Tăng cường đấu tranh chống hàng giả

07:46, 09/10/2012

Thời gian gần đây, lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự biến động về cung cầu và giá cả, các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả đã dùng nhiều thủ đoạn gian lận để đưa ra thị trường các mặt hàng giả, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm hại nhiều mặt cho người dân, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, môi trường, môi sinh và làm thất thu ngân sách Nhà nước.

Qua khảo sát của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), hàng giả được sản xuất tại địa bàn tỉnh không nhiều, mà chủ yếu từ các địa phương lân cận và nước ngoài đưa vào tiêu thụ dưới nhiều hình thức, phương tiện khác nhau, có sự phân công và tổ chức chặt chẽ như:

 

Có những đối tượng chỉ chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả để bán cho các đối tượng sản xuất hàng đóng thành sản phẩm giả đưa ra thị trường tiêu thụ. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh sau đó được vận chuyển đến một địa bàn khác để hoàn chỉnh và lắp ráp, đóng gói. Hàng giả thường sản xuất xong sẽ được đưa ra thị trường tiêu thụ ngay trong một thời gian ngắn, không có dự trữ lớn, để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng và tránh bị xử lý hình sự khi bị phát hiện.

 

Hàng giả trên thị trường thường được bày bán cùng với hàng thật nhằm “đánh lận” người tiêu dùng; các đối tượng thường đưa hàng giả về thị trường nông thôn, miền núi, nơi người tiêu dùng trình độ dân trí còn hạn chế, mức thu nhập thấp để tiêu thụ. Sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng, tên, địa chỉ thương nhân, cơ sở sản xuất có uy tín gắn lên các sản phẩm có chất lượng thấp để đánh lừa người tiêu dùng…

 

Trước thực trạng đó, công tác chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát được lực lượng QLTT từ tỉnh đến cơ sở coi trọng. Với trách nhiệm là Cơ quan thường trực Tiểu ban giúp việc BCĐ 127 tỉnh, Chi cục QLTT đã thường xuyên làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo 127 tỉnh (BCĐ) và BCĐ 127 các địa phương thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; thường xuyên theo dõi, nắm bắt diễn biến của thị trường để tham mưu cho BCĐ 127 tỉnh chỉ đạo các ngành thành viên phối kết hợp trong công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường trên địa bàn tỉnh.

 

 Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến tháng 9-2012 lực lượng QLTT tỉnh đã xử lý 190 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, tổng số tiền phạt hành chính, trị giá hàng tịch thu tiêu hủy trên 527 triệu đồng. Trong đó, hàng thực phẩm, đã xử lý 51 vụ, vi phạm chủ yếu là thực phẩm chế biến như: Bột ngọt giả nhãn hiệu AJINOMOTO, sữa giả nhãn hiệu ENSURE, rượu giả nhãn hiệu Vodka Hà Nội, nước mắm giả nhãn hiệu Nam Ngư... Hàng vật tư nông nghiệp, đã xử lý 36 vụ, chủ yếu là phân bón giả nhãn hiệu, không đủ hàm lượng theo quy định, trong đó phân Kali và phân tổng hợp NPK là 2 loại sản phẩm bị làm giả nhiều nhất vì công đoạn pha trộn, nguyên liệu làm giả đơn giản, dễ kiếm (nghiền gạch non trộn với bột màu rồi trộn với phân Kali).

 

Hàng hóa mỹ phẩm, đã kiểm tra, xử lý 48 vụ, thu giữ 535 gói bột giặt OMO, 4.500 gói dầu gội đầu các loại giả nhãn hiệu của Công ty Ulevrer Việt Nam, điển hình là vụ thu giữ 312 kg (274 gói) bột giặt OMO tại Phú Bình; vụ buôn bán 4.000 gói dầu gội đầu, 275,2kg bột giặt OMO tại Phổ Yên...  Mặt hàng điện tử, cơ khí, đã kiểm tra, xử lý 37 vụ, hàng hóa tịch thu gồm 450 chiếc máy tính giả nhãn hiệu Casio; thu giữ và xử lý 1.264 chi tiết phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu HONDA.

 

Các mặt hàng tiêu dùng khác đã kiểm tra và xử lý trên 20 vụ chủ yếu tập trung ở các mặt hàng như: mũ bảo hiểm cho người đi xe máy giả nhãn hiệu AMORO, mực in giả nhãn hiệu HP, dụng cụ thể thao giả nhãn hiệu PRACE, diêm giả nhãn hiệu Thống Nhất…

 

Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát hàng giả lưu thông trên thị trường, Chi cục QLTT tỉnh thường xuyên phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền chính sách pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh, ngăn chặn hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả; hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt hàng thật hàng giả; tổ chức triển lãm hàng thật hàng giả tại các Hội chợ thương mại...

 

Tuy nhiên, công tác chống hàng giả vẫn còn thiếu đồng nhất cả về nhận thức và phương pháp; thông tin về hàng giả từ các doanh nghiệp có hàng bị làm giả, từ người tiêu dùng còn rất ít; phương tiện kỹ thuật, cơ quan giám định xác định hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế, nhất là hàng giả do nước ngoài sản xuất; việc giám định, kết luận về hàng giả hiện tại đang thuộc nhiều cơ quan khác nhau, do vậy công tác xử lý gặp nhiều khó khăn; một số các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn chồng chéo, khó áp dụng…

 

\Theo đồng chí Nguyễn Tiến Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh thì việc ngăn chặn tình trạng sản xuất, tiêu thụ hàng giả cần sự vào cuộc của cơ quan chuyên ngành, các doanh nghiệp chứ không chỉ riêng lực lượng QLTT. Về phía cơ quan QLTT, trong thời gian tới, cần phối hợp thường xuyên với các cơ quan báo chí và truyền thông để phổ biến tuyên truyền pháp luật, thông tin, hướng dẫn về hàng giả đảm bảo phản ánh đúng, kịp thời các vụ việc vi phạm, đối tượng vi phạm, hành vi, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả để xã hội lên án, người tiêu dùng biết cách phân biệt, phòng ngừa.

 

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 127 TW về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; tăng cường công tác nắm bắt thông tin, làm tốt việc dự báo tình hình thị trường, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp, giải pháp trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Làm tốt công tác quản lý địa bàn, theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường, tích cực chủ động thu thập thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng vi phạm…