Chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng

09:08, 01/11/2012

Huyện Đồng Hỷ hiện có trên 24.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó diện tích có rừng là hơn 23.000 ha, diện tích rừng dễ cháy gần 18.500 ha. Hiện nay, thời tiết đang bắt đầu bước vào mùa hanh khô nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất lớn. Để đối phó với “giặc lửa”, các ngành chức năng của huyện đã chủ động tổ chức tuyên truyền và có kế hoạch về phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đến các xã, thị trấn trên địa bàn.

Ông Đỗ Đức Thịnh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ cho biết: Huyện có 18 xã, thị trấn thì diện tích rừng tập trung chủ yếu ở các xã: Hợp Tiến, Văn Lăng, Khe Mo, Cây Thị…Để hạn chế tối đa những thiệt hại từ cháy rừng, ngay đầu mùa khô, huyện đã xây dựng phương án bảo vệ, PCCCR với phương châm: Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, khẩn trương và có hiệu quả. Xác định từng vùng xung yếu và khó khăn riêng biệt của từng khu vực để có hướng chỉ đạo sát, đúng. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với các cuộc họp dân để triển khai lồng ghép thông báo nguy cơ cháy rừng, quy chế bảo vệ PCCCR đến cộng đồng dân cư và các chủ rừng.

 

Giữ vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR, Hạt Kiểm lâm huyện hiện có 27 cán bộ, trong đó có 14 cán bộ đã được bố trí, phân công chia thành 3 trạm kiểm lâm phụ trách địa bàn. Toàn huyện thành lập 20 ban quản lý bảo vệ và PCCCR với 187 thành viên, 225 tổ quần chúng bảo vệ rừng với gần 1.200 người. Mỗi xã, thị trấn đều có một Trung đội dân quân tự vệ gồm 30 người được huy động thường xuyên tuần tra canh gác PCCCR. Với nhiệm vụ bám rừng, bám dân và bám chính quyền cơ sở, lực lượng này thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ xảy ra cháy. Phát hiện và xử lý nghiêm các vụ phá rừng, làm nương rẫy, vận chuyển lâm sản trái phép nên đã hạn chế được tối đa các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức được 14 lớp tập huấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật về công tác chăm sóc, bảo vệ rừng cho gần 1.000 lượt người; Hạt Kiểm lâm huyện đã phát hiện và xử lý 38 vụ buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép (giảm 65% so với cùng kỳ năm 2011), thu nộp ngân sách nhà nước gần 60 triệu đồng; toàn huyện không để xảy ra vụ cháy nào. 

 

Kinh nghiệm của những năm trước đây cho thấy, một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của công tác PCCCR, đó là phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Khi xuất hiện các điểm cháy, lực lượng này đã có mặt ứng cứu kịp thời và nhanh chóng dập tắt các đám cháy, không để lây lan ra diện rộng. Năm nay, do lượng mưa ít nên mùa hanh khô được dự đoán là sẽ kéo dài và đó là điều kiện thuận lợi cho hiện tượng cháy rừng xảy ra. Do đó việc tăng cường PCCCR, đặc biệt là chủ động trong các tình huống cháy xảy ra được Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ quan tâm hàng đầu bằng cách luôn cử người thường trực ở các Trạm để tuyên truyền cảnh báo cháy rừng, đồng thời nhận thông tin ở cơ sở báo về khi có cháy rừng xảy ra, qua đó chỉ đạo các cán bộ ở dưới địa bàn để có biện pháp huy động lực lượng cứu chữa kịp thời. Đối với các xã vùng cao, có diện tích rừng lớn như: Văn Lăng; Tân Long; Quang Sơn... là khu vực tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, thường xuyên đốt nương, làm rẫy nên thường có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao hơn các nơi khác. Lực lượng kiểm lâm của huyện đã phối hợp với cơ sở tuyên truyền, vận động người dân không phát rừng, làm nương rẫy bừa bãi, hướng dẫn kỹ thuật đốt nương, tạo đường băng cản lửa cho người dân và nghiêm cấm đốt vào những ngày nắng nóng, có gió...

 

Có thế thấy việc chủ động, triển khai các biện pháp PCCCR hợp lý, cụ thể và cấp bách đến các địa phương sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra. Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng: Công tác này chỉ thực sự có hiệu quả khi mọi người dân coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Các cấp ủy, chính quyền xã, thôn cùng vào cuộc và xử phạt nghiêm minh những đối tượng gây ra cháy rừng.