Cũng như thị trường bất động sản, hiện nay thị trường vật liệu xây dựng nói chung, trong đó có sản phẩm thép đang khá ảm đạm và khó phục hồi. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do thị trường rớt giá, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao…
Doanh nghiệp xả hàng chịu lỗ
Theo các nhà phân tích thì thời điểm này giá thép trên thị trường đang đạt điểm đáy, nghĩa là thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Đầu năm nay, giá thép trên thị trường trung bình khoảng trên 17 triệu đồng/tấn (đã gồm cả thuế VAT), nhưng hiện tại chỉ còn 15,9 triệu đồng/tấn. Do giá xuống quá thấp nên các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng sắt thép trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Ông Đoàn Mạnh Hà, Trưởng phòng Kế hoạch – Nhà máy cán thép Lưu Xá (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) chia sẻ: “Giá thấp, lợi nhuận ít nhưng vẫn phải duy trì sản xuất để ổn định việc làm, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Hiện nay, các đơn vị phải cạnh tranh nhau gay gắt để xả hàng, tránh tồn kho”. Được biết, Nhà máy cán thép Lưu Xá từ đầu năm đến nay sản xuất được khoảng 162 nghìn tấn, đang để tồn kho khoảng 18 nghìn tấn.
Công ty TNHH Thương mại Hà Căn là một trong những đơn vị kinh doanh thép mới nổi vài năm gần đây. Đơn vị này có mối quan hệ khách hàng khá rộng (từ Nghệ An trở ra) nên thường có doanh thu cả nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy vậy, theo bà Đinh Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty thì năm nay là một năm cực kỳ khó khăn với doanh nghiệp. Mặc dù tiêu thụ mỗi tháng từ 5.000 đến 6.000 tấn thép cán, nhưng lợi nhuận thu về chỉ bằng 1/3 năm trước. Do lượng hàng tồn kho còn khá lớn nên giai đoạn này, đơn vị đang tập trung tìm kiếm thị trường để nhanh chóng xả hàng thu hồi vốn dịp cuối năm mặc dù biết là không có lại.
Cho dù chưa có con số cụ thể về số lượng các doanh nghiệp thuộc ngành thép của tỉnh phá sản hay giải thể, nhưng thực tế thì đã có một số đơn vị phải dừng hoạt động, thiếu nguồn trả lương công nhân do không có thị trường tiêu thụ.
Tác động xấu từ bên ngoài
Có nhiều tác động làm ngành thép điêu đứng, trong đó đáng kể nhất chính là việc thị trường bất động sản “đóng băng”, chi tiêu công thắt chặt, các dự án xây dựng tạm thời phải giãn, hoãn… Hơn nữa, sự tác động từ việc tăng giá chóng mặt của nguồn nguyên vật liệu đầu vào đã khiến các doanh nghiệp sản xuất thép gặp khó khăn trong việc giải bài toán lỗ, lãi. Thời gian qua, Ngành điện tiếp tục thực hiện lộ trình tăng giá, trong khi đó giá xăng, dầu, than cũng không ngừng leo thang khiến chi phí sản xuất đội lên rất cao. Nhiều chủ doanh nghiệp than vãn: Không sản xuất thì không lỗ, nhưng dừng sản xuất thì không có chi phí trang trải các khoản (trả lãi ngân hàng, lương công nhân…). Còn nếu bán đúng giá thị trường thì sẽ chịu lỗ mà bán giá theo hạch toán đầu vào thì khó có thể tiêu thụ.
Một điều đáng quan ngại đối với ngành thép cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng hiện nay là việc sản phẩm thép Trung Quốc giá rẻ được nhập khẩu tràn ngập vào thị trường Việt Nam. Tính đến hết tháng 8 năm nay, lượng thép Trung Quốc nhập khẩu vào nước ta cao gấp 5 lần so với năm 2011. Thực tế thì lượng thép tồn kho của Trung Quốc đang rất cao nên các doanh nghiệp nước này tập trung xuất khẩu sang Việt Nam và các nước ASIAN khác. Điều đáng lo ngại là chất lượng thép cuộn của Trung Quốc chỉ đáp ứng tiêu chuẩn thép xây dựng thông thường, nhưng khi vào nước ta có bổ sung thêm chất vi lượng Bo. nên được coi là thép hợp kim để được miễn 5% thuế suất. Cùng với đó, hai nước cung cấp chính mặt hàng thép cho chúng ta là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang ráo riết tìm kiếm cơ hội “xả hàng” sang Việt Nam.
Khả năng phục hồi rất chậm
Được biết, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm khoảng 5 dự án thép xây dựng công suất lớn của cả nước đi vào hoạt động với tổng công suất khoảng 1,5 triệu tấn/năm, trong đó Thái Nguyên đóng góp một dự án. Đấy là chưa kể cả nước hiện đang có khoảng 30 dự án thép quy mô lớn đang hoạt động cùng hàng trăm đơn vị sản xuất nhỏ lẻ. Điều này cho thấy, tới đây sự canh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thép sẽ còn khá gay gắt và việc thép dư thừa, để tồn kho sẽ còn lớn hơn nữa.
Theo một số nhà phân tích thì thực trạng chung của thị trường thép sẽ càng khó cho các doanh nghiệp của Thái Nguyên bởi cơ bản chúng ta sản xuất thép từ nguồn quặng nguyên khai, tức là sản xuất từ gốc đến ngọn. Khi nguyên liệu đầu vào tăng cao, giá phôi trên thị trường thấp thì việc sản xuất tận gốc như của chúng ta sẽ khiến giá thành sản phẩm đội lên so với thị trường. Hiện nay, giá thép thành phẩm làm ra của chúng ta đang cao hơn so với thị trường khoảng 1.000 đồng/kg. Một giải pháp được đưa ra là chúng ta nên tập trung cho xuất khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng thép chung của cả thế giới cũng đang sụt giảm mạnh mẽ nên sẽ rất khó thực hiện giải pháp này. 8 tháng qua, cả tỉnh chỉ xuất khẩu được khoảng trên 600 tấn thép các loại.
Ông Đôn Văn Thủy, Trưởng phòng Kinh tế - Tài chính (Sở Công Thương) cho biết: Ngành thép đang chiếm khoảng 30% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Bởi vậy, việc khó khăn của ngành này sẽ tác động không nhỏ đến tình hình chung trong toàn ngành công nghiệp. Cũng theo ông Đôn Văn Thủy thì khả năng phục hồi của ngành thép sẽ rất chậm bởi các ngành, lĩnh vực khác liên quan đến sản phẩm thép cũng đang trong tình trạng khó khăn. Một lãnh đạo Công ty CP Gang thép Thái Nguyên bày tỏ quan điểm: Sẽ rất khó đoán thị trường thép dịp cuối năm. Cho đến thời điểm này có thể khẳng định, năm nay là một trong những năm thất bại của ngành thép.
Như vậy, có thể nói việc “cởi trói” cho thị trường thép quả thật còn rất nan giải. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước vẫn chủ yếu trông chờ vào các chính sách “giải cứu” của Nhà nước.
Trong 8 tháng qua, sản lượng thép của chúng ta đạt khoảng 460 nghìn tấn, bằng 82,2% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 8 sản lượng thép chỉ đạt khoảng 30 nghìn tấn, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ. Lượng thép tồn kho của cả tỉnh đến nay cũng là trên 50 nghìn tấn, tăng khoảng 32% lượng tồn kho so với cùng kỳ năm trước.