Sống gần công trình “đại thủy nông” mà vẫn… “khát”

07:44, 23/10/2012

Hồ Núi Cốc có diện tích rộng tới 25km2, dung tích nước đạt 175 triệu mét khối - đây không chỉ là khu du lịch nổi tiếng mà còn là công trình “đại thủy nông” cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 12.000ha đất sản xuất của 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang. Thế nhưng, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) là địa phương ở ngay dưới chân đập hồ Núi Cốc, chỉ có gần 800 ha đất sản xuất lại luôn trong tình trạng “ khô khát” từ nhiều năm nay…

Nghịch lý

 

Như để chứng minh với chúng tôi một cách rõ ràng, cụ thể hơn nghịch lý trên, ông Trịnh Văn Xuyên, Chủ tịch UBND xã Phúc Trìu mang ra một tấm bản đồ cỡ lớn, trên đó mô phỏng khá rõ nét về địa thế, địa hình cũng như các dòng sông, dòng kênh lớn chảy qua địa bàn xã:

 

Chị thấy không, chỉ có một phần nhỏ đất đai của xã Phúc Trìu được hưởng lợi nguồn nước từ dòng sông Công; còn 7km kênh chính của hồ Núi Cốc chạy qua giữa xã (hết chiều dài của xã), cũng chỉ đảm bảo tưới tiêu cho khoảng 150/350ha chè và 200/400ha đất lúa của xã. Ngoài ra, cùng với sự chủ động tích trữ nước nước của người dân thông qua các ao, hồ lớn, nhỏ trong xã cũng chỉ đảm bảo nước tưới cho khoảng 1/3 số diện tích còn lại. Trong khi đó, hơn 1.500 hộ dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào cây lúa, cây chè. Nhưng vì thiếu nước sản xuất nên đã ảnh hưởng rất lớn tới năng suất, chất lượng. Tôi xin đơn cử, ở những diện tích chè có đủ nguồn nước tưới, năng suất đạt 150tạ/ha, còn diện tích thiếu nước chỉ đạt 100-120tạ/ha và năng suất lúa cũng bị ảnh hưởng tương tự như vậy, chưa kể nhiều diện tích lúa do thiếu nước chỉ mọc như cỏ, không cho bông.

 

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi đã rời UBND xã “thực mục sở thị”. Mùa này, dòng kênh chính hồ Núi Cốc nước lặng gần như không chảy, nhìn thấy cả rong rêu tận đáy. Trên các nương chè, nhiều nông dân đang hì hụi mang vác ống dẫn, máy bơm để dẫn nước về tưới cho chè.

 

Ông Mai Viết Khánh, Trưởng xóm Khuôn 2 bức xúc: Sống ngay đầu nguồn nước mà chúng tôi lại khổ sở vì thiếu nước. Cả xóm tôi chỉ có 24/40ha chè là chủ động được nguồn nước. Có năm vì quá hạn, nhiều diện tích chè đã bị chết. Như gia đình tôi hiện nay phải đi bắt nước xa tới 1 cây số, chạy nối tới 3 máy bơm trong suốt 4 ngày, đêm mới đủ tưới cho 1,2ha chè. Có nhà xa còn phải đấu nối tới 4 máy bơm mới đưa được nước về ruộng, vườn. Vì máy bơm phải chạy nhờ điện của các hộ dân nơi ống nước đi qua nên chúng tôi phải chịu giá điện cao gấp 2-3 lần so với giá quy định.

 

 Tại xóm Phúc Tiến, một trong những xóm cũng đang chịu cảnh khô khát, Trưởng xóm Đỗ Công Hải sốt sắng đưa tôi ra tham quan cánh đồng rộng 4 ha của xóm đang khô nứt vì thiếu nước, cây lúa lẫn trong những đám cỏ dại không cho bông. Rồi anh đưa chúng tôi ra bờ kênh chính hồ Núi Cốc nơi có cửa cống dẫn nước về cánh đồng của xóm. Khi tôi còn đang loay hoay nhìn  không biết cửa cống nằm ở đâu, vì chỉ nhìn thấy một ống sắt gỉ có đường kính rộng khoảng 16cm thì anh Hải nói đó chính ống dẫn nước tưới cho 4ha đất lúa của xóm Phúc Tiến (!?).   

