Vận tải biển của Việt Nam đang lép vế

10:32, 09/10/2012

Chi phí vận tải đường biển (logistics) ở Việt Nam khá cao chiếm tới 25% GDP, song 80% của nguồn thu này đang rơi vào túi DN nước ngoài.

 

 

Dịch vụ logistics - ngành kinh tế được coi là mũi nhọn của nhiều quốc gia - lại đang ở tình trạng “mũi tù” tại VN. Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị chuyên đề quy hoạch, quản lý khai thác cảng biển, logistics do Bộ GTVT tổ chức mới đây.

 



Theo đánh giá thực trạng ngành logistics VN thông qua chỉ số LPI (logistics performance indicator) của Ngân hàng Thế giới, năm 2012 VN đứng thứ 53/155 quốc gia với LPI là 3,00 (tăng 0,04 điểm so với năm 2010 là 2,96). Đồng thời chỉ số LSCI (chỉ số kết nối tuyền tàu container quốc tế) đánh giá về khả năng kết nối logistics với thế giới của VN còn thấp. Năm 2011, LSCI của VN là 18,35 xếp hạng 20/162 quốc gia (trong khi năm 2010 là 5,26 xếp hạng 36/162 quốc gia).



Bộ GTVT đang khẩn trương xây dựng trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện đề án đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, kho tàng bến bãi tại các cảng biển lớn, các địa điểm thông quan hàng hóa XNK đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời bộ cũng xây dựng và triển khai đề án nâng cao năng lực thị phần vận chuyển hàng hóa XNK của các DNVN, thực hiện quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển VN, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, đường thuỷ, đường sắt kết nối với cảng biển; ưu tiên phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng vận tải tại các vùng trọng điểm; quy hoạch xây dựng hệ thống cảng cạn VN đến năm 2020, định hướng đến 2030. Bên cạnh đó kêu gọi Nhà nước và tư nhân kết hợp đầu tư xây dựng, khai thác mạng lưới phương tiện vận tải đa phương thức, đủ khả năng cung ứng dịch vụ logistics quốc tế, góp phần giảm thời gian và giá thành vận tải.



Đây cũng là những giải pháp đồng bộ để giành lại thị phần logistics vốn đang tuột khỏi tay Việt Nam.