Những triệu phú “chân đất”

09:01, 25/10/2012

Từ nhiều năm gần đây, không ít lao động nông thôn rời làng ra phố, hoặc đi xuất khẩu lao động với mục đích làm giàu. Nhưng cũng ở các vùng nông thôn ấy, nhiều người đã làm giàu, trở thành triệu phú ngay trên mảnh đất quê hương mình.

Theo bà Nguyễn Thị Ngà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Thông qua các hoạt động hỗ trợ vốn vay, đào tạo nghề cho nông dân, đặc biệt là qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, người nông dân được trang bị kiến thức sản xuất, vì thế họ tự tin hơn trong đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện, toàn tỉnh có 100 nghìn hội viên (HV) nông dân có mô hình sản xuất V.A.C.R. đạt giá trị kinh tế từ hơn 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm.

 

Mỗi người một cách làm, song họ giống nhau ở nghị lực, cách sử dụng tiền vốn đầu tư hiệu quả phù hợp trong điệu kiện đất đai hiện có của gia đình. Và phần lớn các triệu phú chân đất tôi gặp, họ còn có điểm chung đáng quý, đó là cần cù, tiết kiệm, luôn có suy nghĩ tích lũy vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Điển hình như HV Phạm Văn Ty, xóm Núi Chùa (xã Tân Kim, Phú Bình). Trên diện tích hơn 10.000m2, ông Ty xây dựng trang trại chăn nuôi gồm 1 ao ươm cá giống, 2 ao thả cá thương phẩm; khu chăn nuôi 30 con lợn nái ngoại, 120 con lợn thịt và khu chăn nuôi gia cầm với hơn 1.000 con gà. Từ 3 năm gần đây, trừ chi phí đầu tư, ông Ty còn lãi 180 triệu đồng/năm.

 

Nếu chỉ nhìn vào thành quả lao động hôm nay, ít ai biết được trước đây, ông Ty đã phải đổ rất nhiều công sức để khai phá mảnh đất cằn cỗi vốn trước đó bỏ hoang.

 

Cũng như ông Ty, hàng trăm HV nông dân của tỉnh chọn hướng đầu tư cho chăn nuôi theo mô hình trang trại để làm giàu. Điển hình như HV Nguyễn Thị Hương, xóm Thanh Xuyên 4 (Trung Thành, Phổ Yên) đầu tư chăn nuôi lợn nái ngoại đạt thu nhập gần 500 triệu đồng/năm. HV Đỗ Thị Thúy, xóm Giã Thù (Tiên Phong, Phổ Yên) có mô hình chăn nuôi tổng hợp, đạt thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm. HV Nguyễn Ngọc Lân, xóm Phúc Thịnh (Hóa Trung, Đồng Hỷ) với mô hình chăn nuôi lợn thịt đạt thu nhập 800 triệu đồng/năm.

 

Trong phát triển kinh tế, nhiều HV đã biết lựa thế đất để đầu tư vốn xây dựng trang trại tổng hợp, kết hợp giữa trồng trọt, chăn nuôi, do đó tận dụng được sản phẩm thừa của chăn nuôi như phân bón để bón cho cây trồng, và lấy sản phẩm trong trồng trọt đầu tư trở lại cho chăn nuôi, vừa giảm chi phí đầu tư và giảm thiểu được việc gây ô nhiễm môi trường, lại thu được hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của HV Nguyễn Thị Thái, xóm Xuân Hà (Thành Công, Phổ Yên), đạt thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm; HV Đào Văn Lân, xóm 8 Liên Hồng (Vô Tranh, Phú Lương) đạt thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm và mô hình của HV Mạc Thanh Hải, xóm Soi Mít (Phúc Trìu, T.P Thái Nguyên) đạt thu nhập 400 triệu đồng/năm là những điển hình cụ thể.

 

Ngoài các mô hình kinh tế có tính truyền thống như V.A.C tổng hợp, còn có những HV nông dân chọn hướng lên đồi làm giàu. Trong số đó phải kể tới mô hình trồng rừng của HV Hoàng Văn Xe, bản Ó (Yên Lạc, Phú Lương). Trong thời gian từ năm 2002 đến hết năm 2008, ông Xe đã biến 20ha đất nghèo kiệt bên triền núi Vườn Vàng thành 20ha rừng trồng.

 

Đi dưới tán rừng đầy nhựa lá hăng hắc, ông Xe bảo: Nhìn cây tính tiền thì bây giờ tôi là tỷ phú rồi. Ở bản Ó còn có gia đình các ông Thạch Quang Hưng, Nguyễn Quang Quyết và Nguyễn Văn Hát cũng trồng được từ 10 đến 20ha rừng. Các hộ này đều thoát nghèo nhờ trồng rừng.

 

Đáng quý hơn, ông Xe không chỉ lo làm giàu cho mình mà còn tích cực giúp đỡ các gia đình HV nghèo trong vùng bằng cách hướng dẫn cho họ về kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp, kinh nghiệm chăn nuôi. Đã có hàng chục hộ nghèo được ông giúp vốn sản xuất đến nay đã thoát nghèo. Nhưng khi hỏi địa chỉ được ông giúp đỡ, ông khiêm tốn bảo: Mình đã giúp đỡ người ta, thì không nên kể công… Còn các đồng chí cán bộ công tác ở xã Yên Lạc cho biết thêm: Ông Xe đã giúp đỡ bằng vật liệu xây dựng để xóa nhà dột nát cho 10 hộ nghèo của địa phương.

 

Từ “chân đất” đi lên - cùng cán bộ Ban Tuyên huấn Hội Nông dân tỉnh đi thực tế gặp gỡ những HV nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, tôi phát hiện thêm một điều thú vị là các triệu phú “chân đất” khi trở thành người có của để dành, họ không bao giờ quên tháng năm đầu khởi nghiệp, chỉ có đôi bàn tay và cái đầu biết nhìn vượt qua ngọn tre làng. Đó là cách đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xã hội. Họ trực tiếp góp một phần không nhỏ trong phong trào xây dựng nông thôn mới hôm nay.