Được giao một diện tích đất lớn, nhưng do công tác quản lý lỏng lẻo của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng (gọi tắt là các nông, lâm trường) đã dẫn đến tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng đất không đúng mục đích, không phát huy được hiệu quả. Đây là vấn đề bất cập diễn ra từ nhiều năm nay, đang cần sự chung tay tháo gỡ của nhiều ngành, cấp và đặc biệt là chính các nông, lâm trường (NLT).
Kỳ I: Công tác quản lý đất bị buông lỏng
11 NLT gồm có: 3 công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh (là: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đại Từ, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Võ Nhai, Công ty TNHH MTV chè Phú Lương); 3 ban quản lý (BQL) thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT (là: BQL rừng phòng hộ hồ Núi Cốc, BQL rừng ATK Định Hóa, BQL Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng; 3 công ty lâm nghiệp trực thuộc tổng công ty (là: Công ty Lâm nghiệp Thái Nguyên, Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Đông Bắc - Chi nhánh Lâm trường Phúc Tân (thuộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam), Chi nhánh Chè Sông Cầu (thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam); 2 công ty cổ phần (là: Công ty CP chè Quân Chu và Công ty CP Chè Bắc Sơn). |
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 NLT với tổng diện tích đất được giao theo sổ sách trên 81 nghìn ha. Sau một thời gian dài không quản lý được, đến nay, nhiều diện tích đang có tranh chấp, bị lấn chiếm...
Gần 14 nghìn ha đất đang có tranh chấp, bị lấn chiếm
Qua con số này phần nào cho thấy công tác quản lý đất đai của các NLT từ trước đến nay là rất yếu kém. Được giao một diện tích đất lớn, nhưng trên thực tế, các NLT chỉ sử dụng một phần nhỏ. Cụ thể, diện tích thực tế mà các NLT đang sử dụng là hơn 4.000ha (trong tổng số hơn 81 nghìn ha đất được giao). Phần còn lại giao khoán cho người lao động hoặc để hoang. Qua nhiều năm không thực hiện kê khai đất đai, đến nay hầu hết các NLT đều thiếu hệ thống hồ sơ đất đai, không có quy hoạch sử dụng đất, chưa có bản đồ địa chính, nhiều đơn vị không chỉ ra được ranh giới phạm vi đất do mình quản lý, dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm. Vì vậy, diện tích đất được giao trước đây của các NLT hầu hết đều bị… thu hẹp.
Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Võ Nhai là một điển hình. Năm 1992, diện tích đất được xác định giao cho Công ty quản lý, sử dụng là 6.764ha. Tuy nhiên, đến năm 2009, khi thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, thống kê thì diện tích đất lâm nghiệp do Công ty quản lý chỉ còn lại 1.887ha. Toàn bộ diện tích này hiện nay đều do các hộ dân, cá nhân đang sử dụng để trồng cây lâu năm, có trường hợp có hợp đồng giao khoán, nhiều trường hợp không có hợp đồng giao khoán. Vì trong quá trình quản lý, sử dụng, Công ty không thực hiện kê khai đầy đủ nên đến nay, bản thân đơn vị cũng không chỉ ra được ranh giới và diện tích cụ thể. Hiện, Công ty chỉ trực tiếp quản lý được khu văn phòng Công ty, vườn ươm, văn phòng các đội lâm nghiệp ở các xã với tổng diện tích chưa đầy 1ha, trong số đó chỉ có khu văn phòng Công ty có diện tích 714m2 là đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSD). Tương tự như vậy, năm 1978, Chi nhánh Chè Sông Cầu (thuộc Tổng Công ty Chè Việt Nam) cũng được giao quản lý 2.091ha đất. Nhưng đến nay, một phần trong số đó đã bị lấn chiếm, đối với một số diện tích đất trồng chè thì người dân đã tự ý chuyển đổi sang trồng keo. Sau khi xác định lại, diện tích đất thuộc quyền quản lý của Chi nhánh còn lại là 1.790,67ha…
Đó chỉ là 2 ví dụ về tình trạng đất đai ở các NLT đã và đang xảy ra tranh chấp, lấn chiếm. Theo con số thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường thì hiện nay có trên 14 nghìn ha đất ở các NLT đang có tranh chấp, bị lấn chiếm, con số này nhiều hơn gấp nhiều lần diện tích đất mà các NLT hiện đang sử dụng. Trong số 11 NLT đến nay mới có 5 đơn vị đo đạc diện tích đất và lập bản đồ địa chính là: Công ty TNHH Một thành viên (MTV) Lâm nghiệp Đại Từ, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Võ Nhai và Công ty TNHH MTV Chè Phú Lương, Ban quản lý (BQL) rừng ATK Định Hóa, BQL khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng. Ngoài ra, BQL rừng phòng hộ hồ Núi Cốc đang triển khai đo đạc, còn lại các NLT khác đều chưa có bản đồ địa chính.
