Thống đốc khẳng định, năm nay, ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức.
Tiếp tục làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan đến hoạt động của ngân hàng, sáng 31/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã làm rõ hơn các nội dung về nợ, lãi suất, tiếp cận vốn…
Theo Thống đốc, từ tháng 4 trở lại đây đã khoanh nợ, giãn nợ 36 nghìn tỷ đồng. Kể từ 15/7 đến nay, trước đó 80% dư nợ có lãi suất trên 15% thì đến nay toàn bộ dư nợ có lãi suất trên 15% chỉ chiếm khoảng 20% dư nợ.
Với kết quả ban đầu như vậy, theo Thống đốc, thời gian tới phải nỗ lực hơn nữa. Đặc biệt, việc giải quyết hàng tồn kho có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. “Có báo cáo cho rằng hàng tồn kho chiếm khoảng 20%, nhưng chưa có báo cáo nào nói 20% của cái gì?” – Thống đốc bày tỏ băn khoăn của mình
Nhưng theo tính toán của Thống đốc, sản xuất chiếm 50% GDP, hàng hóa tồn kho mà khoảng 20% của 50% GDP thì số hàng tồn kho đó chiếm tới 4% nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Nếu giải quyết được số hàng tồn kho này thì nợ xấu đã giải quyết được 4%, và nếu giải quyết được 93% nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản (khoảng 90 nghìn tỷ) thì sẽ giải quyết thêm được 2% của nợ xấu. “Nếu cho rằng nợ xấu khoảng 8% thì đã giải quuyết được 6% nợ xấu” – Thống đốc khẳng định.
Để giải quyết được hàng tồn kho trong sản xuất, trong xây dựng cơ bản, trong bất động sản, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng giải quyết hàng tồn kho trong xây dựng, cũng như đề nghị các ngân hàng tự xử lý nợ xấu, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro.
“Đến cuối năm nay, ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được chia cổ tức. NHNN sẽ có biện pháp thanh tra giám sát cần thiết để đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng, trước tiên để giải quyết nợ xấu thống nhất với các đối tượng này về con số. Sau khi thống nhất và có phương án xử lý cuối cùng, NHNN sẽ công bố rộng rãi ra công chúng” – Thống đốc nhấn mạnh.
Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề nợ xấu, đại biểu Nguyễn Bá Thanh (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, có những khoản nợ không phải xấu, mà là quá xấu, không bao giờ có thể đòi được. Đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước tập trung phân tích và bóc tách nợ xấu, làm rõ con số của doanh nghiệp là bao nhiêu, đặc biệt là tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Đại biểu Thanh đưa ra ví dụ về 2 nhà máy xi măng là Hạ Long, Cẩm Phả. “Tổng đầu tư lên tới 4.000-6.000 tỷ đồng nhưng sau một vài năm đã lỗ mỗi đơn vị hơn 1.000 tỷ đồng thì đó chính là nợ xấu. Ngân hàng nhà nước phải thống kê nghiêm túc thì mới nói được năm nào giảm bao nhiêu %, giảm như thế nào, phải phân tích số liệu chính xác mới xử lý rõ ràng” – ông Thanh nói.
Về việc tiếp cận vốn, ông Thanh đặt câu hỏi, “Tại sao với người dân, doanh nghiệp thường, khi đi vay mà không trả được hết nợ thì ngân hàng siết nhà, đất, nhưng với một số đối tượng lại không làm như vậy?”.
Ngoài ra, theo ông Thanh, một nguyên nhân nữa dẫn đến nợ xấu gia tăng là việc nâng khống giá trị tài sản thế chấp lên để cho vay cộng với đóng băng bất động sản. Đại biểu ví dụ, khu đất trị giá thực chỉ 200 tỷ đồng, ngân hàng định giá nâng lên 800 - 1.000 tỷ đồng và cho vay 600 tỷ. Nhưng khi rao bán 100 tỷ đồng mà không ai mua thì mất luôn 500 tỷ đồng và đây chính là nợ xấu, chưa nói đến trước đó cả người đi vay, người cho vay đều bỏ túi chục tỷ đồng.
Trước đó, tại phiên thảo luận chiều 30/10, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói: “Với tư cách là thống đốc NHNN, tôi cũng không thể hứa gì về việc xử lý nợ xấu này. Vì như tôi đã nói, đây phải là một quyết tâm chính trị của cả hệ thống chúng ta. Do vậy, chúng ta không thể đơn phương. Thế nhưng theo đề án 254 chúng tôi đã trình và được Chính phủ thông qua thì đến năm 2015 sẽ đưa nợ xấu của hệ thống ngân hàng dưới 3% theo đúng thông lệ và chuẩn mực quốc tế”./.