Làm giàu từ trồng nấm

10:30, 23/10/2012

Nhà có 10 sào đất ruộng, 10 sào đất trồng màu, mỗi năm thu hoạch được 3,5 tấn thóc, 1,5 tấn lạc... dư sức nuôi sống 1 gia đình có 5 nhân khẩu, gồm vợ chồng và 3 con nhỏ, nhưng bà Nông Thị Ngân, tổ 16, thị trấn Trại Cau (Đồng Hỷ) vẫn quyết định làm thêm nghề trồng nấm ăn, nấm dược liệu. Bà bảo: Trồng nấm là một nghề mới, mở ra nhiều cơ hội làm giàu cho nông dân, nên tôi đầu tư làm nấm và đã gặt hái được nhiều thành công.

Bên một triền đồi xanh rì bởi tán rừng, có một khoảng đất rộng hơn 300m2, trên đó có 2 dãy nhà xây cấp 4, bên trong treo đầy các bịch nấm.

Bà Ngân mộc mạc: Mấy ngày hôm nay, khách hàng từ Hà Nội, Hải Phòng và T.P Thái Nguyên liên tục gọi điện thoại đến đặt hàng. Họ bảo, bao nhiêu cũng lấy hết. Nhưng chúng tôi không có đủ sản phẩm đáp ứng yêu cầu của họ, vì quy mô sản xuất nấm của gia đình còn nhỏ, mỗi ngày chỉ thu hái được hơn 20kg nấm tươi.

Nói về quy mô, cơ sở sản xuất nấm của gia đình bà Ngân chỉ là “bậc đàn em” so với nhiều cơ sở sản xuất nấm khác trong tỉnh. Nhưng cơ sở của bà được nhiều người quan tâm, chú ý, bởi đây là cơ sở sản xuất nấm được là ngay trên vùng đất lắm quặng sắt. Người dân địa phương có thể đào bới ngay trong vườn nhà, hoặc cho người khác đến lấy mang đi cũng được tiền phần trăm. Song bà Ngân đã nghĩ tới một công việc lâu bền là trồng nấm, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương. Cũng vì thế, cơ sở sản xuất nấm của bà được Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đồng Hỷ chọn làm cơ sở thực hành và chuyển giao công nghệ trồng nấm cho nông dân trong vùng.

Bà Ngân kể: Trước đây, khi nghe mọi người nói chuyện trồng nấm có thể làm giàu được, tôi rất ngạc nhiên. Vì nơi tôi sinh ra, lớn lên, mọi người có thể lấy được nấm từ rừng về ăn mà không phải nhọc lòng ươm trồng, chăm sóc. Ngay vụ nấm đầu tay, năm 2008, tôi làm thử nấm trên 3 tạ rơm nguyên liệu, thu được hơn 1 tạ nấm sò. Một phần mang cho bà con chòm xóm ăn thử, phần còn lại mang bán ngoài chợ thị trấn, được 20.000 đồng/kg.

Để có thêm kiến thức và kinh nghiệm, bà Ngân đăng ký tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng nấm do Hội Nông dân thị trấn phối hợp cùng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện tổ chức. Cũng từ tham gia các lớp tập huấn này, bà Ngân được về Viện Di truyền Nông nghiệp thăm quan một số mô hình trồng nấm có quy mô lớn ở Hà Nội.

Bắt tay vào trồng vụ nấm thứ 2, lúc đó vào tháng 9 năm 2009, bà Ngân được Viện Di truyền hỗ trợ toàn bộ nguyên liệu làm bịch nấm, gồm túi nilông và nấm giống. Từ 1 tấn rơm nguyên liệu, bà Ngân thu được hơn 4 tạ nấm sò tươi, bán được hơn 8 triệu đồng. Tôi nhẩm tính: Trên diện tích hơn 100m2 đất vườn, bà Ngân đã cho ra sản phẩm nấm tương đương với 1,3 tấn thóc, bằng việc người nông dân sản xuất 1 vụ cấy trên diện tích 7 sào ruộng, trong khi đó nguồn nguyên liệu trồng nấm được tận thu từ rơm rạ mà không phải mất tiền vốn.

Đưa chúng tôi đi thăm cơ ngơi sản xuất nấm của gia đình, bà Ngân cho chúng tôi xem những tủ hấp xử lý bịch nấm và tủ sấy nấm thương phẩm. Bà cho biết: Nhờ được tiếp cận Dự án Hỗ trợ người dân phát triển kinh tế theo vùng giai đoạn 2 của huyện Đồng Hỷ (Dự án của Tây Ban Nha), cuối năm 2010, gia đình bà được hỗ trợ 1 tủ sấy, 1 tủ hấp với trị giá hơn 80 triệu đồng. Nhờ vậy, tôi có điều kiện mở rộng sản xuất. Ngoài nấm sò, tôi làm thêm nấm Linh chi và mộc nhĩ, đồng thời tôi làm thêm các bịch nấm bán cho bà con trong vùng chăm sóc, thu hái. Riêng năm 2011, gia đình tôi đã có hơn 2 tạ mộc nhĩ xấy khô, hơn 1 tạ nấm linh chi sấy khô và hơn 3 tạ nấm sò tươi cung cấp ra thị trường, đạt tổng thu 70 triệu đồng/năm.

Nhìn bịch nấm sò nở trắng như những bông hoa tôi biết, để làm ra những cánh nấm mịn màng, đầy bổ dưỡng này, bà Ngân cũng phải chịu không ít thất bại. Dịp đầu năm 2012, bà Ngân vào lò hơn 13.000 bịch nấm, trong đó có gần 10.000 bịch nấm sò, 2.500 bịch mộc nhĩ và 800 bịch nấm Linh chi, nhưng 3.200 bịch bị hỏng do nồm ẩm gây nhiễm khuẩn nấm.

Đang mùa gặt tháng mười, bà Ngân tranh thủ ra đồng tận thu rơm rạ làm nấm sò; và đến các xưởng xẻ trong vùng để thu gom mùn cưa làm nguyên liệu cấy nấm linh chi, mộc nhĩ. Bà Ngân nói như chia sẻ: Trong năm, thời gian trồng nấm thuận lợi nhất bắt đầu từ tháng 9 năm trước đến hết tháng 3 năm sau. Nhưng với nguyên liệu mùn cưa ở vùng này, chủ yếu từ cây keo rừng, nên phải trộn thêm cám gạo, cám ngô để tạo thêm dinh dưỡng, như thế nấm linh chi hoặc mộc nhĩ mới cho năng suất, chất lượng cao. Dự kiến đầu tháng 11 này, tôi vào mới 16 lò nấm, bằng 10.400 bịch nấm. Còn nấm Linh chi, đúng ngày mùng một Tết dương lịch năm 2013, tôi vào 2 lò, bằng 1.600 bịch. Nếu thành công, tôi sẽ thu hoạch được gần 500kg mộc nhĩ khô, 800kg nấm sò và gần 500kg nấm Linh chi đã sấy khô, tương đương với số tiền 300 triệu đồng.