Mặc dù cả khối lượng vận chuyển lẫn luân chuyển hàng hóa từ đầu năm đến nay đều tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước, song kết quả đó vẫn không làm hài lòng các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị này cho rằng, doanh thu năm nay tuy tăng, nhưng thực chất lợi nhuận thu về của doanh nghiệp lại không bằng năm trước.
Công ty CP Vận tải Gang thép là một trong những doanh nghiệp chủ lực phục vụ các hoạt động vận chuyển hàng hóa cho Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Công ty này hiện có 40 đầu xe vận tải lớn. Do thị trường khó khăn nên công suất hoạt động vận tải của Công ty chỉ tương đương với năm trước. Một lãnh đạo Công ty này tiết lộ: Năm trước, đơn vị đã phải chịu lỗ do thị trường bất ổn. Năm nay, nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu lỗ bởi gần đây mối hàng lớn nhất của Công ty (vận chuyển quặng sắt từ Cao Bằng về Thái Nguyên) đã phải dừng, không biết bao giờ mới “nối” lại được. Hiện tại, đơn vị chủ yếu tập trung phục vụ vận chuyển nội bộ tại một số mỏ thuộc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên quản lý.
Qua khảo sát một số đơn vị vận tải hàng hóa quy mô lớn khác trên địa bàn như: Doanh nghiệp Quang Anh, Doanh nghiệp Nguyên Anh, Doanh nghiệp Hữu Thành, Hoàng Minh, Phương Tân, HTX Vận tải Tân Phú, Công ty CP Ô tô số 10… nhận thấy, các đơn vị đều có chung thực trạng khó khăn, phải gồng mình để tránh thua lỗ. Từ đầu năm đến nay, hầu hết các doanh nghiệp này đều đạt mức doanh thu cao hơn so với năm ngoái, song thực tế lợi nhuận thu về lại không bằng năm trước. Cá biệt, một số đơn vị không có lãi, phải chấp nhận chịu thua lỗ. Đây là các doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa phục vụ sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng, luyện kim và chế biến vật liệu xây dựng của tỉnh nên khi thị trường bất động sản đóng băng, lượng hàng hóa tồn kho lớn đã khiến hoạt động của họ bị đình trệ theo. Theo chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải có uy tín tại phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên) thì cái đích mà các doanh nghiệp hướng tới chính là lợi nhuận. Tuy nhiên, năm nay, lợi nhuận của hầu hết các đơn vị vận tải lại không tỷ lệ thuận với doanh thu. Mặc dù doanh thu cuối năm của mỗi đơn vị có thể sẽ tăng hơn năm trước hàng chục phần trăm, nhưng chúng tôi không lấy đó làm vui bởi lợi nhuận thu về chỉ đủ trang trải các khoản đã chi.
Tại những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép, sản xuất xi măng… có quy mô lớn thì hoạt động vận tải nội bộ cũng không nằm ngoài những khó khăn chung đó. Ví dụ, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Nhà máy Xi măng Quang Sơn, Xi măng La Hiên… mặc dù có phương tiện vận tải, chủ động lưu chuyển hàng hóa nhưng do các sản phẩm lưu thông kém, sức cạnh tranh thị trường cao nên nhiều phương tiện vận tải phải nằm chờ việc nhiều ngày liền. Một lái xe vận tải của Nhà máy Xi măng La Hiên có tên là Hùng cho biết: Công việc của cánh lái xe chúng tôi giờ cũng phập phù lắm. Trước đây, khách đến mua xi măng thường thuê luôn chúng tôi vận chuyển, nhưng giờ do thị trường khó khăn, khách hàng đã tự chủ động lấy phương tiện. Bởi thế, chuyện phương tiện vận tải của Công ty không có việc làm thường xuyên là điều dễ hiểu.
Tuy khó khăn là vậy, nhưng tính đến hết tháng 9 năm 2012, lượng vận chuyển hàng hóa của cả tỉnh vẫn đạt khoảng 14,2 triệu tấn, tăng trên 16% cả về khối lượng vận chuyển lẫn khối lượng luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu vận tải hàng hóa 9 tháng qua cũng đạt trên 818,5 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ. Phần lớn khối lượng hàng hóa vận chuyển trên địa bàn là do khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh đảm nhận. Theo ông La Hồng Ninh, Phó Cục Trưởng Cục Thống kê tỉnh thì việc lĩnh vực vận tải hàng hóa đến thời điểm này vẫn tăng hơn so với cùng kỳ năm trước thực chất là bởi nhu cầu sử dụng vận tải của toàn xã hội không giảm. Hơn nữa, chỉ số giá cả vẫn leo thang (điện, than, xăng dầu và các nguyên vật liệu khác đều tăng) dẫn tới việc nâng giá cước vận tải, suy ra, doanh thu chắc chắn tăng lên. Nhưng do các chi phí lớn, lại phải cạnh tranh gay gắt bởi thị trường kém lưu thông nên dù có nâng giá cước vận tải thì lợi nhuận mà các doanh nghiệp thu về cũng thấp hơn so với trước. Theo các chuyên gia phân tích thì sự suy giảm của thị trường khi chưa chạm đáy thì chưa thể bật lên được. Vì theo quy luật phát triển hình sin, khi xuống tới điểm thấp nhất, thị trường sẽ giữ ổn định ở vị trí đó một thời gian rồi mới có đà tăng trở lại. Điều đáng bàn là hiện tại, các nhà phân tích cũng chưa biết thời điểm nào thị trường sẽ chạm đáy. Trong khi đó, hoạt động vận tải lại chủ yếu phụ thuộc vào sự lưu thông của thị trường nên với tình hình này, các doanh nghiệp vận tải vẫn còn phải hứng chịu nhiều khó khăn. Theo ông Lê Hải Linh, Trưởng Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải) thì còn một nguyên do nữa là nhiều doanh nghiệp vận tải chưa dư báo trước được tình hình lưu chuyển hàng hóa tăng, giảm thế nào nên việc đầu tư phương tiện vận chuyển không phù hợp dẫn đến dư thừa, phải xếp hàng chờ việc. Qua theo dõi của ngành thì từ đầu năm đến nay, lượng đầu xe vận tải trên địa bàn tỉnh đã tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, hiện tại, tỉnh ta đang có 154 cơ sở, doanh nghiệp và 3.722 cá thể hoạt động vận tải hàng hóa. Trong đó, doanh nghiệp Nhà nước chỉ có 1 đơn vị, còn lại là 13 hợp tác xã, 43 công ty TNHH, 17 công ty cổ phần và 80 doanh nghiệp tư nhân. Lượng đầu xe ô tô đang hoạt động tại các đơn vị, cá thể vận tải khoảng gần 4.000 chiếc với tổng trọng tải trên 25.780 tấn. Tổng số lao động đang làm việc trong lĩnh vực vận tải hàng hóa của tỉnh là 2.268 người. |