Thành công của một Tổ hợp tác sản xuất mỳ gạo Bao Thai

09:12, 25/10/2012

Với mong muốn tạo việc làm cho chị em phụ nữ nghèo, đồng thời sử dụng nguyên liệu gạo Bao Thai sẵn có của địa phương để sản xuất mỳ gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, tháng 6/2011, Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh mì gạo Bao Thai (gọi tắt là Tổ hợp tác) xóm Bản Lanh, xã Kim Phượng (Định Hóa) đã được thành lập gồm 6 thành viên. Với việc mạnh dạn đưa dây truyền sản xuất mỳ gạo liên hoàn bằng nồi điện vào sản xuất, Tổ sản xuất bước đầu đạt được hiệu quả kinh tế.

Từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa kịp nhô lên khỏi rặng tre làng, chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất mỳ gạo của Tổ hợp tác đã thấy các chị trong Tổ đang tất bật với công việc sản xuất của mình. Để chuẩn bị cho một ngày làm mỳ, các chị phải theo dõi thời tiết, tính toán thời gian để tráng và phơi mỳ vào đúng ngày có nắng, như vậy bánh tráng khi phơi không bị ẩm, mốc.

 

Chị Ôn Thị Hiền, tổ viên trong Tổ cho biết: Chúng tôi dậy từ 5 giờ sáng để hoàn tất công tác chuẩn bị cho kịp thời gian sản xuất. Để tráng mỳ gạo theo một dây chuyền phải có ít nhất 4 người đứng máy gồm các khâu: xay gạo thành bột đổ lên nồi tráng bằng điện; đặt tấm phên tre để máy quét bột tráng ra phên; tiếp đó là khâu cắt bánh tráng giữa các phên bánh và đem ra phơi nắng, phơi khô khoảng 70% rồi cho vào máy cắt thành sợi, cuối cùng là phơi khô mỳ. Các khâu trong dây chuyền này, các chị đều phải làm liên tục đến khi tráng hết bột. Khi mới tiếp nhận và đưa vào sử dụng dây chuyền sản xuất mỳ gạo này, do chưa có kinh nghiệm nên các chị trong tổ đã gặp không ít khó khăn.

 

Tổ  hợp tác sản xuất và kinh doanh mì gạo Bao Thai xóm Bản Lanh được thành lập năm 2011 với tổng số vốn đầu tư mua máy, xây dựng nhà xưởng 117 triệu đồng, trong đó, Tổ hợp tác được Dự án phụ nữ Thái Nguyên phát triển kinh tế hợp tác hỗ trợ 40 triệu đồng mua máy, còn lại các thành viên Tổ đóng góp cổ phần. Trước đây tại Định Hóa đã có một vài cơ sở sản xuất mỳ gạo Bao Thai nhưng đều của tư nhân và sản xuất chủ yếu là thủ công, do đó việc đưa máy móc sản xuất liên hoàn vào thực hiện trong Tổ sản xuất là một điều khá mới mẻ đối với chị em ở xã Kim Phượng. Theo chị Nông Thị Dung, Tổ trưởng tổ hợp tác thì với những khó khăn ban đầu, các thành viên trong Tổ đã được Dự án hướng dẫn, đào tạo kỹ năng quản lý; tập huấn kỹ thuật sản xuất mì an toàn cho các tổ viên; tư vấn về quảng bá thương hiệu…

 

Cùng với sự đồng thuận, cố gắng học hỏi không ngừng của các tổ viên từ quá trình đi thu mua thóc về làm nguyên liệu đến việc hỗ trợ nhau kỹ thuật sản xuất, đoàn kết trong quá trình đi giao, bán sản phẩm đã giúp sản phẩm mì gạo của tổ bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài huyện. Chị Dung cho hay: Mặt hàng mỳ khô của Tổ đã được nhiều khách hàng trong huyện và một số địa phương lân cận như huyện Phú Lương, T.P Thái Nguyên, Hà Nội, Tuyên Quang… biết tới và được đông đảo khách hàng ưa chuộng do mỳ ngon, được chế biến từ gạo Bao Thai. Do đó, thời gian đầu Tổ chỉ sản xuất 50kg gạo mỗi ngày nhưng đến nay khi đã có thị trường thì trung bình mỗi ngày Tổ hợp tác đã tráng được 100kg gạo, thu được 80kg mỳ khô bán ra thị trường, bình quân thu nhập của mỗi thành viên trong tổ đạt từ 1,8 triệu đồng đến 2 triệu/người/tháng.

 

Giới thiệu với chúng tôi về sản phẩm mỳ khô đã đóng gói, chị Dung cho biết: Thời gian tới, chúng tôi còn muốn đem sản phẩm mỳ gạo của địa phương đi giới thiệu ở nhiều nơi để tìm kiếm thêm thị trường nhưng e khó quá. Cái khó lớn nhất đó là sản phẩm chưa có được thương hiệu, bao bì chúng tôi cũng chỉ dám in địa chỉ nơi sản xuất và cách thức chế biến sản phẩm. Sản phẩm chất lượng nhưng chưa có được thị trường ổn định chính là những tâm sự của những người làm mỳ bằng loại gạo thơm ngon của quê hương Định Hóa luôn trăn trở.

 

Thiết nghĩ, Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh mỳ gạo Bao Thai xóm Bản Lanh thực sự là mô hình hay, có hiệu quả và cần được nhân rộng, trước là để tạo việc làm cho chị em phụ nữ, sau là lưu giữ lại một nghề truyền thống gắn liền với sản phẩm đặc trưng của địa phương là gạo Bao Thai Định Hóa. Nhưng để đạt hiệu quả tốt nhất thì rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng để hoạt động sản xuất cũng như sản phẩm của Tổ trong thời gian tới được nhiều người biết đến.