Hồ tích nước bị... thoát nước

14:29, 07/10/2012

Gần chục năm nay, cứ mỗi vụ mùa là các hộ dân của xóm Cây Thị, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) lại canh cánh nỗi lo thiếu nước để phục vụ sản xuấ nông nghiệp. Nguyên nhân là do hồ chứa nước của xóm đã lâu không được bảo dưỡng nên bị thẩm thấu, nước rò rỉ ra ngoài.

Tìm hiểu về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nước sản xuất của bà con xóm Cây Thị, ông Bàn Văn Tiên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Công trình hồ chứa nước của xóm Cây Thị được xây dựng từ năm 1998 với tổng mức đầu tư trên 800 triệu đồng. Hồ có trên 2ha diện tích mặt nước với độ sâu 7,5m, đảm bảo nước tưới cho 40ha lúa và hoa màu của hai vụ mùa chính trong năm. Cả xóm Cây Thị có gần 60 hộ được hưởng lợi từ công trình này.

 

 

Từ năm 2003 trở lại đây, lượng nước ở trong lòng hồ giảm quá nhanh khiến bà con hoang mang, lo lắng. Mỗi đợt mưa là hồ đầy nước nhưng chỉ sau mấy ngày thì nước ở hồ tụt xuống trông thấy. Năm 2004, Chi cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn tỉnh (chủ Dự án) đã xuống kiểm tra và nghi là bị thấm nước, rò rỉ qua thân đập nên đã cho bảo dưỡng lại từ dưới chân đập lên đến đỉnh nhưng tình trạng thoát nước vẫn xảy ra.

 

Không có kinh phí sửa chữa nên xã đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên huyện nhưng từ đó đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nếu như trước đây hồ chưa bị hỏng thì mỗi năm bà con cấy được hai vụ, giờ chỉ cấy được một vụ lúa mùa mà nước trong hồ cũng chỉ đủ cung cấp cho khoảng 50% diện tích. Vụ lúa chiêm xuân, do lượng mưa ít nên nước trong hồ gần như cạn kiệt, 2/3 diện tích đất ruộng được bà con chuyển sang trồng ngô và cây rau màu. Chỉ những hộ có ruộng gần các khe suối hoặc gần nhà mới trồng được 2 vụ lúa/năm nhưng phần lớn các hộ đều phải sử dụng máy bơm để đưa nước từ giếng hoặc từ các ao, suối ra ruộng.

 

Chị Tống Thị Long, một người dân trong xóm đang làm tại thửa ruộng gần hồ cho biết: Nhà tôi có 5 sào ruộng nhưng cứ đến vụ chiêm xuân là khô hạn, nứt nẻ nên tôi chỉ cấy được khoảng 2 sào. Để có nước cho lúa thì cứ cách một tuần tôi lại phải cắm máy bơm liên tục cả ngày lẫn đêm để đưa nước từ khe suối về đồng, tốn tiền điện lắm nhưng không làm thế thì chết hết lúa. Hồ đập thì đã bị hỏng mấy năm nay, không trữ nước được nữa.

 

Chị Đặng Thị Thoa, nhà chỉ có hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ nhưng mấy năm nay chị phải đong thêm ít nhất 5 tạ gạo/năm mới đủ ăn. Tâm sự với chúng tôi, chị thoa cho biết: Cả nhà tôi chủ yếu trông vào 3 sào ruộng thì mỗi năm chỉ cấy được 1 vụ mà còn không đủ nước để dưỡng cho lúa. Vào mùa khô hạn tôi phải chuyển sang trồng ngô và cây rau màu.

  

Ông Bàn Văn Long, Trưởng xóm Cây Thị cho hay: Đây là xóm 135 đặc biệt khó khăn của xã Cây Thị, 100% số hộ là người dân tộc Dao. Xóm có 140 hộ thì 2/3 số hộ thuộc hộ nghèo, đời sống của bà con phụ thuộc vào cây ngô, cây lúa. Khi Nhà nước có chương trình làm hồ tích nước thì một số hộ trong xóm đã tự nguyện hiến đất và di dời cả nhà cửa để lấy mặt bằng làm công trình.

 

Từ khi hồ được đưa vào sử dụng đến nay đã quá lâu mà không được bảo dưỡng thường xuyên nên không còn khả năng tích nước. Lúa vụ chiêm xuân bao giờ cũng cho thu hoạch cao hơn lúa mùa khoảng 5 tạ/ha thì bà con lại không có nước để cấy, chỉ năm nào mưa nhiều thì may ra bà con mới được cấy hai vụ. Giờ chúng tôi chỉ mong sao hồ tích nước của xóm sẽ sớm được sửa chữa để bà con yên tâm sản xuất, góp phần làm vơi bớt khó khăn.

 

Trước thực trạng xuống cấp của hồ tích nước xóm Cây Thị, thiết nghĩ các ban, ngành chức năng sớm có giải pháp nâng cấp, tu sửa lại hồ. Có như vậy, bà con nông dân mới không phải…”trông trời” chờ nước khi vụ mùa đến.