Các doanh nghiệp sản xuất thép: Bản lĩnh đối diện khó khăn

09:38, 26/11/2012

Thời gian qua, sự cắt giảm chi tiêu công, cộng với thị trường bất động sản đóng băng, chính sách tiền tệ thắt chặt… đã khiến cho nhiều doanh nghiệp trong ngành thép trở nên điêu đứng. Đây có lẽ là lúc “nước sôi, lửa bỏng” nhất của ngành thép, vậy nên các doanh nghiệp đang đứng trước sự lựa chọn sinh tồn: Ngồi chờ “cánh cửa” bất động sản và chi tiêu công mở ra hay tự thân vận động tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho mình?

 

Tính đến hết tháng 10 / 2012, toàn ngành thép của tỉnh chỉ sản xuất được trên 600 nghìn tấn, giảm 2,4% so với cùng kỳ và chỉ đạt 61,1% kế hoạch cả năm. Tổng lượng thép tồn kho trên địa bàn toàn tỉnh ở thời điểm này xấp xỉ khoảng 100 nghìn tấn, gần như cao nhất từ trước đến nay.

 

Như “ngồi trên đống lửa”

Với tỉnh, thép là sản phẩm công nghiệp chủ lực. Với ngành thép, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên là đơn vị sản xuất chủ đạo. Bởi vậy, khi sản phẩm chủ lực gặp khó khăn thì đơn vị sản xuất chính cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Từ đầu năm đến nay, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên chỉ tiêu thụ được khoảng 450 nghìn tấn thép các loại, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước, bằng 73,6% kế hoạch năm. Dự ước cả năm nay, tiêu thụ thép của đơn vị chỉ đạt khoảng 93% kế hoạch, tức là đạt khoảng 566 nghìn tấn. Lượng thép tồn kho của Công ty cũng đang ở mức 45 nghìn tấn. Mấy tháng gần đây, quỹ lương trong toàn Công ty đã phải giảm khoảng 17%. Để duy trì việc làm và đời sống cho gần 6.000 lao động, hiện tại Công ty đang phải rất nỗ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn này.

 

Cũng như Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, khoảng 50 đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh thép khác trên địa bàn tỉnh đang “ngồi trên đống lửa” bởi hàng hóa ế ẩm mà lượng vốn vay lãi ngân hàng vẫn phải thanh toán hàng tháng. Công ty CP Thương mại Thái Hưng, Công ty Thép Hà Căn, Công ty TNHH NatSteelVina, Công ty CP Cán thép Thăng Long… là những đơn vị có uy tín trong ngành thép của tỉnh, song thời gian này cũng đang phải gồng mình để duy trì hoạt động, tránh thua lỗ và cắt giảm nhân công. Ngoài vấn đề phải đối chọi với những tác động xấu từ thị trường trong nước, ngành thép của tỉnhcòn bị ảnh hưởng bởi “cuộc chiến” không mấy cân sức với thép nhập khẩu Trung Quốc. Trong khi đó, thép nội địa lại đang bước vào giai đoạn “khủng hoảng thừa”

 

“Cánh cửa” vẫn chưa mở

 

Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành thép đáng lẽ phải tích cực tìm phương án tháo gỡ cho mình thì lại có ý trông chờ vào khả năng mở cửa sớm của đầu tư công và thị trường bất động sản. Theo ông Phạm Văn Quang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên thì suy nghĩ đó là một sai lầm đối với bất cứ một doanh nghiệp sắt thép nào vào lúc này, bởi theo dự báo chuyên môn thì thị trường bất động sản nhanh thì cũng phải 2 năm nữa mới bắt đầu hồi phục, còn đầu tư công thì năm 2013 tới đây vẫn chưa thể nới lỏng.

 

Với Thái Nguyên, năm 2012 nguồn ngân sách Nhà nước chỉ dành cho khởi công mới 6 công trình với tổng giá trị khoảng 28 tỷ đồng. Theo kế hoạch thì năm 2013 gần như tỉnh sẽ không khởi công mới công trình nào. Nguồn vốn từ ngân sách sẽ ưu tiên để trả các khoản nợ đã đến hạn phải trả; chi trả cho các công trình đã hoàn thành, có quyết toán; đối ứng các dự án và các công trình chuyển tiếp… Như vậy, “cánh cửa” đầu tư công năm tới gần như vẫn đóng chặt.

