Khó khăn trong xây dựng hạ tầng nông thôn mới ở Thịnh Đức

10:53, 31/10/2012

So với 8 xã còn lại của T.P Thái Nguyên đang tiến hành xây dựng nông thôn mới (NTM), Thịnh Đức là địa phương gặp nhiều khó khăn nhất trong việc phát triển hạ tầng nông thôn. Xã có địa bàn rộng, thưa dân, đời sống nhân dân còn gặp khó khăn, trong khi công tác tuyên truyền về xây dựng NTM chưa đạt kết quả tốt.

Thịnh Đức hiện đạt 9/19 tiêu chí xây dựng NTM, thấp nhất trong số 9 xã xây dựng NTM của T.P Thái Nguyên. Ông Đặng Quang Dần, Chủ tịch UBND xã Thịnh Đức cho biết: Thịnh Đức là xã miền núi, có địa bàn rộng và tương đối phức tạp, thưa dân, đời sống nhân dân còn khó khăn (xã có 6,95% hộ nghèo, năm 2011 thu nhập bình quân mới đạt 12 triệu đồng/người/năm, trong khi mức chung của thành phố đạt trên 40 triệu đồng/người/năm) nên việc huy động nhân dân đối ứng để xây dựng các công trình phúc lợi không dễ. Công tác tuyên truyền của xã về xây dựng NTM chưa đạt được kết quả như mong muốn, phần lớn người dân, thậm chí một bộ phận cán bộ cũng chưa nhận thức đúng và đầy đủ về chương trình này nên tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước còn phổ biến.

 

Tuy vậy, xã vẫn đặt ra kế hoạch đến hết năm 2015 sẽ đạt các tiêu chí còn lại về hạ tầng, trong đó hướng ưu tiên sẽ là điện, giao thông và thủy lợi. Lộ trình cụ thể theo từng năm đã được đưa ra trong Đề án xây dựng NTM của xã.

 

Xã Thịnh Đức có khoảng 70 km đường liên xã, liên xóm thì có 54 km đã được cứng hóa từ trước năm 2006 (mới có 2 km đạt tiêu chí NTM). Đầu năm 2012, xã đã lên kế hoạch và thuê thiết kế để làm 3 đoạn đường liên xóm, xã có tổng chiều dài 1,1 km, với mức đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng theo hình thức đối ứng 70/30 (nhân dân đối ứng 30% giá trị công trình). Tuy nhiên, việc vận động nhân dân đối ứng không đạt kết quả, người dân cho rằng “quá sức” nên xã, xóm buộc phải hoãn kế hoạch.

 

Trước thực trạng này, xã đã áp dụng cách làm mới (đối với địa phương) là chỉ đạo các xóm tổ chức họp bàn nhằm tuyên truyền và lấy ý kiến người dân trước khi đăng ký với xã kế hoạch làm đường; trong việc xây dựng và mở rộng những trục đường liên xã sẽ huy động sự đóng góp của tất cả người dân chứ không chỉ thu tiền đối ứng của những hộ dân gần khu vực đó. Được biết, qua cách làm này đã có 8 xóm đăng ký làm mới và mở rộng đường bê tông vào cuối năm nay, với tổng chiều dài 5 km. Ông Lâm Văn Sinh, Trưởng xóm Lượt 1 chia sẻ: Chúng tôi đã lên kế hoạch tổ chức họp dân để lấy ý kiến của bà con trước khi đăng ký với xã xin làm gần 100 mét đường trục của xóm. Ước tính tổng số tiền đối ứng khoảng 40 triệu đồng, mỗi nhân khẩu sẽ phải đóng góp 200 nghìn đồng (xóm có gần 190 nhân khẩu), chỉ khi có trên 70% người dân đồng ý thì xóm mới đăng ký làm đường. Có như vậy, việc triển khai mới khả thi.

 

Cùng với hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng thủy lợi và điện lưới  của Thịnh Đức cũng được đánh giá là yếu kém: Xã có 3 trạm bơm đều đã xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống kênh mương có tiết diện nhỏ nên không đáp ứng nhu cầu tưới, tiêu; tình trạng thiếu điện xảy ra phổ biến tại nhiều xóm, 100% đường dây hạ thế trên địa bàn (25 km) không đạt tiêu chuẩn… Ông Đặng Quang Dần cho biết thêm: Hằng năm, xã đều trích ngân sách để tu sửa và bảo dưỡng hệ thống thủy lợi. Về lâu dài, xã đã có văn bản đề nghị thành phố bố trí vốn để cải tạo các trạm bơm, xây mới và cải tạo hệ thống kênh mương, đồng thời tuyên truyền để người dân sẵn sàng đóng góp đối ứng theo quy định (số tiền đối ứng khoảng 1,5 tỷ đồng, chiếm 10%). Tháng 9 vừa qua, Ngành Điện đã khởi công xây dựng trạm điện chống quá tải tại khu vực xóm Đầu Phần, dự kiến trong tháng 11 sẽ có 3 trạm biến áp khác được khởi công tại những khu vực thiếu điện trầm trọng nhất. Hiện, xã đang chủ động các điều kiện để việc giải phóng mặt bằng đảm bảo tiến độ…

 

Theo bà Vũ Thị Bích Thủy, Phó Chủ tịch UBND T.P Thái Nguyên thì cùng với những nguyên nhân khách quan, công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng NTM của xã Thịnh Đức chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến người dân chưa nhận thức đẩy đủ về mục tiêu cũng như vai trò của họ trong quá trình này. Từ đó, việc vận động đóng góp đối ứng, huy động sức dân sẽ không thuận lợi. Thành phố đã và đang tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với xã Thịnh Đức trong công tác xây dựng NTM (từ đầu năm đến nay, lãnh đạo thành phố đã có 3 buổi làm việc với xã về các nội dung liên quan đến xây dựng NTM). Để Thịnh Đức không bị tụt hậu so với các xã khác trên địa bàn  trong tiến trình xây dựng NTM, thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ xã trong công tác tuyên truyền, cấp bổ sung vốn cho xã xây dựng những công trình hạ tầng theo thứ tự ưu tiên và lộ trình từng năm.