy giá trị dinh dưỡng ở loại rau này cao gấp 5 lần rau thường, lại dễ trồng, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, trồng trong môi trường sạch không có mầm bệnh và vi sinh vật gây hại. Và hiện nay rau mầm đang được sản xuất thử nghiệm tại Thái Nguyên.

 

Tìm đến Trạm chuyển giao kỹ thuật giống cây trồng Nông lâm nghiệp Gia Sàng (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), nơi đang trồng thử nghiệm loại rau này, chúng tôi được kỹ sư Trần Thị Thu Huyền giới thiệu rất tỉ mỉ về loại rau này: Có thể sản xuất nhiều loại rau mầm tươi ngon từ hạt giống cải củ, cải ngọt, cải xoăn, rau muống, rau dền, đậu xanh, đậu Hà Lan… và phổ biến là mầm đậu tương và cải củ. Trồng rau mầm cần có các nguyên liệu như: hạt giống; khay làm bằng tre, nhựa hay xốp; kệ đóng tùy theo kích thước khay; đất trồng (giá thể) là loại đất sạch hữu cơ sinh học, được sản xuất từ xơ dừa, đã có đủ dinh dưỡng; khăn giấy dùng để lót trên bề mặt giá thể; bìa giấy Carton, dùng để đậy khay trong 1-2 ngày đầu mới gieo hạt.

 

Quy trình trồng và chăm sóc rau được thực hiện khá đơn giản. Sau khi gieo hạt vào giá thể, mỗi ngày tưới nước hỗ trợ 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều cho hạt mầm hút nước để tăng trưởng, cứ thế kéo dài khoảng 5 - 7 ngày là có thể thu hoạch rau. Ưu điểm lớn nhất của trồng rau mầm là vốn đầu tư ban đầu không cao, có thể tận dụng những vật dụng trong gia đình để trồng.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy, trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày một thu hẹp thì rau mầm là phương thức canh tác phù hợp với nền nông nghiệp đô thị và có thể mở ra một hướng mới trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng của Thái Nguyên, nhất là ở T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công, góp phần giải quyết lao động nông nhàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các loại rau này sống không cần đất và thường được trồng chủ yếu trong các khay nên có thể xếp chồng lên nhau, không chiếm nhiều diện tích.

 

Tìm hiểu thực tế tại một số chợ, chúng tôi thấy giá bán rau mầm củ cải trắng là 38.000 đồng/kg. Theo tính toán của các cán bộ ở Trạm Chuyển giao kỹ thuật giống lâm nghiệp Gia Sàng, sau khi trừ hết chi phí, người trồng rau lãi khoảng 5.000 - 7.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với trồng các loại rau khác. Được trồng trong nhà nên rau mầm không chịu ảnh hưởng của thời tiết và có thể trồng quanh năm, không phân biệt mùa vụ.

 

Được biết, Trạm đã trồng thử nghiệm rau mầm từ cuối năm 2011. Sau khi trồng thành công, Trạm đã tổ chức lớp tập huấn trồng rau mầm cho hàng nghìn hộ nông dân ở T.P Thái Nguyên và được bà con đón nhận. Thậm chí, nhiều người, dù không được tập huấn nhưng cũng đã tìm đến Trạm để mua giá thể về tự trồng. Bà Nguyễn Thị Hảo, cán bộ hưu trí ở tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) cho biết: Gia đình tôi không có đất trồng rau nên tôi đã tận dụng hộp xốp để trồng rau mầm ngay trong nhà. Hơn 2 tháng trồng loại rau này, gia đình tôi hầu như không phải mua rau ngoài chợ nên tiết kiệm được chi phí và yên tâm về sức khỏe.

 

Mô hình trồng rau mầm đang dần được nhân rộng ở Thái Nguyên, đặc biệt trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Tuy nhiên, giá thành của loại rau này cao hơn các loại rau khác rất nhiều (gấp 5 đến 10 lần so với rau bắp cải, cải xoong…). Trong khi đó, nhiều người chưa quen ăn rau mầm. Trồng rau mầm lại đòi hỏi thực hiện nghiêm ngặt việc điều trị sâu bệnh, cách ly, xử lý, khử trùng dụng cụ trồng rau, duy trì độ ẩm và ánh sáng đúng mức, nguồn nước tưới… Do đó, để rau mầm thật sự trở thành hàng hóa, tỉnh ta nên đầu tư trồng theo hướng công nghiệp với quy mô lớn, giảm giá thành sản phẩm, kích cầu người tiêu dùng. Trong đó áp dụng hình thức trồng thủy canh, cho năng suất cao, tránh được những mầm bệnh từ môi trường giá thể, giảm đến mức tối đa hao hụt do phải qua khâu rửa rau sau khi thu hoạch…