Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, không có đơn đặt hàng, thiếu vốn để sản xuất; có cơ sở phải đóng cửa, một số cơ sở thì hoạt động cầm chừng… Đó là tình trạng chung của hai làng nghề sản xuất đồ mộc trên địa bàn huyện Phổ Yên hiện nay.
Nhớ lại thời điểm cách đây vài năm, Làng nghề mộc mỹ nghệ Cẩm Trà, xã Trung Thành lúc nào cũng có tiếng máy cưa, máy xẻ gỗ kêu ròn rã, những chiếc xe chở hàng ra vào tấp nập. Hoạt động của Làng nghề đã tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 2 - 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng, từ cuối năm 2011 trở lại đây thì khác hẳn. Các xưởng đóng cửa im ỉm, bên trong, hàng hóa được xếp ở góc nhà. Do không bán được hàng nên người dân không có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất.
Ông Trịnh Anh Sáu, Trưởng xóm Cẩm Trà cho biết: Nghề mộc đã xuất hiện ở đây khoảng 3, 4 chục năm. Ban đầu chỉ có vài hộ sản xuất nhỏ lẻ. Dần dà, xóm đã có gần 200 hộ làm nghề mộc và được công nhận Làng nghề vào năm 2009. Cùng với cấy lúa, phát triển nghề mộc đã giúp bà con giải quyết công ăn việc làm trong lúc nông nhàn, góp phần tăng thu nhập. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 trở lại đây, tình hình kinh tế suy thoái, sản phẩm làng nghề làm ra không có nơi tiêu thụ.
Từ chỗ có 150 xưởng hoạt động thì nay chỉ còn 30 - 40 xưởng hoạt động cầm chừng để giữ chân công nhân. Sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm, ứ đọng, người dân cũng không có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất. Trước khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, nhiều hộ đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất, chuyển sang làm những vật dụng do tư thương đến đặt mua như: đồ thờ, hoành phi, câu đối…
Chị Nghiêm Thị Duyên, người dân trong xóm nói: Năm ngoái, trung bình mỗi tháng nhà tôi bán được trên 100 triệu tiền hàng thì nay chỉ còn được khoảng 20 triệu, thậm chí có tháng không bán được sản phẩm nào. Đầu năm 2012, tôi đã chuyển làm con tiện cầu thang sang làm đồ thờ, sập, gụ. Nhưng để làm được 1 sản phẩm này cũng đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Vì thế, chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tại Làng nghề mộc Giã Trung, xã Tiên Phong, việc tiêu thụ hàng hóa cũng không “khá” hơn là mấy. Sản phẩm của làng nghề chủ yếu là hàng xuất khẩu như: giường, tủ, sập, gụ… với giá trung bình 20 triệu đồng/chiếc nên hàng tồn đã khiến người dân “đói vốn” để đầu tư.
Anh Dương Văn Công, người thôn Giã Trung cho biết: Hiện, nhà tôi còn 20 chiếc giường và 4 chiếc tủ trị giá gần 500 triệu đồng chưa bán được vẫn xếp trong kho. Tôi rất mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tìm đầu ra cho sản phẩm và tạo điều kiện giảm thuế và hỗ trợ cho vay vốn để bà con chúng tôi tiếp tục đầu tư sản xuất.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, hai làng nghề mộc nói trên lúc hưng thịnh đã tạo việc làm cho trên 500 hộ với khoảng 1.800 lao động, thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/người/tháng. Nhưng đến nay, đứng trước khó khăn về thị trường tiêu thụ, một số cơ sở lớn có tiềm lực về vốn thì duy trì hoạt động cầm chừng, còn đại đa số các cơ sở sản xuất nhỏ thì đã đóng cửa vì thiếu vốn.
Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Việc hàng hóa tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2012 này, chúng tôi đặt mục tiêu phấn đấu giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 5,7 tỷ đồng, nhưng với tình hình như hiện nay chắc là khó đạt. Trước khó khăn của làng nghề, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất năng động tìm kiếm thị trường, đồng thời phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện tăng cường thực hiện phương án giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm thương mại… Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng chỉ có thể tạo điều kiện về thủ tục giấy tờ, giải phóng mặt bằng cho các hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất, vay vốn.
Ngoài ra, các hộ dân cũng cần chủ động trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tạo dựng thương hiệu riêng, cùng với đó là nâng cao trình độ, tay nghề của người lao động để chất lượng sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường...