Sản xuất khó khăn, làng nghề “khát” vốn

08:33, 12/10/2012

Phú Bình có 3 làng nghề đã được công nhận đó là các làng nghề: mộc mỹ nghệ Phương Độ, mộc mỹ nghệ Phú Lâm, mây tre đan Ngọc Lý. Những năm qua, các làng nghề đã giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao đông nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương. Tuy nhiên việc duy trì và phát triển các làng nghề đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm…

Những ngày này, khi tìm về làng nghề mây tre đan Ngọc Lý (Tân Đức) chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự ảm đạm của làng nghề, không khí sản xuất nhộn nhịp trước đây nay đã không còn. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi được biết, hiện nay làng nghề đã phải tạm dừng sản xuất do sản phẩm làm ra ế ẩm không tiêu thụ được. Hợp tác xã (HTX) mây tre đan Ngọc Lý hình thành từ năm 2006. Sản phẩm chủ yếu của HTX là các mặt hàng thủ công như: khay, giỏ, đĩa, giỏ tích, lọ lục bình… Mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường hàng vạn sản phẩm chất lượng cao xuất khẩu sang các nước: Nga, Nhật Bản, Trung Quốc…

 

Năm 2010, HTX chính thức được công nhận làng nghề với tên gọi Làng nghề mây tre đan Ngọc Lý. Thời kỳ cao điểm, làng nghề thu hút gần 200 lao động tham gia sản xuất với thu nhập bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Nhưng từ đầu năm 2012 đến nay, do thị trường tiêu thụ khó khăn, trong khi giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao, làng nghề không có đủ vốn để duy trì sản xuất, nhiều lao động đã bỏ nghề, số lao động giảm xuống chỉ còn hơn 50 người. Nếu như trước đây làng nghề nhập về khoảng 60 triệu đồng tiền hàng nguyên liệu mỗi tháng thì nay do hoạt động sản xuất trầm lắng, số lượng nguyên liệu nhập về chỉ bằng 40-50% so với trước. Thu nhập của các hộ sản xuất cũng theo đó mà giảm xuống chỉ còn từ 1-1,3 triệu đồng/tháng…

 

Trước những khó khăn trên, từ cuối tháng 6/2012, làng nghề đã phải tạm ngừng sản xuất. Để duy trì làng nghề và giữ chân người lao động, làng nghề đã phải chuyển từ sản xuất các mặt hàng mây tre đan sang chuyên sản xuất mặt hàng chổi chít phục vụ cho thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, để thực hiện việc chuyển đổi này, người lao động lại phải mất khá nhiều thời gian để học nghề lại. Đầu tháng 9 vừa qua, Trung tâm dạy nghề huyện đã mở 1 lớp dạy nghề đan chổi chít tại làng nghề Ngọc Lý với thời gian đào tạo là 3 tháng. Như vậy, ít nhất là phải bước sang năm 2013, làng nghề Ngọc Lý mới có sản phẩm chổi chít để cung cấp cho thị trường. Điều này cũng có nghĩa là từ nay đến cuối năm, đời sống của người lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

 

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đào Văn Nội, Chủ nhiệm Hợp tác xã mây tre đan Ngọc Lý cho biết: “Bên cạnh những khó khăn về nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ thì hiện nay làng nghề còn đang rất “khát” vốn để quay vòng sản xuất. Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, làng nghề đang tiến hành chuyển đổi sang mặt hàng sản xuất mới nên cần rất nhiều vốn để đầu tư xây dựng nhà xưởng và nhập nguyên liệu. Tuy nhiên, do không có tài sản thế chấp nên làng nghề không thể tiếp cận được những nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng…”

 

Thực trạng khó khăn trên còn đang diễn ra ở 2 làng nghề còn lại của huyện là làng nghề mộc mỹ nghệ Phương Độ và làng nghề mộc mỹ nghệ Phú Lâm. Anh Nghiêm Quang Tạo, chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ cao cấp của làng nghề mộc Phú Lâm cho biết: Vào thời điểm này mọi năm, cơ sở sản xuất của gia đình anh đã nhận được hàng chục đơn đặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán, xưởng mộc lúc nào cũng có trên 15 lao động, làm không hết việc. Nhưng năm nay, không chỉ riêng cơ sở sản xuất nhà anh mà hầu hết các hộ sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở địa phương đều rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nếu như thời điểm này mọi năm, mỗi tháng gia đình anh xuất trên 100 triệu tiền hàng thì nay mỗi tháng chỉ xuất từ 30-40 triệu đồng…

 

 Mấy tháng nay, do ít việc, anh Tạo đã phải cho cho nhiều công nhân nghỉ việc. Đời sống của người lao động vì vậy cũng ảnh hưởng đáng kể. "Trước đây nhiều việc, thu nhập mỗi tháng của tôi cũng được từ 4 đến 5 triệu đồng, bây giờ không có việc, trung bình chỉ được 1,5 đến 2 triệu đồng/ tháng"- anh Nguyễn Văn Đức, một công nhân làm việc tại xưởng sản xuất nhà anh Tạo cho biết.

 

Sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, không có đơn đặt hàng, thiếu vốn để sản xuất khiến cho các cơ sở sản xuất phải hoạt động cầm chừng, thậm chí có đã phải đóng cửa. Ông Hoàng Xuân Phương, Phó Chủ tịch xã Xuân Phương cho biết: “Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã đã có 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ mộc mỹ nghệ xin tạm dừng sản xuất. Các cơ sở còn lại hầu hết đều đang trong giai đoạn khó khăn, sản xuất cầm chừng để giữ chân khách hàng là chủ yếu. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người lao động cũng như việc thu ngân sách của địa phương…”.

 

Thực trạng khó khăn trên tại các làng nghề ở Phú Bình nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung đang là vấn đề rất đáng lo ngại. Mong rằng chính quyền các cấp phối hợp các ngành chức năng sớm triển khai những giải pháp hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho các làng nghề, nhất là tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, kinh doanh của làng nghề được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đưa các làng nghề vượt qua giai đoạn khó khăn, góp phần ổn định kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương.