Năm 2013: "Lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn"

11:10, 11/10/2012

Đặt mục tiêu tăng GDP 5,5% và CPI ở mức 7 - 8%, kế hoạch vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư hoàn tất đã cho thấy một sự hình dung tương đối sơ lược về bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam trong năm 2013.

Báo cáo dài 18 trang vừa được Bộ Kế hoạch & Đầu tư thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội 2012 và định hướng 2013. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cân nhắc tài liệu này trong phiên họp vào đầu tuần sau, trước khi trình ra kỳ họp Quốc hội khai mạc cuối tháng 10.

 

Về tổng thể, cơ quan tham mưu của Chính phủ đề xuất mục tiêu điều hành cho 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012”. Bên cạnh đó là đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trường, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội… nhằm tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn trong những năm tiếp theo.

 

Như vậy so với múc tiêu “ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý…” của năm 2012, mục tiêu cụ thể (kiềm chế lạm phát) nhiều khả năng sẽ không còn được đặt ở vị trí hàng đầu. Thay vào đó là một cái đích mang tính tổng quát hơn (ổn định kinh tế vĩ mô), trong đó ngoài lạm phát thấp, mục tiêu tăng trưởng cũng được đặt ở mức cao hơn so với năm 2012.

 

Cụ thể, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP tăng khoảng 5,5%, chủ yếu nhờ động lực từ khu vực công nghiệp xây dựng (5,7%) và dịch vụ (6,5%). Tổng kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt khoảng 124,3 tỷ USD, tăng 10% so với 2012, trong đó nhập siêu tương đương khoảng 8% kim ngạch xuất khẩu. Bội chi ngân sách khoảng 4,8% GDP, trong khi tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng giữ ở mức 7-8%.

 

Về mục tiêu xã hội, cơ quan hoạch định đặt mục tiêu tạo việc làm cho 1,59 triệu lao động, trong đó đưa khoảng 85.000 người đi làm việc tại nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị tiếp tục được giữ ở mức dưới 4%. Ngoài ra, cơ quan điều hành cũng sẽ cố gắng đảm bảo một số cân đối lớn của nền kinh tế trong kế hoạch phát triển như cân đối về thu - chi ngân sách, vốn đầu tư phát triển…

 

Để đạt được những mục tiêu nêu trên, kế hoạch 2013 đặt ra 9 nhóm giải pháp lớn, trong đó có việc tăng cường ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tháo gỡ khó khăn - thúc đẩy sản xuất kinh doanh; thực hiện 3 đột phá gắn với tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội - cải thiện đời sống, phát triển khoa học công nghệ…

 

Trong số các giải pháp này, đáng chú ý có chủ trương nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý, ưu tiên cho khu vực sản xuất hàng xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao… Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính và có giải pháp thích hợp để hỗ trợ doanh nghiệp giảm hàng tồn kho.

 

Cơ quan quản lý cũng cho biết sẽ hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp có giá trị gia tăng cao; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ các công trình công nghiệp quy mô lớn… Cùng với thu hút vốn vào các lĩnh vực công nghệ cao, các nhà thầu (đặc biệt là nhà thầu trong nước) cũng sẽ được hỗ trợ để tham gia nhiều hơn vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

 

Với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, Chính phủ sẽ nhất quán thực hiện chủ trương quản lý giá theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước đối với điện, than, xăng dầu, dịch vụ công theo lộ trình phù hợp với yêu cầu kiểm soát lạm phát, đảm bảo cân đối cung - cầu đối với các mặt hàng thiết yếu. Cơ quan quản lý cũng sẽ tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, giá cả và chống buôn lậu…

 

Với các mục tiêu và giải pháp tổng thể nêu trên, kịch bản do Bộ Kế hoạch & Đầu tư soạn thảo sẽ tiếp tục được lấy ý kiến của Ủy ban Thường vụ trong phiên họp đầu tuần tới, trước khi được trình và thảo luận rộng rãi tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

 

Trước đó, trong phần đánh giá về kết quả thực hiện các mục tiêu của năm 2012, cơ quan quản lý cho biết có 5 trong tổng số 15 mục tiêu đề ra nhiều khả năng sẽ không đạt được, bao gồm: tăng trưởng kinh tế (ước chỉ đạt 5,2% so với kế hoạch 6 - 6,5%), tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (chỉ đạt 29,5% GDP), tạo việc làm (đạt hơn 1,5 triệu lao động, so với kế hoạch 1,6 triệu), giảm nghèo (1,7% so với mục tiêu 2%) và tỷ lệ che phủ rừng.

 

Riêng về tốc độ tăng GDP, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng xét về động thái, đang có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển ổn định trong các năm sau. Trong khí đó, các cấn đối lớn khác như lạm phát (dự kiến ở mức 8%), xuất khẩu (113 tỷ USD, tăng 16,6%), nhập siêu (1 tỷ USD, chiếm 0,9% kim ngạch xuất khẩu)… đều đạt và vượt so với mục tiêu đề ra.

 

Với những kết quả này, cơ quan quản lý cho rằng bên cạnh những chuyển biến “tích cực, đúng hướng”, bức tranh chung vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định, vững chắc, nguy cơ lạm phát cao vẫn có thể quay trở lại, các mục tiêu cơ bản chưa hoàn thành trong khi khu vực doanh nghiệp khó khăn, sức mua kém, đời sống một bộ phận dân cư gặp khó khăn…

 

Bên cạnh những khó khăn khách quan, báo cáo cho rằng góp phần lớn vào quá trình này là việc tái cơ cấu, kết hợp với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nhiều chủ trương khác còn chậm, nhiều chương trình đề án lớn còn chưa cân đối được nguồn lực, bộ máy quản lý Nhà nước các cấp còn yếu kém, thiếu hiệu quả… Ngoài ra, tình trạng sách nhiễu, lợi dụng chức quyền, tham nhũng… trong bộ máy vẫn còn diễn ra phức tạp, ảnh hưởng xấu đến các mục tiêu. Những hạn chế này cần sớm được khắc phục triệt để để hoàn thành tốt công tác điều hành trong những tháng cuối năm 2012 và thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2013.