Tác động của gói hỗ trợ gia hạn, giảm thuế

07:56, 25/10/2012

Nghị quyết số 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường của Chính phủ đã chỉ ra những khó khăn của doanh nghiệp (DN) trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, Chính phủ đã nêu những giải pháp nhằm vực DN thoát khỏi tình trạng trên. Trong đó có giải pháp hỗ trợ về thuế, chủ yếu tập trung vào các gói hỗ trợ: gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 4,5,6 năm 2012; gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); giảm 50% tiền thuê đất phải nộp năm 2012; gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với chủ đầu tư dự án. 

Sau khi có Nghị quyết, Cục Thuế tỉnh đã nhanh chóng triển khai đến các đối tượng thuộc diện hưởng chính sách trên; các cán bộ thuế còn hướng dẫn trực tiếp cho DN nắm bắt được tinh thần của Nghị quyết và tính toán để các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách không bị thiệt thòi. Tính trong 3 tháng ( 4,5 và 6-2012), Cục Thuế tỉnh đã thực hiện gia hạn nộp thuế GTGT cho 1.816 lượt DN vừa và nhỏ, với tổng số tiền trên 114 tỷ đồng; gia hạn tiền nợ thuế thu nhập DN từ năm 2010 trở về trước và của năm 2011 là 704 DN vừa và nhỏ, với số tiền 17 tỷ 796 triệu đồng và 1 DN sử dụng nhiều lao động được gia hạn trên 20 tỷ đồng. Từ đó đã giúp các DN giảm bớt khó khăn về vốn để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Ý kiến chung của các DN được thực hiện giãn, giảm thuế cho rằng: việc giãn thời hạn nộp thuế có ý nghĩa quan trọng đối với các DN trong thời điểm khó khăn, nhất là các DN sản xuất kinh doanh sắt thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…Tuy nhiên, qua tìm hiểu ở một số Chi cục Thuế và DN cho thấy, gói hỗ trợ dù ít hay nhiều đều có tác động tích cực, song số DN được hưởng gói hỗ trợ chưa nhiều.

 

Anh Tống Anh Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đồng Hỷ cho biết: “Mặc dù nhiệm vụ thu ngân sách của Chi cục năm nay rất khó khăn, song Chi cục vẫn thực hiện nghiêm túc các chính sách thuế đối với người nộp thuế. Hiện, Chi cục đang đang quản lý 145 doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chi cục thực hiện giãn thuế giá trị gia tăng với số thuế 2,9 tỷ đồng (tháng 4 là 1,1 tỷ đồng với gần 31 lượt doanh nghiệp; tháng 5 là 795 triệu đồng với 25 lượt doanh nghiệp). Như vậy, trên thực tế, mới chỉ có gần 40 lượt doanh nghiệp được hưởng chính sách thuế theo Nghị quyết số 13 của Chính phủ.

 

Việc các DN được hưởng lợi chính sách thuế không nhiều là do tình hình hoạt động của các DN quá khó khăn. Chỉ những DN đang hoạt động tốt, duy trì được sản xuất, kinh doanh mới có thuế để nộp. Còn các DN khác do không tiêu thụ được sản phẩm nên không có thuế để nộp. Các DN được hưởng chính sách giãn, giảm thuế của Nhà nước tuy chưa nhiều, song bước đầu đã tạo niềm tin cho DN và giảm bớt khó khăn về tài chính để DN bù đắp chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

 

Ông Nguyễn Sỹ Cường, Giám đốc Công ty TNHH Chiến Thắng ở Tổ 12 thị trấn Chùa Hang, Đồng Hỷ cho biết: Công ty  chuyên khai thác, chế biến đá và sản xuất cơ khí. Trong tháng 6-2012, Công ty được giãn thuế giá trị gia tăng với số tiền 264 triệu đồng trong thời gian 6 tháng. Với số tiền được chậm nộp trên đã giúp cho Công ty có điều kiện đầu tư cho sản xuất và giảm được lãi vay ngân hàng. Tuy nhiên, theo chúng tôi, số tiền thuế gia hạn trên chỉ giúp DN giảm bớt khó khăn trước mắt, nên sự tác động không lớn vì thời gian giãn, giảm thuế ngắn. Mặc dù, Bộ Tài chính vừa có Thông tư số 14 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 29 của Quốc hội ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân, trong đó tiếp tục giảm 30% thuế TNDN năm 2012 phải nộp cho các DN vừa và nhỏ; miễn thuế TNDN, miễn thuế GTGT, miễn thuế thu nhập cá nhân cho một số đối tượng, nhưng hiện nay, DN vẫn chưa thoát được khỏi tình trạng khó khăn. Vì vậy, chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục thực hiện các ưu đãi về chính sách thuế. Cụ thể, nên kéo dài thời gian giãn thuế  GTGT, giảm một số loại phí; giảm tiền thuê đất cho mọi loại hình; lãi suất tiền vay ngân hàng nên tiếp tục giảm để DN tiếp cận với lãi suất thấp.

 

Đối với Chi cục Thuế thị xã Sông Công cũng đang quản lý 219 DN vừa và nhỏ, trong đó có 107 DN gặp khó khăn (14 DN giải thể, 31 DN tạm ngừng hoạt động). Qua rà soát, triển khai cũng chỉ có 61 DN thuộc diện được hưởng chính sách thuế theo Nghị quyết 13 của Chính phủ  với số tiền thuế được gia hạn là 11 tỷ 500 triệu đồng  (ngoài ra, Chi cục còn thực hiện một số chính sách miễn giảm, gia hạn, hoàn thuế khác với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng).  Do vậy, đã giúp các DN duy trì được sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như ở Công ty TNHH Đúc Nam Ninh, được giãn thời hạn thuế GTGT với số tiền gần 1 tỷ đồng, từ đó Công ty đã có điều kiện trả một phần lãi ngân hàng với lãi suất cao để tiếp cận món vay mới với lãi suất thấp hơn và một phần dùng để đầu tư cho sản xuất, kinh doanh.

 

Theo quy định, các DN được gia hạn thuế GTGT đã gần đến hạn phải nộp ( tháng 11-2012). Đến thời điểm này, các Chi cục Thuế đã phải đôn đốc các DN “lưu ý” các khoản thuế được gia hạn đã đến hạn nộp. Trong khi đó, tình hình sản xuất kinh doanh, nhất là vấn đề tiêu thụ sản phẩm của các DN chưa thoát khỏi khó khăn. Vì vậy, nguyện vọng chung của nhiều DN là Chính phủ nên xem xét tiếp tục gia hạn   thuế GTGT với thời gian dài hơn để có điều kiện “sốc” lại DN khi hoạt động của DN chưa được phục hồi như trước đây. Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục có những chính sách  hỗ trợ khác cho DN (chính sách hỗ trợ khai thông thị trường, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ lãi suất ngân hàng; các thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép đầu tư, cấp đất cho nhà đầu tư cần được công khai, giải quyết nhanh hơn). Thuế chỉ là “bước” đi sau trong quá trình sản xuất, kinh doanh, nếu DN không hoạt động, không tiêu thụ được sản phẩm thì cũng không có thuế để nộp, hay cũng đồng nghĩa với việc không được hưởng các chính sách thuế như đã nêu ở trên.