Vượt khó, bảo đảm việc làm cho người lao động

10:34, 16/10/2012

9 tháng năm 2012, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá hiện hành) của thị xã đạt gần 3,2 nghìn tỷ đồng, bằng 73,5% kế hoạch năm, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, theo đánh giá của phòng Kinh tế thị xã, giá trị sản xuất công nghiệp trên so với cùng kỳ 2011 tuy có tăng nhưng chủ yếu do chỉ số giá tiêu dùng tăng, nếu so với kế hoạch của tỉnh và HĐND thị xã đã đề ra thì vẫn còn đạt thấp.

Trong 9 tháng qua, những yếu tố không thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có thể kể đến như: giá nguyên liệu, điện, xăng tăng cao, thị trường tiêu thụ hàng hóa bị thu hẹp làm cho lượng hàng hóa tồn kho ở mức cao… làm tăng chi phí giá thành sản phẩm. Giá thành sản phẩm tăng đối lập với mục tiêu tăng trưởng và tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp bởi hiện tại việc tiêu thụ sản phẩm và tăng giá sản phẩm đầu ra là rất khó khăn. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đang hoạt động tại T.X Sông Công đã có nhiều biện pháp để duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, ổn định mức thu nhập cho người lao động.

Công ty TNHH Minh Liễu là công ty dân doanh có trụ sở tại phường Phố Cò, T.X Sông Công chuyên kinh doanh sắt thép, chủ yếu là thép Tisco và thép Việt Nam Singapo, trước đây, Công ty bán được gần 3 nghìn tấn/tháng, nhưng bắt đầu từ cuối năm 2011, sản lượng thép tiêu thụ giảm xuống đáng kể, hiện nay chỉ bán được trung bình khoảng 1 nghìn tấn/tháng, giảm 2/3 tổng sản lương kinh doanh so với trước kia. Ông  Đỗ Văn Thu, Giám đốc Công ty cho biết: Vì khó khăn nên nhiều thời điểm việc kinh doanh bị lỗ. Để duy trì công việc và đảm bảo trả lương cho hơn 20 người lao động, Công ty phải chấp nhận bỏ tiền từ các nguồn khác để trả lương cho công nhân. Một điều may mắn cho Công ty là vào quý II, Nghị quyết số 13 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ thị trường được thực thi. Đây có thể được coi như chiếc phao cứu sinh đối với chúng tôi. Bởi vì, với số tiền trên 2,1 tỷ đồng được giãn thuế giá trị gia tăng, chúng tôi đã trả được gốc món nợ cũ vay ngân hàng với lãi suất 18% để tiếp cận với nguồn vốn mới lãi suất là 12%. và đầu tư mua xe vận tải 7 tấn với giá 1 tỷ đồng để khai thác và đáp ứng nhu cầu khách hàng nhỏ lẻ trên thị trường chứ không chỉ trông cậy vào bán buôn như trước".

Nghị quyết số 13 của Chính phủ cũng là một yếu tố giúp Công ty Cổ phần Thép Thái Nguyên (thuộc Khu Công nghiệp Sông Công) tiếp tục ổn định việc sản xuất kinh doanh và đảm bảo việc làm và thu nhập bình quân 2,8 triệu đồng/người/tháng cho 140 người lao động. Ông Trịnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Công ty được hỗ trợ giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng với số tiền trên 800 triệu đồng. Số tiền này chúng tôi đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động của Công ty trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao, chúng tôi đã cơ cấu lại ngành nghề sản xuất và tổ chức lại sản xuất. Tại KCN Sông Công, chúng tôi có 4 ngành nghề sản xuất là: luyện thép, cán thép, nhựa và pin. Bước vào năm 2012, chúng tôi tập trung tối đa cho ngành luyện thép và cán thép bởi đây là ngành nghề chủ lực.

Còn Công ty TNHH Nhà nước MTV Diesel Sông Công tuy không được hưởng ưu đãi từ Nghị quyết số 13 của Chính phủ nhưng cũng đã có những cách làm riêng để duy trì sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách Nhà nước gần 9 tỷ đồng, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 9,4 tỷ đồng và đảm bảo công việc ổn định cho trên 1,1 nghìn lao động. Ông Phạm Hùng Thái, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Ngay từ đầu năm, Công ty đã tích cực tìm hiểu thông tin thực tế để tăng cường hợp tác với khách hàng; thông báo công khai tình hình khó khăn của thị trường cho cán bộ, công nhân viên cùng biết và xây dựng một số kế hoạch thích ứng để khắc phục khó khăn, đồng thời ban hành các chính sách, thực thi một số giải pháp điều hành sản xuất kịp thời, linh hoạt, nhất là khuyến khích các kỹ sư thuộc khối kỹ thuật phát triển thêm sản phẩm mới để tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường, bù đắp vào các sản phẩm giảm sản lượng...

Vì vậy, 9 tháng qua, Công ty đã có tổng giá trị sản xuất đạt 380 tỷ đồng, bằng 68% kế hoạch năm; doanh thu đạt 390 tỷ đồng, bằng 71% kế hoạch năm. Công ty vẫn bảo đảm việc làm ổn định cho trên 1,1 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân là 5,3 triệu đồng/người/tháng. Chị Trịnh Thị Thuận, công nhân xưởng cơ khí 1 cho biết: Từ đầu năm đến nay, tôi bị điều chỉnh thời gian làm việc xuống còn 22 công/tháng thay vì mức 28 công/tháng như trước kia. Do đó, thu nhập của tôi cũng giảm từ 5 triệu đồng/tháng xuống chỉ còn trên 4 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, tôi biết rằng, hiện tại, Ban lãnh đạo Công ty đang rất cố gắng để tạo điều kiện cho hơn 1,1 nghìn công nhân như tôi tiếp tục làm việc trong khi sản phẩm cơ khi tiêu thụ chậm. Chúng tôi hiểu và đồng lòng chia sẻ khó khăn với Công ty.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các biện pháp vượt khó như các doanh nghiệp trên, biện pháp khá phổ biến được các doanh nghiệp của thị xã áp dụng trong lúc khó khăn là cắt giảm chi phí. Các dự án, khoản đầu tư máy móc thiết bị kinh phí cho các hoạt động chưa cần ngay đều bị cắt giảm. Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng áp dụng chế độ thưởng, phạt rõ ràng; khuyến khích tăng năng suất lao động đồng thời khai thác tối đa hiệu quả của máy móc để tăng sản lượng sản phẩm trên cùng mức chi phí đầu vào. Đồng thời, tiết kiệm điện trong sản xuất là biện pháp hiệu quả mà các doanh nghiệp đều áp dụng. Nhiều doanh nghiệp đã chia ca sản xuất, tránh giờ sản xuất vào giờ dùng điện cao điểm trong ngày....

Nói về vấn đề này, ông Tạ Văn Hạt, Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết: Vào thời điểm năm 2008, khi khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã cắt giảm nhân công sau đó rơi vào tình trạng thiếu lao động. Rút kinh nghiệm từ đó, hiện nay các doanh nghiệp đều hạn chế cắt giảm lao động, chú trọng đến chăm lo đời sống để “giữ chân” người lao động chờ khôi phục lại sản xuất. Điều này không chỉ có lợi cho người lao động mà còn giúp cho thị xã duy trì mục tiêu phát triển năm 2012.