Đây được xem là diễn đàn quy mô và thiết thực với sự tham dự của khoảng 200 doanh nghiệp Việt đến từ 12 quốc gia
“Phát triển hệ thống bán lẻ, hệ thống nhà hàng và các loại hình dịch vụ, góp phần ổn định hoạt động kinh doanh của cộng đồng người Việt tại Châu Âu” là chủ đề Diễn đàn doanh nghiệp Châu Âu lần thứ 6 vừa diễn ra ngày 27/10 tại Trung tâm thương mại Sapa ở thủ đô Praha, Cộng hòa Czech.
Đây được xem là một trong những diễn đàn quy mô và thiết thực nhất từ trước tới nay với sự tham dự của khoảng 200 doanh nghiệp Việt đến từ 12 quốc gia, các Đại sứ của Việt Nam tại 6 nước Châu Âu và đặc biệt có sự tham dự của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Hội bảo trợ người Việt Nam ở nước ngoài.
Với chủ đề rất rõ ràng, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu lần thứ 6 tập trung vào hai vấn đề lớn là phát triển xây dựng hệ thống bán lẻ, coi đó là cốt lõi để cộng đồng người Việt có thể phát triển lâu dài, hòa nhập vào nước sở tại và tìm kiếm những hướng kinh doanh mới, thị trường mới, đa dạng hóa kinh doanh.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đến từ nhiều quốc gia, cả Đông và Tây Âu đã cùng chia sẻ tình hình tại địa bàn mình và những suy nghĩ, tâm tư về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
“Có thể tìm thấy nhiều cơ hội trong khủng hoảng”, đó là ý kiến của không ít doanh nhân Việt Nam tại Diễn đàn lần này. Và theo nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, nguyên Chủ tịch Hội bảo trợ người Việt Nam ở nước ngoài thì đó là một “tinh thần rất Việt Nam” : “Trong tình hình kinh tế thế giới khó khăn tác động đến tất cả các nước, tôi thấy doanh nghiệp của chúng ta cả trong nước và ở nước ngoài đều không chờ đợi, càng không buông tay, mà cố gắng nghiên cứu thảo luận để tìm ra hướng đi của mình, phấn đấu vươn lên. Phần nào của Nhà nước thì Nhà nước phải sửa, về chính sách, về cơ chế; phần nào của doanh nghiệp chúng ta phải tìm những bài học liên kết lại, trao đổi để hướng dẫn nhau phát triển. Tôi nghĩ đó là tinh thần Việt Nam, tinh thần tiến công cách mạng, trong bất kỳ trường hợp nào chúng ta đều không chờ đợi”.
Đa số các doanh nhân Việt Nam tham dự diễn đàn đều công nhận thực tế rằng vấn đề phát triển các hệ thống bán lẻ còn chưa được chú trọng. Tại Đông Âu, dù các doanh nghiệp Việt Nam đã có chỗ đứng khá vững chắc với những mô hình chợ rồi nay là trung tâm thương mại lớn nhưng chủ yếu vẫn là bán buôn nên hiệu quả giảm sút khi gặp khủng hoảng; trong khi đó tại Tây Âu, các cửa hàng bán lẻ của doanh nghiệp Việt nam còn nhỏ lẻ, rời rạc, không có sự liên kết thành hệ thống.
Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên đoàn các Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu nhấn mạnh một số vấn đề mà các doanh nghiệp Việt tại Châu Âu cần tìm giải pháp: “Chúng ta xây dựng nhiều trung tâm thương mại, trong khi đó lại lơ là việc xây dựng các hệ thống bán lẻ- điều cốt lõi đảm bảo sự phát triển lâu dài. Chúng ta chưa đặt vấn đề nghiêm túc trong phát triển, tìm kiếm đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của cộng đồng người Việt, chưa kết hợp với các doanh nghiệp sở tại để tận dụng các điều kiện kinh tế của họ. Chúng ta cũng chưa có sự kết hợp giữa tính năng động của các doanh nghiệp ở các nước Đông Âu với sự làm việc bài bản của các doanh nghiệp ở các nước Tây Âu… Rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ”.
Về hướng phát triển hệ thống bán lẻ, các doanh nhân Việt Nam tại Châu Âu tham dự diễn đàn đều nhất trí rằng thực lực của các doanh nghiệp Việt nam hiện nay không đủ mạnh để cạnh tranh với các tập đoàn phân phối bán lẻ khổng lồ ở Châu Âu. Do đó, cần tập trung xây dựng các hệ thống cửa hàng nhỏ, tại các địa bàn vùng sâu vùng xa, nơi không có các siêu thị lớn ; phát huy lợi thế lớn nhất của người Việt là “cần cù, chăm chỉ” để đạt hiệu quả cao trong bán lẻ.
Ông Trần Đăng Chung, đại diện Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga phân tích: “Phát triển hệ thống bán lẻ sẽ giúp hoàn thiện chuỗi phân phối của người Việt, giúp các doanh nghiệp trong nước hoạt động tốt. Vấn đề là chúng ta thâm nhập vào chuỗi các hệ thống bán lẻ như thế nào? Khó có thể mở các đại siêu thị, do các tập đoàn lớn đã có sẵn thương hiệu, có thời gian trả chậm đến 60-120 ngày, chúng ta không làm được. Việc mở hệ thống bán lẻ quy mô nhỏ phù hợp hơn với các doanh nghiệp Việt nam, mở các chuỗi cửa hàng”.
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại Châu Âu cũng cho rằng việc phát triển các hệ thống bán lẻ cũng sẽ giúp cải thiện một số nhược điểm lớn của người Việt khi ra nước ngoài làm ăn buôn bán, là cạnh tranh lẫn nhau không lành mạnh, phá giá lung tung dẫn đến các bên đều thiệt hại; hay sự kết nối với các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa ở trong nước còn lỏng lẻo do không chắc chắn nguồn ra…
Cũng tại diễn đàn, ngoài thảo luận về hoạt động kinh doanh, đại diện các doanh nghiệp Việt nam tại Châu Âu đã nghe bà Trương Mỹ Hoa, hiện là Chủ tịch Quỹ học bổng Vừa A Dính giới thiệu chương trình mới « Vì học sinh Trường Sa thân yêu ». Các doanh nhân Việt Nam đã cùng nhất trí sẽ ủng hộ cụ thể cho chương trình này, để xây dựng một ngôi trường trên đảo Trường Sa lớn cho các em học sinh trên đảo giữ được cái chữ, tiếp nối công cuộc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ở nơi gian khổ, thiếu thốn nhất của đất nước./.