Liên minh lúa gạo ASEAN: Số lượng hay chất lượng

14:07, 07/10/2012

Đáng chú ý, Philippines lại là nước "nổ súng" cho việc thành lập hiệp hội lúa gạo này, trong khi từ trước đến nay vẫn là một trong những nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2010, nước này nhập khẩu 2,45 triệu tấn gạo, năm 2011 giảm xuống còn 860.000 tấn và mục tiêu nhập khẩu năm 2012 là khoảng 500.000 tấn. Đang trên đà phát triển, các quan chức Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, từ năm 2013 Philippines sẽ ngừng nhập khẩu gạo. Mục tiêu trên ra đời trong bối cảnh Philppines đã hoàn thành 80% chỉ tiêu dự trữ gạo, và thế giới đang lo ngại về các dự báo khủng hoảng lương thực toàn cầu sẽ diễn ra năm 2013.

Tuy nhiên, trái với những lạc quan mà Philippines đưa ra, các chuyên gia ADB lại cho rằng quốc đảo Đông Nam Á này khó có thể đạt được mục tiêu trên vì cơ sở hạ tầng nông nghiệp yếu kém và chi phí sản xuất đầu vào rất cao. Các chuyên gia còn ước tính Philippines sẽ phải nhập 700.000 tấn gạo trong năm 2013.

 

Còn Myanmar - nước có tiềm năng sản xuất lúa gạo mạnh trên thế giới và từng là "vựa lúa của châu Á" vào thế kỷ XIX, và cũng là cường quốc xuất khẩu gạo số một châu Á vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX với sản lượng 3 triệu tấn. Với khoảng 8,1 triệu ha đất "bờ xôi ruộng mật" dùng trồng lúa, cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi đã góp phần đẩy mạnh sản lượng lúa gạo nước này hàng năm. Đặc biệt, từ sau cuộc cải cách bất ngờ của chính quyền Tổng thống Thein Sein, Myanmar thoát khỏi cấm vận của nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, EU... giúp nước này bước vào giai đoạn tiền hội nhập, mở rộng sản xuất và thị trường xuất khẩu lúa gạo ra nhiều nơi.

 

Từ tháng 4 đến hết tháng 7/2012, Myanmar đã xuất khẩu được 332.300 tấn gạo sang các thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Đáng chú ý, vào tháng 1/2012, Myanmar và Indonesia đã ký một bản ghi nhớ về việc xuất khẩu 200.000 tấn gạo của Myanmar sang thị trường này.

 

Cũng giống Philippines, việc sản xuất lúa gạo tại Myanmar đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và công nghệ. Những hệ lụy từ hơn 20 năm dưới chế độc độc tài của chính quyền quân sự cùng những cuộc xung đột tôn giáo khiến kinh tế quốc gia này đang là trở ngại lớn để phát triển nông nghiệp chất lượng cao.

Dưới góc độ Thái Lan, ngành lúa gạo nước này đang đối mặt với những khó khăn do chính sách trợ giá cho nông dân. Theo Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, hết 7 tháng đầu năm 2012, quốc gia này xuất khẩu khoảng 3,78 triệu tấn gạo, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm kỷ lục trong vòng 30 năm qua khiến gạo nước này đứng trước nguy cơ ùn ứ nếu không đẩy mạnh xuất khẩu, hoặc sẽ lỗ 80-100 tỷ Baht (56.000-70.000 tỷ đồng) nếu bán hết lượng gạo dự trữ trong kho hiện nay. Đó là chưa tính đến việc mất trắng các chi phí trữ gạo gần 1 năm nay ( khoảng 260 tỷ Baht).

 

Cả ba quốc gia Philippines, Myanmar và Thái Lan hiện đều phải đối mặt với những khó khăn riêng trong sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, nếu xét trên các khía cạnh riêng lẻ thì các nước này đều có những thế mạnh nhất định và Việt Nam hoàn toàn có thể mang về lợi ích nếu cùng họ phát triển ngành lúa gạo.

 

Với Philippines, tuy chưa đề cập nhiều về vấn đề lúa gạo giữa hai nước trong các lần trao đổi hợp tác, nhưng giai đoạn 2008-2011, Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD/năm sang Philippines, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong ASEAN, chủ yếu là xuất khẩu gạo (chiếm 50-60% kim ngạch xuất khẩu; khoảng 1,5 triệu tấn/năm). Bộ Nông nghiệp Philippines đã ban hành chương trình cung cấp hạt giống chất lượng cao đồng thời cấp bảo hiểm rủi ro thiên tai cho nông dân trồng lúa bất chấp các chuyên gia ADB cho rằng chính phủ nước này sẽ tiêu tốn ngân sách một cách vô ích.

 

 Điều này chứng tỏ Phippines đang nỗ lực trong việc đảm bảo sản lượng lúa gạo cho toàn dân trong năm 2013. Đó cũng là cơ hội cho Việt Nam chủ động đưa tay hợp tác trên lĩnh vực chuyển giao công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất... nhằm xây dựng liên minh lúa gạo về sau.

Còn với Thái Lan, đã có không ít các hội nghị song phương diễn ra trước đây nhằm hướng đến việc đẩy mạnh hợp tác lúa gạo, chia sẻ thông tin lúa gạo, hay cụ thể hơn là bình ổn giá gạo khu vực và thế giới. Với tiềm năng hiện tại, hợp tác lúa gạo Việt - Thái sẽ là một trong những mắc xích quan trọng cho việc hình thành liên minh lúa gạo ASEAN bởi hai quốc gia này thường xuyên kiểm soát gần một nửa lượng xuất khẩu gạo của thế giới.

 

Chính Giám đốc điều hành công ty Agrow Enterprise ở Bangkok, ông Chiaki Furi cho biết liên minh lúa gạo ASEAN muốn thành công thì cần phải có sự góp mặt của Việt Nam.

 

Tuy nhiên, dường như Philippines, Myanmar và Thái Lan đã quyết liệt hơn Việt Nam trong quá trình thực hiện một "OPEC lúa gạo" quyền lực. Những nhận thức về tầm quan trọng trong hợp tác bổ sung và bài học từ lợi thế so sánh (hay còn gọi là "ưu thế so sánh") của nhà kinh tế học người Anh David Ricardo giúp 3 quốc gia đi đến quyết định thành lập hiệp hội lúa gạo để phát triển chuỗi cung ứng gạo trong khu vực Đông Nam Á bằng cách sử dụng công nghệ giống lai độc quyền và chất lượng cao của tập đoàn SL Agritech Corp của Philippines.

 

Theo đó, SL Agritech sẽ đóng góp công nghệ và giống lúa cho hiệp hội trong khi đối tác Myanmar sẽ cung cấp đất để sản xuất, còn Thái Lan sẽ xử lý tiếp thị toàn cầu. Đây là một mô thức hợp tác mà trước đây, không ít ý kiến từ các chuyên gia Việt Nam ủng hộ. Phải chăng Việt Nam đã từng "định" đặt vấn đề tương tự với các đối tác Thái Lan, Myanmar?

 

Dù đã được đề xuất và cảnh báo trước về khâu liên kết hợp tác lúa gạo ASEAN, và dù cuối tháng 8 vừa qua có thông tin rằng bộ trưởng thương mại của 5 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan sẽ ký thỏa thuận thành lập Hiệp hội gạo ASEAN trong 6 tháng cuối năm 2012, nhưng với "hiệp hội lúa gạo" này, Việt Nam vẫn ở vòng ngoài.