Cách nào “gỡ nút” cho tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn?

09:36, 25/10/2012

Với mục tiêu chung là: Bảo vệ môi trường, sinh thái, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn, tiêu chí số 17 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới được xem là khó thực hiện bởi hiện nay, môi trường nông thôn đang ngày càng có xu hướng xuống cấp.

Kỳ 1: Làng nghề phát triển và nỗi lo ô nhiễm

 

Bộ mặt nông thôn ở tỉnh ta đang đổi thay từng ngày; các làng nghề, trang trại chăn nuôi ngày càng phát triển cả về số lượng và quy mô; đời sống của người dân vì thế được cải thiện... Nhưng bên cạnh điều đáng mừng ấy thì một thực tế đang hiện hữu là nguồn nước thải từ các làng nghề, trang trại chăn nuôi đã, đang làm ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, không khí... Thực trạng này là câu hỏi không dễ trả lời, nhất là khi vấn đề về môi trường nông thôn là một trong 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.

 

Làng nghề và nguồn thu đáng mơ ước

 

Không ai có thể phủ nhận được hiệu quả của làng nghề bởi đây chính là nơi thu hút lực lượng lao động khá, đặc biệt là số lao động còn thiếu việc làm do đặc điểm lao động mang tính thời vụ của nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có 160 làng nghề, trong đó có gần 40 làng nghề đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, sản xuất, kinh doanh các ngành nghề chủ yếu: chè, mây tre đan, vật liệu xây dựng, làm bánh, bún, mỳ, miến. Trong đó, làng nghề sản xuất, chế biến, kinh doanh chè chiếm tới hơn 40%. Nhiều làng nghề chè đã có thời gian hình thành, phát triển lên tới 50-60 năm như Thác Dài (Tức Tranh); Văn Hán (Đồng Hỷ)... Làng nghề chè Hồng Thái (Tân Cương), có tới 100% số hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 150 tấn chè búp khô, giải  quyết việc làm ổn định cho trên 320 lao động... Làng nghề sản xuất miến Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ) mỗi năm cung cấp cho thị trường gần100 tấn miến, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng.

 

Theo con số chúng tôi nắm được, hằng năm, các làng nghề giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 10 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập đáng mơ ước ở người dân nông thôn. Bà Nguyễn Thị Thắm, một người dân ở xóm Tổ, xã Phượng Tiến (Định Hóa) cho biết: Gia đình tôi có 9 sào ruộng, mỗi năm cấy 2 vụ lúa, cộng với thâm canh 5 sào chè, thu nhập bình quân cũng không đạt được con số 1,5 triệu đồng/người/tháng.

 

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh khẳng định: Một số làng nghề đã tạo được thương hiệu trong và ngoài tỉnh như làng nghề chế biến miến dong Việt Cường, xã Hóa Thượng (Đồng Hỷ); một số làng nghề sản xuất chè ở xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Minh Lập (Đồng Hỷ)...

 

Phát triển làng nghề trong khu vực nông thôn đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, tuy nhiên, hiện nay, người làm nghề chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà chưa đầu tư thỏa đáng cho việc bảo vệ môi trường.

 

Nghịch lý của sự phát triển

 

Một nghịch lý là khi làng nghề càng phát triển thì môi trường nông thôn càng bị đe dọa ô nhiễm. Đơn cử như với làng nghề sản xuất chè, do công nghệ chế biến của người dân chưa cao, hầu hết nhà xưởng có vốn đầu tư thấp, sơ sài, thiếu tính đồng bộ, lạc hậu, chưa được xây dựng theo nguyên tắc liên hoàn để tránh ô nhiễm. Hơn nữa, để tăng năng suất cây chè, các hộ dân ở đây đã sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, trong đó, một phần đã thẩm thấu vào nước sông Cầu (rất nhiều làng nghề chè của tỉnh ta nằm ven sông Cầu) làm ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn nước sinh hoạt và môi trường không khí trong vùng.

 

Theo đó, nước thải từ các làng nghề sản xuất miến, mỳ, bánh chưng, đậu phụ cũng là “thủ phạm” gây ô nhiễm nguồn nước. Còn các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng như gạch, ngói thì gây ra khói bụi, làm giảm năng suất, thậm chí làm chết lúa, cây màu; làng nghề sản xuất, chế biến đồ mộc, mỹ nghệ gây ra tiếng ồn cục bộ; làng nghề mây tre đan tuy có triển vọng phát triển do sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có nhưng do yêu cầu phải ngâm nguyên liệu nên cũng có tác động không tốt đến môi trường.

 

 

Ông Nguyễn Văn Hợp, Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Chất thải của các làng nghề chứa nhiều tạp chất phát sinh, gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp của cả vùng, mà cụ thể là môi trường nước, khí, đất, gây nguy hại đến sự sinh trưởng của các loại thực, động vật, làm giảm năng suất cây trồng, vật nuôi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xung đột trong cộng đồng dân cư, giữa hộ có nghề và hộ không có nghề, giữa làng có nghề và làng không có nghề. Ngoài ra, phát triển làng nghề còn mang tính tự phát của lối sản xuất nhỏ, chia cắt, manh mún, tính liên kết và hợp tác rất yếu. Với mật độ dân cư đông đúc, làng nghề thường thiếu mặt bằng, xưởng sản xuất vì thế phải xen lẫn với khu dân cư dẫn tới khó xử lý chất thải. Trong khi đó, số lượng ao, hồ còn lại ở nông thôn không nhiều nên quá tải, bị ứ đọng nước thải.

 

Một thực tế là phần lớn sản xuất ở các làng nghề có quy mô hộ gia đình đơn lẻ, vốn đầu tư nhỏ, lao động thủ công là chính, quy trình sản xuất thô sơ, lạc hậu, thiếu khâu công nghệ hiện đại, do đó chưa tận dụng được tối đa nguyên liệu trong sản xuất. Một phần nguyên liệu dôi dư vô hình chung lại trở thành phế thải, gây ra ô nhiễm môi trường xung quanh…