Cây chè đã có trên đất Tân Linh (Đại Từ) từ vài chục năm nay. Người dân nơi đây đều trồng và chăm sóc chè theo phương pháp truyền thống nên giá bán thấp hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường. Vì thế, khi Ban Quản lý Dự án Chè (Sở Nông nghiệp và PTNT) triển khai mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, 55/90 hộ dân trong xóm 11 đã hào hứng tham gia và bước đầu mang lại hiệu quả về chất lượng, giá cả được nâng lên... Ông Nguyễn Văn Định, Trưởng xóm 11, đã nói với chúng tôi như vậy.
Xóm 11 là xóm có diện tích chè nhiều của xã Tân Linh và cũng là xóm có sản phẩm chè chất lượng cao so với các xóm, xã khác trong vùng. 100% số hộ dân của xóm đều trồng chè, với diện tích trên 70ha, trong đó bà con đã chuyển đổi khoảng 30ha sang trồng chè cành với các giống: Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Chè lai 1…
Chị Lôi Thị Thoăn, người dân trong xóm cho biết: Gia đình tôi trồng trên 1ha chè, trong đó có 0,6ha đã chuyển đổi sang trồng chè cành, diện tích còn lại là giống chè trung du. Khi có thông báo triển khai mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, gia đình tôi đã đăng ký thực hiện trên diện tích 0,6ha. Tham gia mô hình, chúng tôi được cán bộ về tận xóm tập huấn, được mời đi dự các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật ở huyện, ở tỉnh về cách trồng, chăm sóc và chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGap. Gia đình tôi đã làm chè nhiều năm nay, quả thật, thời gian đầu áp dụng, tôi thấy khó, phức tạp, nhiều bước tưởng chừng không cần thiết… nhưng sau mấy lứa thu hoạch tôi thấy rằng: Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap có ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với cách làm truyền thống, chè trước khi đưa ra thị trường được đóng gói bằng máy hút chân không, bảo quản được trong thời gian dài hơn, được khách hàng tin dùng, giá bán cũng tăng lên.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT việc sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP đã hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động trong sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Dù năng suất chè búp tươi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn không đáng kể so với diện tích chè ngoài mô hình nhưng sản phẩm chè búp khô sẽ không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đạt tiêu chuẩn theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chè của xóm, ông Nguyễn Văn Định, Trưởng xóm 11, Tổ trưởng Tổ sản xuất chè theo quy trình VietGap, giới thiệu: Mô hình sản xuất theo quy trình VietGap được triển khai trên địa bàn xóm từ tháng 5/2012, có 55 gia đình đăng ký với diện tích 18ha. Nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của Dự án về kinh phí và đầu tư thiết bị nhà xưởng, các hộ dân lại tận dụng được rơm rạ dư thừa để sản xuất chè theo quy trình mới nên mấy lứa chè gần đây chè phát triển đều hơn và bán được giá hơn. Có thời điểm, giá bán lên đến 400.000 đồng/kg chè cành, cao nhất từ trước đến nay và hầu như chè an toàn sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Từ khi thực hiện mô hình đến nay, năng suất, chất lượng sản phẩm chè của xóm được nâng lên, năm 2012, chè chính vụ năng suất đạt trên 12 tấn/ha, cao hơn khoảng 10% so với trước; giá bán bình quân 150.000 đồng/kg, chè cành giá 250.000 đồng/kg, cao hơn so với sản phẩm chè ngoài mô hình 20-30 nghìn đồng/kg…
Hiệu quả về kinh tế thì đã rõ, nhưng có lẽ cái được nhất đó là làm chuyển đổi nhận thức của người dân trong việc trồng và chế biến chè theo quy trình sản xuất sạch, đảm bảo chất lượng. Trước đây, người dân đã quen sử dụng phân sinh học chưa qua xử lý để bón cho chè, không quan tâm nhiều đều thời gian cách ly sau phun thuốc thì nay họ đã biết dùng phân vi sinh, thuốc bảo vệ chuyên sử dụng cho cây chè; ghi chép đầy đủ và tuân thủ thời gian cách ly mỗi lần phun cũng như thu hái; trong chế biến thì từ sản xuất chè phơi, giờ đã có ý thức chế biến chè sạch, ngon, sau chế biến dùng nong nia để đựng chè thay vì đổ chè dưới đất như trước…
Đối với những hộ dân không tham gia mô hình cũng đã chủ động đưa các loại chè giống mới chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng như: Keo Am Tích, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên... vào trồng thay thế các những diện tích chè Trung du đã già cỗi, góp phần nâng cao giá trị của cây chè và họ cũng bắt đầu hình thành ý thức sản xuất chè sạch vì thấy chè hàng xóm dễ bán lại được giá...
Nói về hiệu quả của quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGap, ông Lê Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Đây là mô hình mới nhưng khi được cán bộ khuyến nông phổ biến, bà con hào hứng tham gia, thực hiện đúng theo yêu cầu của tiêu chuẩn VietGap. Chúng tôi dự kiến công nhận diện tích chè thực hiện theo quy trình VietGap tại xóm 11 vào cuối năm nay. Huyện đang thí điểm trồng chè theo tiêu chuẩn Việt Gap tại hai xã La Bằng và Phú Lạc. Với quyết tâm đưa cây chè trở thành một trong những cây kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình này lên 330ha (trong tổng số 4.500ha chè của toàn huyện), góp phần làm dài thêm danh sách những địa phương sản xuất chè sạch, tiến tới sẽ thành lập làng nghề sản xuất chế biến chè, nhằm nâng cao uy tín, thương hiệu cho sản phẩm chè Đại Từ nói riêng, chè Thái Nguyên nói chung…