Hỗ trợ kiến thức cho nông dân

10:13, 12/10/2012

Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) huyện Đại Từ, mỗi năm có khoảng 12.000 lao động nông thôn đăng ký đào tạo nghề. Nhưng, chỉ tiêu tỉnh giao cho huyện lại rất thấp, cụ thể như năm 2012, huyện được giao chỉ tiêu dạy nghề cho 265 lao động, (trong đó có 55 lao động là đối tượng chính sách).

Để khắc phục thực trạng này, những năm qua huyện đã chủ động khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề cho nông dân. Hiện nay, huyện đã và đang liên kết với các trung tâm dạy nghề trong tỉnh và ngoài tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp: Trung tâm Dạy nghề phụ nữ 20-10 (Hội LHPN tỉnh), Trung tâm dạy nghề Dân tộc nội trú (Sở LĐ-TBXH), Công ty Xuất nhập khẩu Thái Nguyên… mở các lớp đào tạo nhóm nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

 

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, huyện đã mở được 40 lớp, với trên 1.300 lao động về chăn nuôi thú y, bảo vệ thực vật, sửa chữa máy nông nghiệp, may công nghiệp, trồng trọt và chăm sóc chè, kỹ thuật sản xuất chè an toàn, nuôi trồng và sản xuất nấm…; Giải quyết việc làm cho 2.380 lao động, đạt 88% kế hoạch năm.

 

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện giới thiệu xã La Bằng là địa phương có nhiều lao động nông thôn được đào tạo nghề và áp dụng hiệu quả kiến thức đã học được vào thực tế. Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Văn Minh, Chủ tịch Hội Nông dân xã La Bằng cho biết: Thông qua khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân, mỗi năm, xã phối hợp tổ chức 2-3 lớp đào tạo nghề cho nông dân và hàng chục lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi cho bà con.

 

Hiện nay, chúng tôi đang tổ chức lớp học nghề trồng nấm cho 35 học viên, hiện nay, các học viên đã học xong phần lý thuyết, còn 2/3 thời gian dành cho học viên thực hành và trồng thử tại gia đình mình. Những kiến thức người dân được cung cấp đều rất gần gũi với công việc nhà nông… nên họ hào hứng tham gia và đi học đầy đủ. Hầu hết các nông dân đã qua các lớp đào tạo nghề đều áp dụng hiệu quả kiến thức được học vào phát triển kinh tế gia đình…

 

Ông Minh dẫn chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi lợn nái của gia đình anh Nguyễn Văn Duyệt, xóm Tiến Thành, xã La Bằng. Anh Duyệt cho biết: Gia đình tôi chăn nuôi lợn khoảng 6-7 năm nay nhưng đều theo kinh nghiệm và tự học qua sách, báo. Khi được tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức, chúng tôi mới hiểu thêm nhiều điều. Để chăn nuôi hiệu quả cần quan tâm đến nhiều yếu tố, trong đó yếu tố môi trường rất quan trọng mà bấy lâu nay người dân chúng tôi không để ý, chỉ chú trọng đến thức ăn, tiêm phòng dịch cho đàn lợn. Mùa này, lợn thường mắc bệnh tai xanh, dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng… nên ngày nào tôi cũng quan sát, thăm chuồng để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

 

Gặp anh Nguyễn Mạnh Thơm, xóm Đồng Tiến, xã La Bằng, 1 trong số 35 học viên được tham gia lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc chè và sửa chữa máy nông cụ do Trung tâm dạy nghề huyện triển khai. Từ những kiến thức học được, mỗi khi máy nông cụ của gia đình bị hỏng, anh Thơm không phải mang ra thợ như trước nữa mà có thể tự sửa. Các học viên đã thành lập nhóm tự sửa máy nông cụ của gia đình và bà con xung quanh…

 

Ông Nguyễn Hữu Quyết, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Đại Từ cho biết: Năm 2012, chúng tôi được cấp kinh phí để đào tạo nghề cho 265 lao động, nhưng ngay từ đầu năm, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các cơ sở sản xuất, các công ty, doanh nghiệp làm tốt công tác tư vấn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động, tiêu biểu như liên kết với Công ty TNHH Triumph Intenational Việt Nam duy trì việc làm ổn định cho 224 lao động; liên kết với Ban quản lý Dự án chè (Sở Nông nghiệp và PTNT) tổ chức các lớp dạy nghề sản xuất chè an toàn cho các địa phương có diện tích chè lớn; liên kết với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và nông lâm Đông Bắc Lạng Sơn đào tạo hệ trung cấp nghề…

 

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã mở được 27 lớp đào tạo nghề cho trên 1.700 người tham gia, trong đó trình độ sơ cấp cho 511 lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên cho 608 người, dạy nghề cho đối tượng chính sách xã hội là 57 người; liên kết đào tạo lái xe cho 56 học viên... Bên cạnh đó, Trung tâm còn mở được 8 hội nghị tư vấn học nghề và việc làm cho trên 700 lượt lao động, giải quyết việc làm tại chỗ cho các học viên học nghề và giới thiệu việc làm cho 65 lao động đến làm việc tại các nhà máy trong và ngoài tỉnh…