 

 Còn đối với thị trường bất động sản thì sao? Xin thưa, cả tỉnh hiện có tới mấy chục dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư, song thực tế hiện nay phần lớn các dự án trên đều nằm bất động. Hạ tầng khu dân cư chưa hoàn thiện khiến nhà đầu tư cũng như các hộ cá thể có muốn xây công trình thương mại, nhà để ở cũng rất khó. Giao dịch bất động sản thời gian qua cực kỳ ảm đạm. Ngay cả việc Nhà nước tổ chức đấu giá đất nhưng phải thông báo bán hồ sơ mấy lần mà có rất ít người tham gia. Nhiều trường hợp đấu thầu không thành công, sau phải tiến hành chỉ định hoặc hạ giá đất thì mới có người mua. Tất cả những điều đó dẫn đến sự đình trệ của thị trường thép xây dựng của tỉnh thời gian qua và cả giai đoạn tới.

 

Không thể chỉ đứng chờ

 

Như vậy, đã đến lúc các doanh nghiệp trong ngành thép không thể đứng chờ được nữa. Theo các nhà chuyên môn thì để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp ngành thép cần phải quyết liệt giảm chi phí tài chính trong sản xuất kinh doanh bằng các biện pháp tiết kiệm nguyên, nhiên liệu đầu vào để làm sao hạ giá thành sản phẩm, thúc đẩy cạnh tranh. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu, cải thiện khả năng cạnh tranh và đầu tư mạnh về công nghệ. Với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, giai đoạn này đơn vị cũng đang tiến hành hoàn thiện phương án tái cơ cấu vốn tại các doanh nghiệp có tham gia góp vốn; tập trung đầu tư mở rộng quy mô sản xuất (giai đoạn 2) với các dây chuyền công nghệ tiên tiến; thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhằm giảm chỉ tiêu tiêu hao trong sản xuất; theo dõi bám sát thị trường, ưu tiên công tác tiêu thụ sản phẩm bằng việc củng cố hệ thống bán hàng tại các chi nhánh, đồng thời tăng cường giá trị xuất khẩu.

 

Trước gian nan, phải thừa nhận một số ít doanh nghiệp đã rất bản lĩnh đối diện với thực tế, tự bươn trải tìm kiếm đối tác để dần thoát ra khỏi khó khăn. Giám đốc Công ty Thép Hà Căn, bà Đinh Thị Thu Hà thẳng thắn: Đúng là lúc “nước sôi, lửa bỏng” này doanh nghiệp không thể đứng chờ mà cần phải đương đầu trực tiếp với nó. Muốn vậy, không còn cách nào khác là phải dũng cảm đối diện với khó khăn. Đối với Doanh nghiệp, dù vẫn còn lượng tồn kho cả chục nghìn tấn, song doanh thu của đơn vị năm nay dự kiến vẫn đạt ngưỡng 1.000 tỷ đồng (tương đương với tiêu thụ khoảng 65 nghìn tấn thép cán các loại).

 

Theo đề xuất của Hiệp hội Thép Việt Nam thì các doanh nghiệp ngành thép cần tập trung điều chỉnh lại kênh phân phối, có thể mạnh dạn cắt hợp đồng các đại lý kinh doanh không hiệu quả, đồng thời có chính sách động viên các đại lý đạt doanh thu cao. Cùng với đó, cần điều chỉnh các hoạt động tiếp thị, quảng bá, tích cực tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm, maketing trực tiếp…

 

Có thể nói, vấn đề sống còn của ngành thép lúc này không phải là sản xuất bằng mọi giá mà là vấn đề nâng cao “sức khỏe”, bản lĩnh cho các doanh nghiệp nhằm vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định sản xuất, kinh doanh lâu dài.

Bà Nguyễn Thị Vinh, Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng: Trước khó khăn hiện nay, chúng tôi đề nghị Nhà nước nên giảm thuế giá trị gia tăng cho ngành thép từ 10% xuống còn 5% giống như năm 2009 để khuyến khích tiêu dùng nhằm tạo thị trường cho ngành thép.

 

Ông Hoàng Ngọc Diệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: Là doanh nghiệp sản xuất thép chủ đạo trên địa bàn tỉnh, chúng tôi sẽ có trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương từng bước bình ổn thị trường thép, đồng thời quan tâm, chia sẻ những khó khăn cùng các chi nhánh, nhà phân phối thép khác. Trong giai đoạn này, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thép không nên chỉ biết trông đợi mà còn cần chủ động vượt qua khó khăn trước mắt…