Chỉ còn gần 1 tuần nữa là đến thời điểm Công ty cổ phần Giống cây trồng tỉnh thu hoạch diện tích sản xuất hạt lúa giống ở xã Xuân Phương (Phú Bình). 40ha lúa giống tổ hợp VL24 giờ đã ngả sang màu vàng óng ả. Vậy là sau những tháng ngày vất vả, thành quả đã hiện hữu trước mắt những cán bộ của Công ty.
Ông Triệu Hồng Quân, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Với số lúa giống thu được, trong vụ xuân và mùa năm tới, người dân trong tỉnh sẽ được Công ty cung ứng với giá bán giảm tới 10% so với mua ở các cửa hàng kinh doanh giống cây lương thực của tư nhân. Ngoài sản xuất hạt giống lúa lai, Công ty còn sản xuất hạt giống lúa thuần. Trong năm nay, sản xuất 90ha lúa giống Bao thai, Khang dân và giá bán cũng thấp hơn thị trường khoảng 20-30%.
Ngoài đơn vị nêu trên thì Trung tâm Giống cây trồng tỉnh cũng đang sản xuất hạt giống lúa cung cấp cho nông dân trong tỉnh. Năm 2012, Trung tâm sản xuất được khoàng 200 tấn giống lúa thuần chất lượng cao trên diện tích 70ha gồm HT9, VS1, T10. Giá bán hạt lúa giống của Trung tâm cũng thấp hơn thị trường khoảng 20-30% (trung bình mỗi kg giống lúa thuần trên thị trường bán với giá 25-30 nghìn đồng).
Thực tế trên cho thấy sản xuất giống cây lương thực tại chỗ rất có lợi cho người nông dân bởi bà con vẫn được sử dụng những giống lúa đảm bảo chất lượng mà giá bán lại rẻ hơn. Hơn nữa, nhiều địa phương trong tỉnh lại có điều kiện về đất đai, địa hình, thời tiết, khí hậu phù hợp với sản xuất giống cây lương thực (lúa lai F1, lúa thuần và ngô lai). Đặc biệt, với hàng chục năm sản xuất giống cây lương thực, 2 đơn vị nêu trên đã xây dựng được đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chuyên gia sản xuất giống, đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất hạt giống. Bên cạnh đó, tỉnh ta lại có chính sách phát triển giống mới, đưa giống lúa, ngô năng suất, chất lượng vào sản xuất… Theo đó, khi diện tích sản xuất giống cây lương thực được nâng lên đồng nghĩa với việc thu nhập của nông dân sẽ tăng vì phần lớn các đơn vị đều liên kết với bà con để sản xuất hạt giống. Ông Nguyễn Văn Xuân, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh cho hay: Mỗi sào sản xuất hạt giống cho thu nhập gấp rưỡi hoặc gấp đôi so với cấy lúa thông thường.
Tuy nhiên, hiện nay, do toàn tỉnh mới chỉ có 2 đơn vị sản xuất giống cây lương thực nên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Theo con số thống kê của ngành Nông nghiệp, mỗi năm, tỉnh ta cấy khoảng 70 nghìn ha lúa, trồng 17 nghìn ha ngô. Theo đó, nhu cầu giống lúa cho sản xuất ước khoảng 2.800-3.000tấn (trong đó có 300 tấn giống lúa lai), khoảng 340 tấn ngô giống. Vậy nhưng, mỗi năm, 2 đơn vị trên chỉ sản xuất, cung ứng được khoảng 1.350 tấn lúa giống và 340 tấn ngô giống, mới đáp ứng được 40% nhu cầu về giống lúa và gần 100% nhu cầu giống ngô. 60% nhu cầu giống lúa còn lại, chủ yếu là giống lúa thuần là do nông dân tự sản xuất.
Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cái khó trong sản xuất giống cây lương thực của tỉnh ta là người dân trong tỉnh vẫn duy trì tập quán tự để giống lúa phục vụ sản xuất, mặc dù theo hình thức này, năng suất, sản lượng lúa sẽ không cao. Trong khi điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản giống cây lương thực ở các đơn vị sản xuất hạt giống lương thực hiện còn nhiều khó khăn, các đơn vị cần được hỗ trợ từ nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng kho lạnh bảo quản, thiết bị sàng, sấy hạt giống, phòng kiểm nghiệm cũng như các thiết bị, dụng cụ khác …
Sản xuất hạt giống không chỉ tạo ra một nghề mới, góp phần nâng cao thu nhập người dân mà còn giúp nông dân trong tỉnh từ bỏ được tập quán tự sản xuất hạt giống kém chất lượng cũng như chủ động được nguồn hạt giống cây lương thực. Tỉnh ta đã có kế hoạch mở rộng vùng sản xuất giống cây lương thực, trong đó mục tiêu đến năm 2015 là sẽ xây dựng vùng sản xuất ở 7 huyện, mỗi đơn vị có ít nhất 5 ha trở lên; phấn đấu đến năm 2020, sản xuất được từ 1.500 đến 2.000 tấn giống lúa thuần chất lượng cao, 300 tấn giống lúa lai… Để thực hiện được mục tiêu này, trước hết tỉnh ta sẽ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chính sách đầu tư phát triển sản xuất giống cây lương thực trên địa bàn; tuyên truyền, khuyến cáo, xây dựng mô hình, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống; đào tạo đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia về sản xuất giống và nghề sản xuất giống lúa, ngô; khảo sát quy hoạch vùng sản xuất lúa, ngô; đầu tư hạ tầng cơ sở sản xuất giống như giao thông nội đồng, thủy lợi, cứng hóa bờ vùng, bờ thửa ruộng sản xuất giống; nâng cấp máy móc, thiết bị, phương tiên, dụng cụ cho sản xuất, chế biến, bảo quản giống...
Song hành với đó, tỉnh cũng nên có chính sách phù hợp để hỗ trợ trong sản xuất giống lúa, ngô lai và hỗ trợ liên doanh, liên kết, nghiên cứu, sản xuất, tiêu thụ giống cây lương thực; phát triển sản xuất giống trong nông hộ; đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về giống cây trồng.