Khẳng định các giá trị văn hóa mà người nông dân đã vun đắp

07:48, 10/10/2012

“Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam” là chủ đề chính của Tuần lễ triển lãm diễn ra từ ngày 12 đến 17/10 tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về hoạt động này, phóng viên Báo Thái Nguyên đã phỏng vấn đồng chí Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng.

P.V: Từ xưa đến nay, nông dân Việt Nam luôn có truyền thống đoàn kết, yêu nước, cần cù lao động, vai trò của nông dân là vô cùng quan trọng. Đồng chí nhận định như thế nào về vấn đề này?

 

Đồng chí Nguyễn Thị Ngân: Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã khẳng định nông dân là lực lượng to lớn và quan trọng của cách mạng Việt Nam. Người nông dân giữ vai trò quan trọng trong khối liên minh giữa giai cấp công - nông và tầng lớp trí thức, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, người nông dân vẫn là lực lượng gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, lấy hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ; năng động, mạnh dạn chuyển đổi HTX nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế vật nuôi, cây trồng; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo… Tất cả những cố gắng đó đã đưa nông nghiệp nước ta đạt được những thành tựu to lớn làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.

 

P.V: Theo đánh giá chung, tiêu đề của Triển lãm “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam” rất có ý nghĩa. Vậy, mục đích của hoạt động mang đậm nét văn hóa truyền thống này là gì, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Nguyễn Thị Ngân: Đây là hoạt động thiết thực, góp phần giới thiệu cho công chúng trong và ngoài nước nhìn lại những chặng đường lịch sử của Việt Nam, giúp công chúng hiểu sâu sắc hơn các giá trị văn hoá mà người nông dân đã vun đắp trong công cuộc chiến đấu, lao động sản xuất và xây dựng nông thôn mới. Qua Triển lãm, công chúng sẽ thấy rõ hơn hình ảnh của người nông dân nghèo khó trong thời Pháp thuộc, dần vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc từ khi đất nước giành được độc lập cho đến nay… Qua hoạt động này, công chúng hiểu hơn về giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu, đặc sắc của người nông dân trên mọi miền của Tổ quốc. Những giá trị văn hóa truyền thống của nông dân, nông thôn Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử đất nước sẽ gìn giữ, tôn vinh, thẩm thấu đối với các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, để mọi người cùng vượt qua khó khăn, chung sức xây dựng nông thôn mới theo chủ trương Đảng ta đã đề ra…

 

P.V: Những nội dung chính sẽ được giới thiệu tại Triển lãm là gì, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Nguyễn Thị Ngân: Trong khoảng thời gian 6 ngày sẽ có nhiều nội dung được giới thiệu, gồm: Triển lãm, trình diễn, giáo dục, chiếu phim, hội thảo, hội thi. Các nội dung được chia thành 3 giai đoạn lịch sử: Thời kỳ Pháp thuộc; thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc và thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

 

P.V: Có thể thấy, Triển lãm đã khái quát toàn bộ quá trình phát triển của nông dân, nông thôn Việt Nam từ trước đến nay. Vậy phần nội dung nào được đánh giá là quan trọng nhất, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Nguyễn Thị Ngân: Nội dung nào cũng được chúng tôi đánh giá là quan trọng. Mỗi nội dung đều gắn với người nông dân trong từng giai đoạn lịch sử, chứa đựng những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc riêng của nông dân, nông thôn Việt Nam. Ví dụ như trong giai đoạn trước năm 1945, bằng các trích đoạn trưng bày: Góc nhà của một gia đình địa chủ, một gia đình trung nông, một gia đình bần nông, công chúng sẽ thấy được sự phân tầng xã hội rất rõ nét. Người nông dân lúc này chủ yếu rơi vào tình cảnh bần nông, bần cố nông. Họ sống cơ cực vì không có ruộng, không có trâu cày, lại thêm chính sách cai trị hà khắc như thuế thân, chính sách nhổ lúa, trồng đay, sưu cao thuế nặng...

 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công người nông dân nô lệ trở thành người chủ đất nước, nhưng cuộc sống của người dân còn rất khó khăn vì phải trải qua hai cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Dù trong hoàn cảnh ác liệt của chiến tranh, người nông dân không quản hy sinh vất vả, phát huy sức mạnh đoàn kết, đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến.