 

Nguyên nhân  

 

Trước thực trạng khô khát mà người dân xã Phúc Trìu phải đối diện từ nhiều năm nay, ông Xuyên cho biết nguyên nhân: Hiện tại, Xí nghiệp Thủy nông hồ Núi Cốc đang cho đóng van xả nước. Chúng tôi đã gọi điện nhiều lần đề nghị mở nước để bà con có nước sản xuất nhưng họ nói còn phải đợi vài hôm nữa. Vì sao phải đợi thì tôi không biết? Và tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên.

 

- Nhu cầu dùng nước bức thiết như vậy mà các anh chỉ gọi điện thoại để hỏi sao?

 

- Việc đóng - mở nước của Xí nghiệp Thủy nông hồ Núi Cốc thường không tuân thủ theo đúng lịch trình. Chúng tôi đã rất nhiều lần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo các cơ quan chủ quản, hoặc đề xuất, kiến nghị với cấp trên trong các cuộc họp… nhưng vẫn chưa thấy có chuyển biến. Còn nói về điện thoại thì trung bình một năm, tôi phải điện từ 15-20 cuộc để “kêu” nhưng rồi mọi việc lại vẫn… như cũ. Nếu nước có chảy thì luôn thấp hơn các cửa cống được xây dựng trên địa bàn xã Phúc Trìu. Hay nói cách khác, các cống tưới tiêu được xây dựng không phù hợp với địa hình, địa thế, cửa cống cao hơn cao trình nước.  Chưa kể, cả đoạn kênh dài 7km mà không có một hệ thống điều tiết nước nào. Theo tôi nên xây dựng hệ thống này ở từng cao trình khác nhau thì mới khắc phục được tình trạng nước chỉ chảy qua địa phận xã chứ không chảy được vào các cánh đồng.

 

Nói tới đây, ông Xuyên ngừng lời trong giây lát rồi phân trần: Xã Phúc Trìu là một trong những xã điều kiện phát triển kinh tế khó khăn nhất của T.P Thái Nguyên. Người ta vẫn nói “đường tới đâu kinh tế phát triển tới đó” nhưng xã lại không có một mét tỉnh lộ hay huyện lộ nào chạy qua nên thương mại, dịch vụ không phát triển. Hơn 1.500 hộ dân chỉ biết trông vào cây lúa, cây chè để nâng cao đời sống nhưng nước thì như vậy, còn 40% số hộ trong xã đang phải sống trong cảnh “cơm đèn, ngủ điện”…

 

Vượt khó

 

Dù khó khăn như vậy, nhưng những gì được nghe, được thấy khi tiếp xúc với lãnh đạo cũng như những người dân địa phương đã truyền vào tôi sự cảm mến và ấn tượng sâu sắc. Họ đã và đang hằng ngày, hàng giờ đồng lòng, hợp sức nỗ lực khắc phục khó khăn để vươn lên. Hiện nay, Phúc trìu đã đạt 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và xã chỉ còn 6,1% hộ nghèo.

 

Ông Xuyên lạc quan: Để khắc phục khó khăn về nước, chúng tôi đã khuyến khích, động viên các hộ dân đào ao, hồ vừa để trữ nước vừa chăn thả cá, cải thiện bữa ăn, tăng thêm thu nhập. Chúng tôi tiếp tục thực hiện việc kiên cố hóa kênh mương nội đồng, làm đường bê tông liên xóm (hiện nay, 50% số kênh mương nội đồng đã được cứng hóa; 70% số đường liên xóm đã được đổ bê tông). Chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động bà con tiết kiệm điện để phục vụ cho sản xuất là chính, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như đưa các giống cây mới cho năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Phát huy nội lực để xây dựng các công trình phúc lợi. Anh Phạm Quang Tùng, xóm Rừng Chùa cho biết: Gia đình tôi đã đào ao rộng 360m2 không chỉ đảm bảo nước tưới cho hơn 3 sào chè giống mới mà còn chăn thả cá, tăng thêm thu nhập...