Đau đáu một niềm đam mê

15:28, 16/10/2012

Giữa dòng đời xuôi ngược, đầy bon chen, vụ lợi, vẫn có không ít người vượt lên toan tính nhỏ nhoi, để đeo đuổi một niềm đam mê, với mong muốn được cống hiến cho cuộc đời những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Nguyễn Tiến Dũng, chàng trai của miền đất Anh hùng Bến Cát (Bình Dương) là một người như thế.

Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, anh đã làm ra hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, chủ yếu là đề tài phản đối chiến tranh; bảo vệ môi trường và cuộc sống đời thường của người lao động. Mỗi tác phẩm như được anh thổi linh hồn vào đó, khiến bao người về dự tuần văn hóa “Chiếc cày và người nông dân” được tổ chức tại Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam, phải dừng chân, nán lại trước gian hàng trưng bày của anh để chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc có đường nét thể hiện mới, lạ, song gợi niềm suy tư trong nghĩ suy mỗi người.

Có thế nói, tác phẩm nghệ thuật về đề tài phản đối chiến tranh; bảo vệ môi trường; quê hương đất nước được anh thể hiện khá thành công trên các chất liệu độc đáo của gỗ lũa, gốc cây tự nhiên và trên xương động vật. Anh tâm sự: Thời gian gấp quá, nên tôi không mang được tác phẩm điêu khắc về 2 trái bom nguyên tử ném xuống 2 thành phố lớn của đất nước Nhật Bản. Đặc biệt là bức tranh “Miền Nam thành đồng” cao 2m, dài 3m tôi ghép lại từ 1.800 trái lựu đạn và tác phẩm điêu khắc có tựa đề “Tôi sẽ sống ở đâu?”. Tác phẩm được ghép lại từ gần 3.000 quả trứng chim đại bàng thành một quả trứng lớn. Ở ngay phía sau quả trứng có hình những nhà máy thi nhau nhả khói đen kịt một vùng trời, bên trên quả trứng khổng lồ đặt một dấu hỏi lớn. Tất nhiên trái lựu đạn, trứng chim đại bàng được tôi gọt bằng gỗ. Hầu hết các phẩm điêu khắc đều làm từ ngẫu hứng, và mất hàng tháng trời mới hoàn thiện được theo ý mình.

Cất tiếng khóc chào đời ở phường Quan Triều, T.P Thái Nguyên, bố làm bác sĩ, mẹ công nhân quốc phòng, nhà có 3 anh em thì anh trai và em gái theo nghề của bố, còn Dũng rẽ sang con đường nghệ thuật, theo học Khoa hoạ hệ Trung cấp của Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Việt Bắc. Tốt nghiệp năm 1993, làm anh thợ vẽ lang thang nhưng mang lại cho anh nhiều kiến thức thực tế của cuộc sống. Cuối năm 1999, anh theo bạn vào huyện Bến Cát (Bình Dương), với suy nghĩ đến một miền đất mới để rũ bỏ đi những đen đủi cuộc đời. Không làm “bôi sĩ”, anh quyết định cùng vợ làm giàu bằng cách mở một cửa hàng kinh doanh thuỷ sản. Cả ngày lấn bấn với tôm, cua, ghẹ, mực nên chẳng còn thì giờ đứng bên giá vẽ. Sau 7 năm mở cửa hàng kinh doanh (2001-2007) vốn liếng ấm tay, vợ chồng anh huy động thêm vốn của 2 bên nội, ngoại mua được 60 ha cao su. Nhưng “số khó làm chẳng nên giàu”. Cao su mất giá, đành bán rừng cao su lấy tiền trả lương cho công nhân.

Trắng tay, lòng suy nghĩ ngẩn ngơ mất nửa năm mới lại hồn. Nhìn ngôi nhà chống rỗng không có tài sản gì đáng giá, hằng ngày vợ phải tần tảo bên quầy bán thịt bò nuôi chồng, con. Ngồi không mãi cũng chán, anh nhúc nhắc giúp vợ việc bán, mua, khi rảnh rỗi lại đi sưu tập những gốc cây, mảnh đá về đẽo gọt thành hình các con vật để trang trí trong nhà. Anh trải lòng với tôi: Nhờ học hội hoạ, nên khi chuyển sang làm điêu khắc tôi cũng không gặp khó khăn gì. Hai tác phẩm điêu khắc đầu tay của tôi là tác phẩm “Vẻ đẹp thiếu nữ” và tác phẩm “Lan rừng”. Sau đó tôi có tác phẩm phỏng theo tấm ảnh “Em bé chạy bom na pan” để phản đối chiến tranh trên chất liệu gỗ. Tác phẩm “Mất sừng”, một con tê giác được tôi gọt tỉa bằng gốc cây tự nhiên. Anh dừng lời, chạy vào trong gian trưng bày lấy cho chúng tôi xem khẩu súng bị bẻ cong nòng, bên cạnh treo 1 con chim bị bắn chết. Tác phẩm có lời tựa “Cấm bắn chim” làm trên gỗ Trắc; lát sau anh lại lấy cho chúng tôi xem tác phẩm cô gái người Chăm đang nhón chân lội qua suối. Anh bảo: Bất cứ mảnh gỗ, gốc cây nào rơi vào tay tôi đều trở thành nghệ thuật. Đương nhiên phải là gỗ tốt, như thế tác phẩm mới có tuổi thọ cao.

Nhưng tác phẩm điêu khắc của anh lần đầu trở thành hàng hoá không phải được thực hiện trên các chất liệu gỗ lũa, gốc cây tự nhiên, mà được thực hiện trên một chiếc đầu bò phơi khô, trên đó có hoạ tiết hình mặt lạ của thổ dân da đỏ.

Thế mới hay, cái nghề điêu khắc cũng có nhiều nghiệt ngã. Không ít tác phẩm điêu khắc anh phải mài, đục mỗi ngày một chút như sợ đau khúc gỗ. Anh tâm sự: Tôi mang các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật của mình về Thái Nguyên trưng bày, với suy nghĩ được tri ân mảnh đất nơi mình cất tiếng khóc chào đời. Và tri ân những người thầy của tôi đã quá cố. Còn tham vọng, tôi đang có dự định đưa vợ con trở về với “chùm khế ngọt”, được trở thành hội viên Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.