 

Song hành với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, người nông dân Việt Nam đã có cày, có ruộng, dần phát triển công cụ sản xuất với những chiếc cày máy, máy tuốt lúa, cào cỏ… ngày càng được cải tiến, tiện lợi, hữu ích và năng suất hơn. Để phát huy sức mạnh toàn dân trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trở thành hậu phương vững mạnh của tiền tuyến lớn miền Nam, phong trào hợp tác xã đã kết tinh sức mạnh của toàn thể nông dân, công nhân và trí thức để làm ra của cải vật chất, vun đắp đời sống tinh thần dân tộc, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.

 

 Điều đáng mừng là trong công cuộc xây dựng xã hội ấy đã có rất nhiều cá nhân, tập thể biết sáng tạo, tìm tòi hướng đi cho nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển mới, như “khoán” Kim Ngọc (Vĩnh Phúc), “khoán chui” (Đồ Sơn)… Đó là tiền đề quan trọng, là những bước thực nghiệm chắc chắn, là cơ sở cho Đảng và Nhà nước ta có căn cứ khoa học và thực tiễn khi chuyển đổi sang cơ chế chính sách khoán trong nông nghiệp, ban đầu là khoán 100, sau đó đến khoán 10. Từ đây quan hệ sản xuất phù hợp với lực lượng sản xuất, công cụ sản xuất (trong đó có chiếc cày) ngày càng được cải tiến theo hướng hiện đại hoá, đời sống của người lao động - nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước - ngày càng được nâng cao.

 

Chúng tôi thiết nghĩ, thành quả của công cuộc đổi mới nông nghiệp, nông thôn là thành tựu của những chặng đường đã qua, là sự kết nối những giá trị truyền thống được Đảng ta, nhân dân ta vun đắp qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, trong thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh để xây dựng và phát triển đất nước.

 

P.V: Chất liệu (tài liệu) làm nên Triển lãm đặc sắc này được khai thác từ đâu, thưa đồng chí?

 

Đồng chí Nguyễn Thị Ngân: Chất liệu quan trọng của hoạt động văn hoá “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam” là ý tưởng, là sự tích cực hoạt động của 19 đơn vị tham gia (Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Trung tâm Triển lãm Văn hoá nghệ thuật Việt Nam, Viện Phim Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, Hội Nông dân Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Thái Nguyên, Báo Thái Nguyên, Báo Văn hoá, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên…); dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL); lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các cục, vụ trực thuộc Bộ VHTT&DL, các sở, ban, ngành chức năng trực thuộc tỉnh.

 

Nội dung Triển lãm “Chiếc cày và người nông dân các dân tộc Việt Nam” dựa trên những tài liệu, hiện vật điển hình về chiếc cày, nông cụ sản xuất, các làng nghề và các hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa (ăn, ở, mặc, cưới xin, lễ hội cộng đồng, tri thức) của những người nông dân, đang được lưu giữ tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và một số bảo tàng khác trong cả nước. Những hiện vật đó chứa đựng nhiều câu chuyện về văn hoá của người nông dân, phản ánh tính cách dung dị, chân chất, mộc mạc, chịu thương, chịu khó, một nắng hai sương tạo ra các sản phẩm của người nông dân, chính họ đã góp sức không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cho đất nước. Ngoài ra, Triển lãm còn có thêm không gian “Thi ca và người nông dân”; triển lãm tranh “Cảm xúc thời gian” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, T.P Thái Nguyên tham gia; Tuần phim về người nông dân Việt Nam của Viện Phim Việt Nam...

 

Cùng với hoạt động triển lãm, hàng loạt các hoạt động trình diễn văn hoá ẩm thực, văn hoá dân gian, trình diễn các hoạt động rèn đúc nông cụ, xay thóc giã gạo, quạt thóc, làm mũ rơm, đi cầu khỉ, nấu cơm bếp Hoàng Cầm… cũng diễn ra trong suốt một tuần hoạt động từ ngày 12 đến hết ngày 17/10. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, chào mừng 82 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam, 50 năm thành lập T.P Thái Nguyên.

 

P.V: Xin cảm ơn đồng chí!