Các chủ trang trại nuôi gà: Cần được tiếp sức

16:01, 30/11/2012

Trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện có hàng trăm hộ dân nuôi gà công nghiệp với quy mô từ 2.000 đến trên 10.000 con/lứa. Những người có thâm niên nuôi gà công nghiệp cho biết: Chưa khi nào giá gà giảm mạnh như thời gian gần đây, cũng chưa khi nào người nuôi gà thua lỗ, suy kiệt như thời điểm này.  

Điêu đứng vì gà

 

Đầu tư xây dựng chuồng trại hết hơn 600 triệu đồng, số tiền phải vay 400 triệu đồng, qua hơn 1 năm nuôi gà công nghiệp, gia đình ông Nguyễn Đình Cứ xóm Gò Chè, xã Cao Ngạn đang mang món nợ gần 1 tỷ đồng. Ông Cứ chua xót: “Nuôi 5 lứa gà (mỗi lứa 8.000 con), tính ra nhà tôi lỗ mất 4 lứa, lứa lỗ nặng nhất tới gần 300 triệu đồng. Bao năm tích cóp, đầu tư vào trang trại như đánh một canh bạc đen đủi…”.     

 

Xóm Y Na 1, xã Tân Cương có 13 hộ dân nuôi gà công nghiệp quy mô từ 2,5 nghìn đến 5 nghìn con/lứa, chủ yếu được xây dựng từ 2 năm trở lại đây, nhưng hiện có 7 hộ đã “treo” chuồng vì thua lỗ liên tục, cạn kiệt nguồn vốn. Một vài hộ xây dựng chuồng trại mới đúng thời điểm giá gà giảm sâu nên không dám “vào” gà, những hộ đang có kế hoạch đầu tư trang trại nuôi gà công nghiệp đành phải từ bỏ. Gia đình ông Nguyễn Tuy Hùng mới xây dựng trang trại nuôi gà lông trắng từ tháng 6/2011, sau 4 lứa gà đã thua lỗ trên 200 triệu đồng…

 

Theo nhiều người chăn nuôi gà công nghiệp, thời điểm dịp Tết Nguyên đán, giá gà xuống tới 19 nghìn đồng/kg, trong khi chi phí bỏ ra từ 28 đến 30 nghìn đồng/kg. Từ đầu năm tới nay, giá chỉ nhích lên được 1 lần vào tháng 7, hiện tại là khoảng 26 nghìn đồng/kg. Người dân cho rằng, tình trạng nhập lậu ồ ạt gà thải loại từ Trung Quốc là nguyên nhân chính làm cho giá gà công nghiệp giảm mạnh và khó tiêu thụ như hiện nay, bằng chứng là khi nào Nhà nước ngăn chặn hiệu quả tình trạng gà lậu thì giá trong nước lại được cải thiện. Trong khi giá gà rất thấp thì giá thức ăn chăn nuôi lại không ngừng tăng (từ đầu năm tới nay, giá mỗi bao cám gà tăng trung bình 20 nghìn đồng), một số loại thức ăn cho gà còn bị làm giả hoặc chất lượng kém. Lợi dụng tình hình khó khăn, các thương lái thường ép giá hoặc nâng tiêu chuẩn gà xuất chuồng.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải: Giá gà công nghiệp thương phẩm thấp là do cung đang vượt quá cầu, sự suy giảm sức mua trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong khi gà nhập lậu chưa được kiểm soát tốt. Mặt khác, đa số người chăn nuôi thiếu thông tin thị trường nên thường nuôi theo phong trào, số lượng và thời điểm đầu tư chưa thực sự hợp lý. Nhiều chủ trang trại đầu tư chăn nuôi gà quy mô lớn nhưng kinh nghiệm, kiến thức về khoa học kỹ thuật, thị trường chưa kịp “lớn” nên tiềm ẩn nhiều rủi ro…

 

 “Thua lỗ vì gà phải đứng lên từ gà”

 

Bên cạnh những chủ trang trại gà công nghiệp không thể cầm cự nổi do thua lỗ liên tục, phải “treo” chuồng thì không ít hộ vẫn “gồng mình” tái đàn. Gia đình ông Nguyễn Tuy Hùng vừa nhập 3.500 con gà giống về nuôi, ông cho biết: Nếu giá cả thuận lợi thì cứ sau mỗi lứa gà 45 ngày, người nuôi vài nghìn con gà công nghiệp có thể thu lãi từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nên dù biết có nhiều khả năng lỗ thêm, tôi vẫn tái đàn với hy vọng giá lên, nếu không cũng chẳng biết trông vào đâu để có tiền trả nợ, trong khi bỏ phí hàng trăm triệu đồng đã đầu tư xây dựng trang trại, mua sắm thiết bị.

 

Thực tế là các chủ trang trại nuôi gà công nghiệp còn dư nợ tại ngân hàng đều có nguyện vọng được giãn nợ và điều chỉnh giảm lãi suất, hoặc vay mới để đầu tư tái đàn. Tháng 8/2012, Chính phủ đã ban hành văn bản số 1149/TTg-KTN về một số chính sách cấp bách hỗ trợ sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Theo đó, các ngân hàng sẽ thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với các khoản đã vay, tiếp tục cho vay mới với mức lãi suất thất nhất đến 11%/năm cho một số đối tượng, trong đó có các hộ gia đình, trang trại… Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn thành phố chưa biết đến thông tin này.

 

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: Chúng tôi đang tiến hành rà soát để giãn nợ và giảm lãi suất các khoản đã vay cho những trang trại chăn nuôi đang tạm thời gặp khó khăn, một số ít đã được vay mới với lãi suất 11%/năm. Tuy nhiên, cái khó là chúng tôi chưa được cấp vốn từ các nguồn cho chương trình này, vẫn phải sử dụng nguồn vốn huy động lãi suất cao trước đó, trong khi nhiều trang trại chăn nuôi chưa hiệu quả, tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên nguy cơ phát sinh nợ xấu cao.

 

Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành thì từ giờ đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, ngành chăn nuôi nói chung có nhiều cơ hội phục hồi, giá đầu ra rất có thể được cải thiện do nhu cầu gia tăng, tất nhiên là phải ngăn chặn được tình trạng nhập lậu gà. Đây sẽ là cơ hội cho những hộ chăn nuôi gà công nghiệp nếu còn đủ tiềm lực tái đàn. Để người chăn nuôi gà công nghiệp nói riêng, chăn nuôi nói chung vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay rất cần có sự thực hiện tích cực các giải pháp hỗ trợ theo tinh thần công văn số 1149/TTg-KTN của Chính phủ, đồng thời sớm triển khai Đề án phát triển chăn nuôi đến năm 2020.

 

Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Người nuôi gà công nghiệp nên tái đàn với quy mô hợp lý, quan tâm hơn đến công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phải thường xuyên nắm bắt thông tin về thị trường qua các kênh chính thống…”

Ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh: “Chúng tôi sẽ giải quyết cho các chủ trang trại vay với lãi suất theo quy định nếu họ có phương án sản xuất khả thi, đồng thời có tối thiểu 20% vốn tự có. Điều kiện cuối cùng mới là tài sản thế chấp…”.