NLT muốn “trả”, dân muốn “nhận”, nhưng…
Không đủ năng lực quản lý, bản thân các NLT cũng rất muốn bàn giao diện tích đất không sử dụng đến cho địa phương, chỉ giữ lại một diện tích nhỏ hiện đang sử dụng. Ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Chi nhánh Chè Sông Cầu cho biết: “Từ trước tới nay, trong diện tích đất mà Công ty sử dụng thì chỉ có khu văn phòng, nhà xưởng, lán trại để thu mua chè với tổng diện tích trên 2ha. Ngoài ra còn 400ha chè Công ty đang sản xuất, đối với toàn bộ diện tích còn lại nhân dân vẫn sử dụng để ở và sản xuất từ nhiều năm nay. Chi nhánh đã vài lần đề nghị được bàn giao lại diện tích này cho địa phương để giảm bớt những phức tạp. Thực tế Công ty đã gặp nhiều rắc rối bởi mỗi khi có trường hợp tranh chấp, chúng tôi lại phải đứng ra giải quyết. Đấy là chưa kể thời gian trước, khi Nhà nước thu thuế đất nông nghiệp, Công ty còn phải đến từng hộ thu để nộp vào ngân sách... Thế nhưng cho đến giờ, việc bàn giao vẫn chưa thể tiến hành”.
Trong khi đó, người dân thì lại từng ngày mong mỏi được cấp GCNQSD đối với diện tích đất mà họ đã sinh sống và sản xuất trên đó từ nhiều năm nay. Chi nhánh chè Sông Cầu vào thời điểm đông công nhân nhất có khoảng 1.800 người, ứng với trên 1.000 hộ. Các hộ này đều được mượn đất của NLT để làm nhà ở, được giao khoán diện tích đất nông nghiệp để sản xuất và cho đến tận bây giờ đa phần họ vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ, điều này đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của các hộ dân ở đây. Bà Lê Thị Lan, xóm Liên Cơ, thị trấn Sông Cầu tâm sự: Năm 1973, tôi vào làm công nhân của Nông trường Chè Sông Cầu và được giao mượn gần 800m2 đất để xây dựng nhà cửa, tăng gia sản xuất cùng với khoảng 1.500m2 đất trồng chè. Năm 2007, do không có khả năng sản xuất trên diện tích chè được giao, tôi đã chuyển nhượng cho người khác, gia đình tôi chỉ giữ lại gần 800m2 đất để ở và tăng gia. Thế nhưng, mãi đến tận bây giờ, gia đình tôi vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ, điều này khiến chúng tôi không thể yên tâm. Nhiều lúc muốn vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế nhưng do không có gì để thế chấp nên không thể tiếp cận được với nguồn vốn vay…
Cũng cùng hoàn cảnh với bà Lan, ông Nguyễn Văn Đông ở thị trấn Sông Cầu lại có tâm sự khác: Trước đây, cả hai vợ chồng tôi đều làm việc trong Nông trường chè và được giao khoán trên 1.000m2 chè. Sau khi chúng tôi nghỉ hưu, gia đình vẫn bám vào diện tích chè này để sinh sống. Nhưng mấy năm gần đây, các con tôi đã trưởng thành và xây dựng gia đình riêng, nhà chỉ còn hai vợ chồng tuổi cao, sức yếu nên chỉ làm được một nửa diện tích chè được giao, còn lại không chăm sóc được nên năng suất rất kém. Tôi rất muốn được chuyển sang trồng keo để bớt công chăm sóc, nhưng mãi vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ để có thể đầu tư chuyển đổi...
Được biết hiện nay trên toàn tỉnh có khoảng 10 nghìn hộ đang sinh sống và sản xuất trên đất NLT và hầu hết họ đều chưa được cấp GCNQSD đất, gây tâm lý hoang mang, không yên tâm sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống và phát triển kinh tế. Nguyên nhân người dân chưa được cấp GCNQSDĐ là do diện tích đất mà họ đang sinh sống, sản xuất hiện vẫn thuộc quyền quản lý, sử dụng của các NLT. Theo quy định, để có thể làm thủ tục cấp GCNQSĐ cho dân thì các NLT phải bàn giao lại diện tích đất này cho địa phương trước, và để các NLT bàn giao đất được cho địa phương thì theo yêu cầu của tỉnh, các NLT phải xác định rõ diện tích đất còn nhu cầu sử dụng, trên cơ sở đó tiến hành làm thủ tục cấp GCNQSĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Đối với diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng, các NLT phải làm thủ tục bàn giao cho địa phương. Để làm được như vậy, các NLT phải tiến hành rà soát lại diện tích đất thuộc quyền quản lý, sử dụng, thế nhưng công việc rà soát hiện nay đang được thực hiện một cách hết sức ì ạch... Vì vậy, mặc dù các NLT muốn “trả”, người dân thì muốn “nhận”, nhưng việc này đang gặp nhiều khó khăn...
(Còn nữa)