Vì sao sản xuất công nghiệp khó hoàn thành kế hoạch?

10:51, 18/10/2012

Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) theo kế hoạch đề ra năm nay của tỉnh là phải đạt 15.400 tỷ đồng, trong khi đó kết thúc quý III của năm chúng ta mới đạt được 64,3%, tương đương với giá trị 9.900 tỷ đồng. Như vậy, 3 tháng còn lại của năm phải đảm bảo giá trị thực hiện 5.500 tỷ đồng mới có thể hoàn thành kế hoạch. Đây quả thực là vấn đề khó khăn bởi bình quân mỗi tháng chúng ta chỉ thêm được khoảng 1.100 tỷ đồng…

Theo ông Đôn Văn Thủy, Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Công Thương) thì việc hoàn thành kế hoạch GTSXCN của tỉnh năm nay là rất khó nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Bởi một lẽ, để đạt được chỉ tiêu đề ra trong 3 tháng còn lại, đòi hỏi mỗi tháng chúng ta phải đảm bảo GTSXCN vượt so với bình quân chung của mỗi tháng trước đó là 700 tỷ đồng (tức là cao hơn 1,6 lần).

 

Điều đó là khó khả thi. Theo nhận định của chúng tôi, nếu có đột biến thì mức tăng giá trị mỗi tháng cũng chỉ lên từ 200 đến 300 tỷ đồng là cùng. Và giả sử mỗi tháng có thể đạt 1.400 tỷ đồng đi chăng nữa thì cộng cả 3 tháng còn lại chúng ta vẫn hụt mất khoảng 1.300 tỷ đồng. Như vậy có thể nói, năm nay tiếp tục là năm thứ 2 liên tục chúng ta không thể hoàn thành kế hoạch về GTSXCN. Tuy vậy, chúng ta có một chút an ủi bởi so với bình quân chung của cả nước chỉ số toàn ngành công nghiệp của tỉnh vẫn cao hơn gần 2%.

 

Về vấn đề này, các nhà phân tích cho rằng có nhiều nguyên nhân. Ngoài những nguyên nhân khách quan do tác động mạnh mẽ từ nền kinh tế đang khó khăn còn có những yếu tố chủ quan. Trong đó có vấn đề về xây dựng kế hoạch, dự tính, dự báo tình hình kinh tế, thị trường của các nhà chuyên môn. Năm 2011, kế hoạch GTSXCN được xây dựng cao hơn so với năm 2010 là 13%, nhưng năm 2012 kế hoạch lại được bố trí cao trên 16% so với chỉ tiêu hoàn thành của năm 2011. Các nhà xây dựng kế hoạch đã chứng minh và giải trình trước tỉnh về việc có sự tăng mạnh so với trước là bởi đã nhìn thấy nguồn tăng thêm từ một số dự án sản xuất quy mô lớn trên địa bàn. Nguồn tăng thêm đó chính là Dự án xây dựng Nhà máy Cán thép Thái Trung công suất 500 nghìn tấn/năm đi vào hoạt động trong năm 2012 (kỳ vọng đóng góp khoảng trên 800 tỷ đồng), nhưng đến nay Dự án này vẫn chưa thể cho ra sản phẩm.

 

Ngoài ra, nguồn tăng thêm còn được trông vào Dự án may Shinwon Hàn Quốc với kỳ vọng mỗi năm đạt giá trị 1.000 tỷ đồng, nhưng hiện tại mới đóng góp được mấy chục tỷ đồng. Cùng với đó, các nhà quy hoạch cũng đề xuất thêm một số dự án có thể đóng góp vào GTSXCN năm nay là: Nhà máy Luyện gang của Công ty CP Luyện Kim đen đóng góp khoảng 45 tỷ đồng; Dây chuyền sản xuất phụ tùng ô tô tại xã Trung Thành (Phổ Yên) đóng góp khoảng 45 tỷ đồng; các xưởng cán, kéo thép tại T.X Sông Công khoảng 20 tỷ đồng; các dự án sản xuất gạch tuynel đóng góp khoảng 46 tỷ đồng; các mỏ chì, kẽm, than và một số dự án quy mô nhỏ khác đóng góp khoảng 70 tỷ đồng…

 

Tất cả những kỳ vọng về nguồn giá trị tăng thêm đó cộng với mức tăng trưởng nội tại (từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã có) khoảng 10% (tương đương khoảng 1.320 tỷ đồng), các nhà xây dựng kế hoạch mới đề xuất GTSXCN của tỉnh năm 2012 ở mức 15.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều kỳ vọng đó thực tế lại không được như mong muốn bởi hầu hết các dự án phát sinh mới trong năm (nguồn tăng thêm) đều nằm bất động, một số ít hoạt động nhưng chưa mang lại giá trị đáng kể.

 

Điều đáng quan tâm nữa là một số sản phẩm công nghiệp chủ lực, đóng góp quan trọng vào GTSXCN của tỉnh như thép, than, điện, gạch xây dựng lại giảm rất nhiều so với năm trước và với dự tính do gặp khó khăn trong tiêu thụ. Cụ thể, 9 tháng qua, thép cán chỉ sản xuất được 553 nghìn tấn, giảm 10,5% so với cùng kỳ, bằng 55,3% kế hoạch năm; than đạt sản lượng 846 nghìn tấn, giảm 13%, bằng 57,6% kế hoạch; điện sản xuất được 478 triệu KWh, giảm 11,5%; gạch xây dựng sản xuất được 85 triệu viên, giảm 17,4%... Sản lượng xi măng có tăng hơn cùng kỳ những cũng mới đạt được 62,8% kế hoạch và bằng 50% sông suất thiết kế.

 

Có thể thấy, trong khi giá tiêu dùng liên tục tăng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, dẫn đến nguy cơ lạm phát, sức mua giảm, tình trạng tồn kho lớn thì thị trường tài chính, tín dụng vẫn ảm đạm, cộng với chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng…sẽ tiếp tục gây nhiều bất lợi cho sản xuất kinh doanh. Điều đó một lần nữa cho thấy việc hoàn thành kế hoạch GTSXCN mà tỉnh đề ra trong năm 2012 này là rất khó có thể thực hiện.