Cách nào “gỡ nút thắt” cho tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn?

09:29, 26/10/2012

Môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh không chỉ bị tác động rõ rệt bởi các làng nghề mà còn đang bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như chất thải rắn trong sinh hoạt, chất thải thương mại, chăn nuôi và trồng trọt...

Kỳ II: Gánh nặng chất thải ở nông thôn

 

Với tốc độ tăng trưởng 8%/năm, dự báo đến năm 2020, khối lượng chất thải rắn từ ngành chăn nuôi của tỉnh ta sẽ lên đến gần 294 nghìn tấn. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh và gây mất mỹ quan ở vùng nông thôn.


 

 

 

 

 

 

Sông, suối, ao hồ là nơi… chứa rác

Cách đây mấy hôm, chúng tôi có dịp đi qua cầu suối Tấm thuộc địa phận xã Bình Thuận (Đại Từ). 10 năm trước, nước suối chảy qua khu vực này trong xanh là vậy, nhưng nay đã chuyển sang màu đen, rác thải ứ đọng khắp nơi. Ở những bụi cây nằm ven hai bên bờ suối mắc đầy các loại túi ni lông...

 

Theo ghi nhận của chúng tôi thì không chỉ trên dòng suối Tấm mà hầu hết các con suối trong tỉnh đều nằm trong tình trạng “bị” chứa rác thải của người dân. Đơn giản vì ở các xã trong tỉnh (thậm chí là ở một số thị trấn) chưa có bãi chứa rác tập trung nên người dân vẫn đổ rác ra các bãi đất trống hoặc bờ ao, sông, suối... Ông Nguyễn Văn Minh, một người dân ở xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm (Phú Lương) cho biết: Tôi thấy rất mất mỹ quan khi một số bãi đất trống ở ngay bên tuyến Quốc lộ 3 đi qua địa bàn xã trở thành nơi… đổ rác của người dân. Từ bãi rác tự phát này, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu, ruồi, nhặng bu kín các túi bóng đựng rác…

 

Theo số liệu thống kê do Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp, hàng năm trên địa bàn các huyện có đến 13 nghìn tấn chất thải sinh hoạt nhưng phần lớn không được xử lý, thu gom. Cùng với rác thải sinh hoạt thì rác thải ở các chợ cấp xã cũng đang gây ô nhiễm môi trường nông thôn. Trên địa bàn tỉnh có trên 130 chợ, mỗi năm thải ra môi trường một lượng rác tương đối lớn, trong khi đó chỉ ở các thị trấn là tiến hành thu gom rác thải tại những khu vực chợ, còn các xã hầu hết vẫn để lộ thiên. Điều đáng lưu tâm là nước thải từ các chợ và chất thải hữu cơ phân hủy chính là môi trường thuận lợi cho các loại côn trùng - vật trung gian truyền bệnh - sinh sôi...

 

Nỗi lo từ chất thải nông nghiệp

Với trên 500 nghìn con lợn, trên 130 nghìn con trâu, bò và khoảng 7 triệu con gia cầm mỗi năm, chăn nuôi đang trở thành nguồn thu nhập chính, mang lại cuộc sống ngày càng khấm khá hơn cho người nông dân trên địa bàn tỉnh (trong đó, toàn tỉnh hiện có trên 270 trang trại, còn lại là chăn nuôi quy mô hộ gia đình). Tuy nhiên hiện nay, ngoài một số ít trang trại có sử dụng kỹ thuật biogas để xử lý phế, phụ phẩm, chất thải trong chăn nuôi thì hầu hết các hộ dân chưa quan tâm đến vấn đề này. Hàng năm, lượng chất thải từ chăn nuôi xả ra môi trường là rất lớn (gồm phân, các chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm chết...). Song, chỉ có 25% trong số này được xử lý, số còn lại thải thẳng ra hồ, ao, sông, suối, đồng ruộng... gây ô nhiễm môi trường nước, không khí.

 

Không chỉ bị đe dọa bởi chất thải chăn nuôi, môi trường nông thôn còn có nguy cơ bị ô nhiễm khi mà hàng năm, khối lượng chất thải từ thu hoạch, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh lên đến hàng triệu tấn, kể cả rơm, rạ và vỏ trái cây...

 

 Mặc dù là chất thải rắn hữu cơ không nguy hại, nhưng nếu đưa vào sông, suối, hồ, ao sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, cản trở giao thông. Bên cạnh đó, chị Dương Thị Nhung, ở xóm Phố Điệp, xã Tiên Hội (Đại Từ) cho hay: Hiện nay đang là vụ thu hoạch lúa mùa, những hộ có nhu cầu sử dụng sẽ thu gom rơm, rạ về nhà, còn các gia đình không có nhu cầu thì đốt bỏ ngay tại khu ruộng của nhà mình. Vậy nên cứ vào buổi chiều, ở khu vực này khói bụi lại mù mịt, những ai đi qua đây đều có cảm giác khó thở, nước mắt giàn giụa... Mà, theo chúng tôi được biết, tình trạng này không chỉ diễn ra ở đây.

 

Một điều đáng lo ngại nữa là từ nhiều năm nay, bà con nông dân tỉnh ta rất tích cực tăng nhanh vòng quay sử dụng đất trồng trọt, nhưng lại chưa chú trọng đúng mức đến các giải pháp nhằm tái tạo độ phì nhiêu khiến đất đai sớm bị bạc màu. Theo ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh: Việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV tràn lan trong trồng trọt của nông dân cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nguồn nước, làm đảo lộn môi trường sống của nhiều loại thủy sản, đảo lộn môi trường sản xuất nông nghiệp và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người…

 

Thiếu sự đầu tư 

Mặc dù môi trường nông thôn đang bị đe dọa, nhưng từ thực tế hiện nay cho thấy hệ thống các công trình bảo vệ môi trường ở khu vực này vẫn chưa được đầu tư.

 

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện, hệ thống thoát nước thải ở địa bàn nông thôn chưa được chú trọng, tại hầu hết các gia đình, thôn, xóm đều chưa có hệ thống thoát nước thải đảm bảo yêu cầu về thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Tại các huyện, toàn bộ nước thải của những khu dân cư, thị trấn, chợ đều theo cống, rãnh đổ ra sông, suối, đồng ruộng hoặc đổ thẳng ra đường, ao, vườn. Việc xử lý chất thải rắn cũng chưa được quan tâm đầu tư. Các địa phương như T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công, huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, Định Hóa thì có bãi chôn lấp chất thải rắn, còn những địa phương khác vẫn đang để lộ thiên, chưa có biện pháp xử lý.

 

Về mặt kỹ thuật, các bãi chôn lấp chất thải rắn hiện có trên địa bàn tỉnh đều không bảo đảm yêu cầu về xử lý hợp vệ sinh, việc quản lý, vận hành chưa được coi trọng, các địa phương đều chưa bố trí đủ nguồn kinh phí và nhân lực cho công tác này cũng như thiếu thiết bị vận hành (như xe ủi, xe xúc lật, đầm nèn rác, máy phun chế phẩm vi sinh và diệt côn trùng...). Đặc biệt, theo bà Trần Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Diện tích các bãi rác, khu xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh hiện nay đều thuộc loại nhỏ (rộng nhất là 25ha, còn phần lớn là dưới 9ha, thậm chí bãi rác của thị trấn Đu, huyện Phú Lương chỉ rộng 1ha) nên không đủ khả năng chứa, xử lý rác trong 10 năm tới... 

 

(Còn nữa)