Hội Nông dân với phong trào sản xuất kinh doanh giỏi

11:46, 13/10/2012

Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, vươn lên làm giàu chính đáng là một trong ba phong trào lớn được các cấp Hội nông dân trên địa bàn tỉnh tích cực chỉ đạo, triển khai thực hiện. Để Phong trào phát huy hiệu quả, hằng năm, Hội Nông dân tỉnh ký giao ước thi đua với Hội Nông dân các huyện, thành, thị, đồng thời giao chỉ tiêu bắt buộc để các cấp Hội tổ chức thực hiện. Theo đó, 100% cơ sở hội và chi hội nông dân trong tỉnh đã tổ chức cho hội viên (HV) đăng ký thi đua đạt danh hiệu SXKD giỏi. Năm 2012, đã có 61.202 lượt hộ đăng ký thi đua.

Nhiều năm qua, Tỉnh hội Nông dân đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, như: phối hợp với Công ty CP Vật tư Nông nghiệp tỉnh cung ứng giống và phân bón cho các HV. Tính riêng 2 năm gần đây, đã cung ứng được 10.196 tấn phân bón và 25 tấn giống các loại, trị giá trên 8 tỷ đồng; liên kết với Ngân hàng NN& PTNT tỉnh (giúp nông dân tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp) và Tổng Công ty Máy kéo và Máy Nông nghiệp Việt Nam cung ứng được 723 máy nông nghiệp các loại, với trị giá 15 tỷ đồng.

 

Hiện, Hội đang quản lý 1.015 tổ tiết kiệm vay vốn với 30.844 hộ vay, với tổng dư nợ hơn 596 tỷ đồng. Cùng với đó, các cấp Hội tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân, qua đó hỗ trợ vốn, giúp đỡ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Hội. Tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân hiện nay đạt xấp xỉ 17 tỷ đồng, trong đó của Trung ương là 6,5 tỷ đồng; quỹ tỉnh hơn 2,1 tỷ đồng; quỹ cấp xã hơn 8,3 tỷ đồng; vốn giải quyết việc làm 120 Trung ương hơn 1,7 tỷ đồng... các nguồn vốn này đã giúp cho hơn 3.000 gia đình hội HV để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, thông qua Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân của tỉnh, hàng năm, Hội đào tạo từ 400-500 HV về các nghề trồng trọt, chăn nuôi…

 

Nhờ được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều HV nông dân đã có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, trở thành các chủ trang trại trên nhiều lĩnh vực. Nhiều nơi đã hình thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước như chè ở Tân Cương, Đại Từ, Đồng Hỷ; gà đồi Định Hóa, Phú Bình; lúa Bao Thai, nếp Cái hoa vàng Định Hóa; miến dong Đồng Hỷ… Nhiều mô hình từ hộ cá thể liên kết hợp tác thành lập mô hình hợp tác xã (HTX). Điển hình như ở Công ty CP Nhật Sơn (Phú Lương), HTX nấm Hùng Sơn (Đại Từ) chuyên trồng nấm ăn và nấm dược liệu; HTX Chè La Bằng (Đại Từ)... Cùng với đó, các cấp hội cũng đã chỉ đạo, vận động hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trực tiếp giúp đỡ các hộ nông dân nghèo về vốn; giống cây, con; vật tư, kinh nghiệm sản xuất.

 

Trong 2 năm qua, HV nông dân các cấp đã đóng góp được hơn 3,9 tỷ đồng, hàng nghìn cây, con giống các loại, 66.700 ngày công với giá trị hơn 2 tỷ đồng để giúp HV nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Điển hình trong phong trào này là HV Phan Văn Vĩnh, xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt (Phú Bình). Từ chăn nuôi có mức thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm, ông Vĩnh có điều kiện giúp đỡ 3 gia đình HV nghèo thoát nghèo; HV Phạm Văn Phương, phố Hích, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) có mức thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ mô hình chăn nuôi, dịch vụ, cũng đã trực tiếp giúp đỡ 10 gia đình HV thoát nghèo; hay như HV Nguyễn Thị Nga, xóm Cây Châm, xã Động Đạt (Phú Lương) với mô hình trồng nấm thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm đã tạo việc làm  ổn định cho 30-40 lao động, với thu nhập ổn định 2-3 triệu đồng/người/tháng.

 

Kết quả phong trào thi đua Nông dân SXKD giỏi giai đoạn 2011-2012, toàn tỉnh có 47.738 hộ đạt tiêu chí Nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó có 1.432 hộ đạt cấp tỉnh (tăng 182 hộ so với giai đoạn 2009-2010). Ngoài ra, đã có 11 hộ gia đình được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 18 hộ được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen, 135 hộ được UBND tỉnh tặng Bằng khen... Có thể nói, Phong trào thi đua Nông dân SXKD giỏi trong những năm qua đã thực sự lôi cuốn, khích lệ hàng nghìn hộ nông dân phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm để vươn lên làm giàu, góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh.