Doanh nghiệp vốn FDI: Ổn định trong gian khó

08:05, 11/10/2012

Trong khi nhiều khu vực công nghiệp, doanh nghiệp đang gặp muôn vàn khó khăn thì điều ngạc nhiên là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn tỉnh lại đang hoạt động khá ổn định. Dường như các doanh nghiệp này không phải “hứng trận bão” nào vậy.


Để tìm hiểu điều này, chúng tôi đã tiếp xúc với lãnh đạo một số doanh nghiệp FDI tiêu biểu đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ông Yasuo Ando, Tổng giám đốc Công ty TNHH Mani Hà Nội thông tin, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn giữ nhịp độ ổn định. Từ đầu năm đến nay, Công ty đạt doanh thu thuần là trên 10 triệu USD, tương đương với doanh thu cùng kỳ năm ngoái, nộp ngân sách trên 900 nghìn USD, giải quyết việc làm cho 1.850 lao động địa phương. Sản phẩm của doanh nghiệp là dụng cụ y tế chất lượng cao, chủ yếu xuất khẩu nên đầu ra không phải vấn đề lo ngại.

 

Đại diện Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Hà Nội, ông Kim Hwan Oh, Phó Tổng giám đốc cũng cho hay, do ổn định cả đầu vào lẫn đầu ra (chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm) nên doanh nghiệp không chịu tác động lớn của tình hình khó khăn trong nước. 9 tháng qua, đơn vị đạt doanh thu khoảng 900 nghìn USD (tăng nhẹ so với cùng kỳ), trong đó xuất khẩu đạt 873 nghìn USD, số còn lại là giá trị nội tiêu. Sản phẩm của doanh nghiệp là các mặt hàng gia công may mặc.

 

Mặc dù mới đi vào hoạt động và chỉ vận hành khoảng 10% công suất, nhưng Công ty TNHH Banpo Việt Nam (chuyên hàng may mặc) cũng đã có doanh thu tương đối, khoảng 300 nghìn USD. Theo ông Hyung Kun Kim, Giám đốc Công ty thì 100% sản phẩm của doanh nghiệp là xuất khẩu, hoạt động của đơn vị tại Thái Nguyên chủ yếu là gia công may mặc.

 

Đối với Công ty TNHH NatSteelVina, 9 tháng qua doanh thu thuần cũng đạt khoảng 50 triệu USD, đảm bảo việc làm và thu nhập cho 216 lao động địa phương. Mặc dù thị trường thép trong nước đang rất khó khăn, song doanh nghiệp này vẫn lo được một phần lớn đầu ra.  

 

Theo đánh giá của sở Công Thương thì 9 tháng năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh đạt 567 tỷ đồng, tăng tới gần 20% so với vùng kỳ năm trước. Báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài của Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, doanh thu của các doanh nghiệp FDI từ đầu năm đến nay tuy có giảm đôi chút so với cùng kỳ năm 2011, nhưng nộp ngân sách lại tăng khá mạnh (từ 0,249 triệu USD lên 0,68 triệu USD). Sự thụt giảm đôi chút của khu vực này là do sản phẩm thép xây dựng thiếu thị trường.

 

 

Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, sở dĩ các doanh nghiệp vốn FDI trên địa bàn vẫn phát triển ổn định là bởi khu vực này không chịu nhiều tác động từ những khó khăn của nền kinh tế trong nước. Hầu hết, từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra của khu vực này đều ít tham gia ở thị trường nội địa. Ví dụ, toàn bộ nguyên liệu thép cao cấp để sản xuất dụng cụ y tế của Công ty TNHH Mani Hà Nội đều được nhập từ nước thứ 3 với đơn đặt hàng khá ổn định.

 

9 tháng qua, đơn vị đã nhập khẩu nguyên liệu sản xuất với giá trị lên tới trên 6 triệu USD. Đi theo đó, sản phẩm làm ra của Công ty này cũng xuất khẩu 100%. Theo ông Đàm Văn Yên, Trưởng phòng Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư) thì hầu hết các doanh nghiệp FDI tiêu biểu trong tỉnh đều xuất khẩu các sản phẩm làm ra. Họ có đối tác chiến lược, lâu dài và tin cậy nên không mấy khi bị dao động về lao động, việc làm.

 

Tuy vậy, một thực tế cho thấy quy mô sản xuất của các doanh nghiệp FDI trong tỉnh còn nhỏ, nên sự đóng góp của khu vực này đối với toàn ngành công nghiệp địa phương là không nhiều. Ông Đàm Văn Yên cho biết: Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực này chỉ chiếm khoảng 5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả tỉnh. Bởi thế, tỉnh ta đang đề nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép tới đây được tổ chức Hội nghị xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài tại địa phương để từ đó có cơ hội tiếp cận và mời gọi các nhà đầu tư lớn, các công ty đa quốc gia đến với Thái Nguyên, góp phần tạo sự chuyển biến cho khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Toàn tỉnh hiện có 27 dự án vốn FDI, trong đó có 11 dự án nằm trong các khu, cụm công nghiệp. Hiện tại có 20 dự án đã đi vào hoạt động (6 dự án trong khu, cụm công nghiệp và 14 dự án bên ngoài), số còn lại do mới cấp hoặc đang trong quá trình xây dựng.